Vụ phá rừng pơ mu: Hé lộ những tình tiết lạ

07:20 | 23/07/2016

964 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều ngày  21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra vụ phá rừng pơ mu tại huyện Nam Giang (Quảng Nam).

Rừng bị phá sát “nách” Biên phòng

Phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng này không phải là Kiểm lâm, cũng không phải Biên phòng, mà là do người dân địa phương. Vào ngày 9/7, một người dân địa phương phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717 (giáp ranh giữa huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào) có hàng trăm phách gỗ được chất đống.

Từ nguồn tin của người dân này, Công an huyện Nam Giang phối hợp cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung đến kiểm tra hiện trường. Tại đây, cơ quan chức năng kiểm đếm có tới 280 phách gỗ Pơ mu, đường kính từ 1 đến 2m, chiều dài từ 2,1 đến 2,2 m, khối lượng gỗ là 28m3, hoàn toàn là gỗ mới. Đây là loại gỗ Pơ mu quý hiếm, thuộc nhóm 2A.

Sau khi vào rừng kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, số gỗ trên được cưa hạ từ khoảnh 10, tiểu khu 351, cách Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc-Nam Giang hơn 1500m, vị trí “lâm tặc” tập kết gỗ chỉ cách chừng 50m.

Ngày 10/7, Công an huyện Nam Giang phối hợp với các lực lượng khác ở địa phương tổ chức vận chuyển số gỗ khai thác trái phép trên về khu vực Đồn Công an Chà Vàl (Nam Giang). Và mất đến hai ngày mới vận chuyển hết số gỗ này.

Cách đây 2 ngày, ngày 20/7, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra hiện trường. Tại đây đoàn công tác của UBND tỉnh đã phát hiện nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến vụ phá rừng này.

Toàn bộ diện tích rừng pơ mu bị đốn hạ nằm tại khu vực biên giới thuộc xã La Dêê (huyện Nam Giang). Những cây pơ mu “trăm tuổi” chỉ còn trơ lại gốc, gỗ đã xẻ nằm ngổn ngang như tại “xưởng cưa”!

Với việc đốn hạ những cây pơ mu có đường kính từ 1m trở lên, rồi xẻ ra từng phách theo quy cách, ngay sát “nách” đồn biên phòng, mà những người đang ngày đêm “bảo vệ an ninh” biên giới nói không biết, thì quả là chuyện lạ. Càng lạ hơn khi số cây bị đốn hạ lên đến con số 60, thì không phải “ngày một, ngày hai” mà xong. Chưa hết, nhiều cây đang “chết đứng” vì bị cưa dở, do quá trình đốn hạ phát hiện “có bọng” và “rỗng ruột”…thì không thể nói bọn “lâm tặc” vào đây “cưa trộm” được!

Phát biểu tại cuộc họp ngay tại hiện trường, Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, thành viên đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Biên phòng là lực lượng chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ phá rừng nghiêm trọng này.

“Kho gỗ” ở trụ sở… Hải quan và Biên phòng

Việc phát hiện và thu giữ 115 phách gỗ ngay trong trụ sở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Đắc Ốc-Nam Giang. Người đứng đầu cơ quan này, ông Lê Trung Thịnh (vừa mới bị đình chỉ công tác), lớn giọng cho rằng: số gỗ này “không liên quan” đến vụ phá rừng pơ mu!?

Theo “phân trần” của ông Thịnh, đây là số gỗ của một số doanh nghiệp “cho” anh em trong cơ quan để sửa nhà, một số đã được chuyển về, số còn lại để công khai tại cơ quan, ai có nhu cầu thì lấy, có giấu giếm gì đâu!

Ừ thì cứ cho là 115 phách gỗ được các doanh nghiệp “cho”. Nhưng ông Thịnh và cán bộ hải quan ở đây trả lời với dư luận thế nào về việc 85 phách gỗ pơ mu được cơ quan chức năng tìm thấy cách trụ sở chỉ…50m và cách Trạm kiểm soát Biên phòng 500 mét. Không thể nói quanh co, vòng vo, ông “sếp” Hải quan này đành “nói liều” hai chữ “không biết”!

Cũng như ở trụ sở hải quan cửa khẩu Đắc Ốc, tại đồn biên phòng khu vực này, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục phách gỗ giấu trong một ngôi nhà hoang, chỉ ngay sau lưng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu khoảng 15 mét. Chưa hết, cơ quan chức năng còn thu giữ tại nhà dân ở khu vực của khẩu 25 phách gỗ cùng chủng loại đang được cất giấu tại đây.

Ngoài ra, còn một “kho” gỗ khác, mới bị tẩu tán cũng nằm trong khu vực quản lý của Biên phòng. Kho gỗ này, theo thượng tá Nguyễn Trung, Phó phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46, Công an tỉnh Quảng Nam), chứa khoảng 20 m3 gỗ pơ mu thành phẩm.

Tại cuộc họp ở hiện trường, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì, Thượng tá Nguyễn Trung khẳng định: nơi chứa gỗ lậu cách Trạm biên phòng không xa, trinh sát và điều tra viên của công an đã liên hệ với Biên phòng để vào kiểm tra, nhưng bị từ chối, vì đây là “vùng cấm”.

Trước đó, chiều 19/7, Công an huyện Nam Giang phát hiện 60 phách gỗ pơ mu giấu phía dưới một con suối, sau lưng trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc. Đây có thể là số gỗ mà trinh sát Công an Quảng Nam đã phát hiện, nhưng không được Biên phòng hợp tác cho kiểm tra, đã được tẩu tán tại đây.

Sáng ngày 20/7, Đoàn công tác đã bất ngờ kiểm tra nơi cất giấu này, thì toàn bộ số gỗ đã bị tẩu tán. Theo ghi nhận của chúng tôi, phía trong nhà chứa gỗ vẫn còn nguyên dấu xe vận chuyển, những dấu gỗ còn hằn trên nền đất, tìm kiếm xung quanh, Đoàn công tác phát hiện được 20 phách gỗ giấu ngay bên đường. Rất tiếc, khu vực này sát với nước bạn Lào, nên không thể mở rộng phạm vi tìm kiếm.

Với tất cả những “tang chứng”, “vật chứng” ở hai cơ quan “tai mắt” khu vực biên giới như đã trình bày trên, không thể nói hai cơ quan này “vô can” trong vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng này.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Phát biểu tại cuộc họp ở hiện trường, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, A Lăng Mai phải thốt lên rằng, trong thời gian vừa qua, các đồn biên phòng gây không ít khó khăn cho địa phương. Cán bộ địa phương, cụ thể là Bí thư xã biên giới La Dêê, nhiều lần đề nghị tổ chức truy quét lâm tặc, thì không nhận được sự “hợp tác” của Biên phòng.

Ông Mai than thở, đến chính quyền trực tiếp đề nghị Biên phòng cùng phối hợp, mà lúc nào cũng bị đồn biên phòng “từ chối”, từ chối nên không cho lực lượng của xã vào, với lý do đây là vùng biên giới, vùng cấm. Muốn hợp tác để bảo vệ rừng, nhưng Biên phòng không cho, thì chính quyền hợp tác với ai?

Không chỉ vậy, trong quan hệ phối hợp với địa phương, các đồn biên phòng ngày càng kéo dãn khoảng cách, bằng cách ít tham gia hội họp. Ngay hội nghị sơ kết quốc phòng 6 tháng của huyện, có đến 3 đồn biên phòng không tham dự. Ông Mai cảm thấy “tình đoàn kết”, với tinh thần là “bà đỡ”, là “tham mưu” cho nhân dân và chính quyền các xã vùng biên của các đồn Biên phòng ngày càng phai nhạt.

Ông chất vấn chỉ huy Biên phòng Quảng Nam: Quy định, quy chế biên giới rất chặt chẽ, chặt chẽ đến mức cán bộ địa phương muốn kiểm tra, truy quét lâm tặc mà Biên phòng không cho nên đành chịu. Nhưng tại sao “lâm tặc” vào khai thác gỗ công khai được!? Biên phòng quản lý “chặt”, mà gỗ lậu giấu ngay bên cạnh không “phát hiện” được, lý giải thế nào đây!?

3 cán bộ Biên phòng gồm: thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng Đồn biên phòng La Dêê; trung tá Đỗ Hoàng Minh, Chính trị viên và trung tá Lê Xuân Chính, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc, đã bị Bộ Tư lệnh Bộ đội Bien phòng tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra, xem xét vụ phá rừng gần trạm biên phòng.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã cử Điều tra hình sự vào Quảng Nam để phối hợp điều tra làm rõ vụ việc. Trước đó, ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Đắc Ốc-Nam Giang, cũng đã bị đình chỉ công tác.

Ngày 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng về vụ phá rừng pơ mu ở huyện Nam Giang (Quảng Nam) và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc của các ngành chức năng, chắc chắn không lâu nữa, “thủ phạm chính” vụ phá rừng nghiêm trọng này sẽ được “lôi” ra ánh sáng.

Một số hình ảnh vụ phá rừng pơ mu (Ảnh Trần Thường):

he lo nhung tinh tiet co to chuc
he lo nhung tinh tiet co to chuc
he lo nhung tinh tiet co to chuc
he lo nhung tinh tiet co to chuc

Có ít nhất 66 cây pơ mu hơn 100 tuổi tại rừng phòng hộ Nam Sông Bung, trên địa bàn xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang (Quảng Nam) bị đốn hạ. Theo cơ quan điều tra, nhiều cây pơ mu cổ thụ khác đã bị cưa dở, phát hiện rỗng ruột, nên bọn lâm tặc không khai thác, tương lai không xa cũng sẽ bị chết.

Ngay sau khi khởi tố vụ án, công an liên tiếp phát hiện nhiều bãi tập kết gỗ pơ mu thành phẩm. Nhiều bãi ngay sát trạm biên phòng và Chi cục Hải Quan. Cả hai lực lượng này đều cho rằng, “không hề hay biết vụ phá rừng cũng như số gỗ bị giấu gần đó”. Đến nay, cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 600 phách gỗ. Theo nhận định của cơ quan điều tra còn rất nhiều gỗ đã bị tẩu tán.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Đinh Văn Thu đã giao cho các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tỉnh Sê Kông (Lào) điều tra vụ phá rừng này. Sắp tới sẽ có buổi làm việc giữa lãnh đạo hai tỉnh, trong đó có bàn về công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.

Lâm Quý

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc