Vui buồn nghề báo

07:10 | 18/06/2016

1,094 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một nhà báo đàn anh nói rằng, làng báo là nơi lúc nào cũng sẵn sàng mở rộng cửa. Mở rộng cửa để đón mọi người, bao gồm tất thảy người đọc, người viết, người khen, người chê. Riêng về người viết, dường như bất kỳ ai cũng có thể tham gia viết báo.

Nó không giống cánh cửa hẹp ở một số ngành nghệ thuật khác. Internet vào Việt Nam đã gần 20 năm. Mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt. Vì thế mà số người “viết báo” ngày càng… dày đặc. 

vui buon nghe bao

Vẫn biết, theo Luật Báo chí hiện hành, mạng xã hội không được coi là báo chí chính thống, nhưng thử hỏi những thông tin và bình luận nóng sốt trên mạng ngày ngày có tác động ghê gớm đến dư luận xã hội hay không? Cửa mở rộng cho nên nhiều người muốn bước chân vào. Có người là “nhà” chuyên nghiệp. Nhưng cũng không ít anh vô lối, lởm khởm. Làng báo và cả xã hội nhiều phen choáng váng vì những tin vịt; vì những bài lăng xê một cách quá đáng; vì những lời phán xét, dạy bảo mang nặng tính chủ quan, quy chụp; vì những trận đánh hội đồng một doanh nghiệp, một địa phương nào đó, mà lẽ ra không đến mức phải dùng cả một đoàn “xe tăng” như thế. Cố nhà báo Hữu Thọ đã từng thốt lên rằng: “Tôi phải đau xót mà nói rằng, chưa bao giờ uy tín của báo chí bị giảm sút như hiện nay. Những năm vừa qua báo chí sai phạm quá nhiều, mà sai phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật, thậm chí là suy diễn, bịa đặt thông tin, làm tổn hại danh dự cá nhân, tổ chức và gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội”.

Tính chuyên nghiệp của báo chí là điều nền báo chí nước nhà đang phấn đấu vươn tới. Phải nói rằng cả thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, người làm báo chúng ta đã thuộc lòng rất nhiều “tính”: tính Đảng, tính quần chúng, tính chân thật, tính chiến đấu, tính hấp dẫn… Đó là cái la bàn cho nhà báo. Nhưng bây giờ là năm thứ 16 của thế kỷ XXI, nên chăng ta hãy chú tâm nhiều hơn, nhiều hơn nữa đến tính chuyên nghiệp. Chuyên trước hết là nó khác với phi chuyên nghiệp, ngụy chuyên nghiệp, tức là nhân danh chuyên nghiệp mà toàn bày ra món “hàng xén” hoặc treo đầu dê bán thịt chó. Thà rằng anh đứng hẳn sang phía nghiệp dư cho người ta dễ nhận mặt.

 Phi chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ, một số tờ báo, tác giả đã kéo quá dài sự chậm chễ, ngẫm nghĩ miên man, luận bàn chữ nghĩa theo kiểu chẻ sợi tóc làm tư mà không vào thẳng sự việc, vấn đề. Một số tờ báo thông tin quá chậm, nói theo báo khác theo kiểu “đá gà chết”. Đã chậm lại không có gì mới, mới ở diễn biến sự việc, ở sự phân tích thấu đáo, bình luận sắc sảo. 

Nói đi cũng phải nói lại. Thời gian qua nhiều tờ báo đã thông tin rất nhanh, trung thực, khách quan về các sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị - xã hội nước nhà, trong đó rất chú ý thông tin về những vụ tham nhũng, tiêu cực, những bức xúc xã hội. Thông tin về Đại hội Đảng XII, về bầu cử Quốc hội khóa XIV, về việc tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm mô hình tăng trưởng, về tình hình Biển Đông… Thông tin về những sự kiện đáng lo ngại và  đáng buồn, đáng lên án trong đời sống xã hội: Nợ công, nợ xấu liệu đã vượt trần, xử lý ra sao?; thảm họa cá chết ở miền Trung; hậu quả mua bán hàng đa cấp làm hàng vạn người dân điêu đứng; hàng loạt công trình tiền tỉ phơi mưa phơi nắng; “Pháo đài” 8B Lê Trực dòm xuống Lăng Bác; vụ quán cà phê “Xin chào” và những oan khuất của người dân; lò “ấp trứng” gà tiến sĩ đẻ ra… ngỗng...

Nhưng báo chí thông tin chậm và sai còn nhiều. Thông tin sai sự thật, chỉ thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, nhất là trong các bài phê phán, chống tiêu cực là biểu hiện khá phổ  biến. Người viết này chê, vạch vòi bao nhiêu lỗ hổng quản lý, nước giải khát thì nhiễm độc tố, cửa khẩu hải quan thì “con voi chui lọt lỗ kim”… Bất ngờ, người khác ra bài, nào là không hề có lỗ hổng, có chăng đó là trục trặc trong quá trình chuyển đổi, phải thông cảm với doanh nghiệp chứ! Chuyện nước giải khát đã có giám định rồi, đâu có nhiễm chì, nhiễm sắt gì. Lại nghe đâu doanh nghiệp phải chi bạc tỉ cho một số “nhà báo”. Thế là thật giả cứ rối tinh rối mù. Có đơn vị sai sờ sờ ra đấy, báo chí đăng lên, việc đầu tiên là họ bảo phải “mua” mấy cha nhà báo. Thật là đau. Mình không bán thì ai mua được!

Nghề báo đòi hỏi cần có sự quan sát nhanh, suy nghĩ nhanh, cắt nghĩa cái đã, đang và sẽ xảy ra. Có khi người viết phải trao đổi với nhiều người để tìm câu trả lời, dù chỉ là tương đối. Và cũng nhiều khi phải tự mình hỏi, tự mình trả lời. Cho nên nhà báo cần có hiểu biết rộng (dù không sâu ở nhiều lĩnh vực). Có người bảo anh viết báo như con dao pha là vì vậy. Con dao chặt gỗ, con dao băm bèo, con dao chẻ lạt, con dao gọt hoa quả… Chỉ xin anh dùng đúng. Đừng đem dao chặt gỗ mà gọt hoa quả. Do phải làm “dao pha” nên nhiều khi bí quá hóa liều. Ta vẫn thấy những bài báo có nhiều sai sót, do tri thức, do kiến văn của người viết còn hạn hẹp. Ví dụ như gọi Thái Lan là quốc đảo;  Nga  thuộc Bắc Âu (!). Ví dụ như Minh Mạng là vua Trung Hoa; “Thủy, hỏa, đạo, tặc” là ba thứ giặc (!). Ví dụ như “Tứ bất tử” là Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo (!)… Nghề báo đòi hỏi phải tự học là chính, “trong bụng phải có ba vạn cuốn sách” mới có thể có tri thức rộng. Tam Lang nói: “Nghề báo là nghề vô sư, vô sách”. Đương nhiên ngày nay phần lớn các nhà báo được đào tạo cơ bản, có từ một đến… nhiều bằng đại học, nhưng trường đời vẫn là quan trọng hơn cả.

Để tiến tới sự chuyên nghiệp trong nghề báo, có nhiều yếu tố. Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta, cần phải: “Đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Hải Đường

Năng lượng Mới 530

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc