Vu Lan về, viết cho sự bất hiếu thời nay

11:29 | 13/08/2011

2,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Một mùa vu lan, mùa báo hiếu mẹ cha nữa lại về, nhắc nhớ cho tất cả những người từng có mẹ, có cha về ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục.

Ngay từ thuở sơ khai của loài người, chữ hiếu đã là thước đo giá trị nhất cho nhân cách của mỗi con người. Từ một người ăn mày cho đến những bậc anh hùng lừng danh xưa nay trong thiên hạ, chữ hiếu đều được mang ra làm thước đo. Nó giá trị đến mức nếu ai đó thiếu đi chữ hiếu thì chúng ta không còn gì để mà nói về con người đó nữa.

Người ta nói càng trưởng thành, càng đi xa, càng lớn lên, sinh con đẻ cái, làm mẹ làm cha thì càng thấy thương cha thương mẹ.

Có một người mà tôi yêu kính đã nhắc tôi “Với các bà mẹ thì không có đứa con nào là người lớn cả”. Đúng là tự vạn năm, tình yêu của mẹ dành cho con có lẽ chưa bao giờ thay đổi, nhưng chữ hiếu, niềm yêu thương của những đứa con dành cho mẹ, có vẻ như lại đang dần hoang hóa.

Mùa Vu Lan thiêng liêng, tôi không đề cập đến những trường hợp bất hiếu đã lên đến tầm “phỉ nhổ” như: Hành hung cha mẹ, cướp nhà cướp đất, đẩy bố mẹ ra đường… Chỉ xin nói về một nỗi bất hiếu rất khó gọi tên.

Nhiều người con lớn lên, trở thành những người thành đạt, thành ông này bà nọ, họ nhớ công muôi dưỡng của mẹ cũng đã không tiếc của cải, vật chất để làm mẹ vui, nhiều người trong số đó đã đưa mẹ cha cùng về sống cùng để chăm sóc. Nhưng chẳng hiểu cố ý hay vô tâm mà đôi khi, những đứa con tạm được gọi là “có hiếu” ấy lại chỉ để cho mẹ của mình sống một cuộc sống thực vật mà không cho mẹ tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình.

Cuộc sống hiện đại, những người con bận rộn với công việc, các mối quan hệ xã hội, họ đi làm về vào lúc tối mịt và ra đi từ sáng sớm tinh mơ, những quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với người mẹ cứ giảm dần đi và thay vào đó là những gói quà, những món tiền “Mẹ cần gì cứ bảo con, con sắm cho đủ hết”, “Con có để cho mẹ thiếu thốn cái gì đâu”…

Nhưng người mẹ đâu có cần những thứ đó! Cái mẹ cần là sự sự hỏi han, trò chuyện và mẹ cũng muốn được chăm sóc các con như khi con còn bé.

Bạn là người quyền cao chức trọng, bạn là một doanh nghiệp lớn, khi có bạn bè đến chơi nhà, thứ bạn mang ra “khoe khoang” chắc chắn là một món đồ độc, một thứ đồ chơi đắt giá hàng ngàn đô – thế có bao giờ bạn “khoe” với họ một thứ giá trị nhất của bạn – NGƯỜI MẸ: “Mẹ tôi vừa ở quê ra chơi” hay “Mẹ tôi còn khỏe lắm…”

Tôi đã bắt gặp không ít bữa tiệc tùng tại nhà mà người mẹ được các con giấu tít ở trên tầng cao, khóa trái cửa rồi cho osin mang thức ăn lên tận nơi, lấy cớ là “để yên cho mẹ tĩnh dưỡng”. Nhưng thực ra họ xấu hổ, họ ngại giới thiệu mẹ mình, họ sợ bà lang thang xuống nhà làm “xấu mặt”.

Không phụng dưỡng được mẹ cha là một trong những lỗi lớn nhất của đời người

Bà muốn gặp con, muốn được xoa đầu, muốn đứa con của bà bé lại để bà che chở, nhưng suy nghĩ của những đứa con đã vượt quá tầm vóc của bà. Bà dạy nó thì nó nói: Cái đó ai mà chả biết, mẹ không phải lo.

Bà muốn được chăm cháu nhưng cách chăm của bà bị chê là cổ hủ. Thời này ai người ta chăm như thế nữa!

Bà muốn răn dạy các cháu: Đã có gia sư.

Bà muốn làm vài việc lặt vặt, nấu nướng, giặt giũ chăm sóc cháu con: Đã có osin rồi bà ạ.

Không trò chuyện, không sẻ chia, không tham gia vào sinh hoạt tinh thần của gia đình: Người mẹ bị bỏ quên ngay trong chính ngôi nhà của con mình.

Một lần nữa, với đức hi sinh vô bờ, người mẹ lại âm thầm chịu đựng sự cô đơn, sự lạnh lẽo này cho đến chết.

Cũng đã có không ít bà mẹ không chịu nổi cảnh sống lạnh lẽo ở phố phường, sự vô tâm của những người con đã quay về làng quê, trong túp lều của mình. Ở đó bà có ruộng đồng, có những con gà, con chó làm bạn.

Và rồi mẹ ngồi ngóng con về. Nhưng đứa con lại chỉ một năm đôi lần ghé thăm chớp nhoáng, lấy cớ “bận việc”, biếu mẹ gói quà, món tiền và rồi lại đi biền biệt…

 

Hoàng Thắng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc