Vụ đánh bom tại Bangkok: Vì sao chưa bắt được thủ phạm?

14:00 | 27/08/2015

1,328 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
10 ngày trôi qua nhưng cảnh sát Thái Lan vẫn chưa biết được nguyên nhân của vụ đánh bom ngôi đền Erawan ở Bangkok đêm 17/8 làm 20 người chết và 125 người bị thương và cũng chưa tìm ra thủ phạm. Giờ là lúc các bên đổ lỗi cho nhau.
vu-danh-bom-tai-bangkok-vi-sao-chua-bat-duoc-thu-pham
Hình ảnh nghi can chính đánh bom được công bố trên đường phố Bangkok

Tư lệnh cảnh sát quốc gia, tướng Somyot Poompunmuang, nói với báo Bangkok Post hôm 23/8 rằng cảnh sát đã xác định được “một nhóm nghi can”. Tuy nhiên ông từ chối không cho biết thêm chi tiết cũng như không có nhận định đó là người Thái hay nước ngoài. Ông nhìn nhận cuộc điều tra tiến hành chậm chạp, không phải do khả năng của cảnh sát mà vì trang bị kỹ thuật lỗi thời. Bangkok có khoảng 50.000 máy thu hình kiểm soát an ninh đặt ở khắp nơi, nhưng tướng Somyot phàn nàn là có khi trên một đường phố gắn 20 máy thì tới 15 cái hỏng, khiến cảnh sát không có đầy đủ hình ảnh và những cái có được cũng rất mờ nhạt, buộc họ phải “dùng trí tưởng tượng” để nối kết các hành động của thủ phạm.

Ông Somyot cũng nói rằng họ thiếu các dụng cụ chuyên môn tối tân để làm rõ các hình ảnh mờ nhạt về nghi can đeo ba lô, vốn đã được phổ biến ra công chúng.

Giới chức điều hành thành phố Bangkok ngay lập tức triệu tập cuộc họp báo hôm 25/8 để phản bác những lời than phiền của ông Somyot.

Thiếu tướng Vichai Sangprapai, cố vấn cho đô trưởng Bangkok, nói rằng chỉ có 3 trong số 107 máy ghi hình quanh khu bị nổ bom là không hoạt động và đã được nhanh chóng sửa chữa. Tuy nhiên, dọc theo con đường di chuyển của nghi can chỉ có một máy duy nhất không hoạt động, theo ông Vichai. “Chỉ có một máy duy nhất không hoạt động ở ngã tư Rajaprasong, và điều này không cản trở cuộc điều tra”- ông nói.

Hơn 1.000 nhân sự gồm quân đội, cảnh sát và viên chức dân sự tham gia chiến dịch truy tầm các nghi can. 3.500 căn hộ đã được lục soát nhưng không tìm thấy bằng chứng gì đáng lưu ý.

Nhà chức trách Thái Lan không tin là vụ nổ bom chủ ý nhắm vào du khách. AFP hôm 25/8 dẫn nguồn Hội đồng Quân lực Thái Lan nói vụ khủng bố tuần trước không ảnh hưởng tới du lịch, ngành công nghiệp quan trọng bậc nhất chiếm 10% giá trị kinh tế của Thái Lan. Đại tá Winthai Suvaree, phát ngôn viên hội đồng quân lực, tuyên bố: “8 ngày sau vụ nổ, số du khách đến những điểm du lịch quen biết ở Bangkok và các tỉnh khác vẫn cao”. Ông nói thêm: “Bộ Du Lịch và Thể Thao bào cáo thống kê du khác nước ngoài đến Thái Lan vẫn ở mức bình thường”. Tuy nhiên ông không đưa ra một con số nào cụ thể.

Một phân tích do ForwardKeys đưa ra cùng ngày, nói rằng số người đăng ký du lịch đến Thái Lan giảm 65% trong vòng 5 ngày sau vụ nổ bom, so với cùng thời gian năm ngoái. Những ngày này không ở vào thời kỳ cao điểm du lịch. ForwardKeys theo dõi 14 triệu chuyển ngân du lịch mỗi ngày, cho biết thêm là sự giảm sút lớn nhất là từ Hong Kong, tiếp theo tới Trung Quốc và Đài Loan.

Cho đến bây giờ chính quyền Thái Lan vẫn không tin là có tổ chức khủng bố quốc tế đứng đằng sau vụ nổ bom ở Bangkok. Nhưng BBC dẫn lời nhà phân tích Pavin Chachavalpongpun lại cho là không thể từ những vấn đề quốc nội.

Theo Pavin, trước hết nên chú ý tới địa điểm khủng bố. Erawan, tên Thái Lan là San Phra Phrom, là ngôi đền Bà La Môn (Ấn Giáo), được xây dựng năm 1956 sau khi các công nhân xây dựng khách sạn Grand Hyatt Hotel nói rằng gặp khó khăn đụng chạm với quỷ thần. Ngôi đền nằm ngay bên cạnh khách sạn, có một phần ngoài trời, được người theo đạo Phật ở Thái Lan và người Hoa coi là linh thiêng, tin tưởng đến cầu xin tại đây thì tài lộc sẽ phát đạt.

Hầu hết du khách đến Bangkok đều được hướng dẫn tới thăm đền và cùng với nhiều trung tâm thương mại gần đó, Erawan là địa điểm tập trung đông đảo suốt ngày đêm. Nếu chọn một mục tiêu gây tiếng vang và sát thương lớn thì đền Erawan là tốt nhất ở Bangkok.

Thứ hai, theo Pavin, mức độ tổn thất quá lớn, quá kinh hoàng nên Erawan không thể là mục tiêu cho những tranh chấp chính trị quốc nội. Pavin cũng cho rằng văn hóa Phật giáo ở Thái Lan thể hiện lòng khoan dung, hòa hợp với những tín ngưỡng khác. Vì vậy nếu nghi can là chính dân Thái Lan thì không tấn công nơi này.

Người ta có thể nghĩ đến cuộc nổi dậy đòi ly khai của dân thiểu số Hồi giáo miền Nam, nhưng từ trước đến nay bạo lực chỉ giới hạn trong ba tỉnh miền Nam chưa khi nào bành trướng tới vùng đồng bằng trung ương của sông Chao Phraya.

Cũng có giả thuyết cho rằng dân Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc tức giận vì Thái Lan trục xuất người tị nạn trở về Trung Quốc đã hành động trả thù. Tuy nhiên Pavin nói là không có bằng chứng gì đáng tin cậy để bảo vệ lập luận ấy.

Cuối cùng, Pavin Chachavalpongpun nhận thấy một điều chắc chắn là hệ thống tình báo của chính quyền Thái Lan quá yếu và đã không phát hiện được một dấu hiệu gì là một hành động khủng bố tàn bạo như thế có thể có lúc xảy ra ngay tại xứ sở Phật giáo hòa bình. Chuyên gia Pavin cho rằng trong vụ khủng bố này, chính quyền quân sự Thái Lan có thể được lợi vì có thêm lý do để tiếp tục nắm giữ quyền lực lâu dài, trước nhu cầu bảo vệ an ninh cho dân chúng là nhiệm vụ quan trọng nhất.

trung quoc bac bo lien quan den vu danh bom o thai lan

Trung Quốc bác bỏ liên quan đến vụ đánh bom ở Thái Lan

Trung Quốc hôm qua bác bỏ giả thuyết vụ đánh bom ở Bangkok ngày 17/8 có liên quan đến việc Thái Lan trục xuất người thiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc và cho đây là cáo buộc “cực kỳ vô trách nhiệm”.

ai la thu pham danh bom tai thai lan

Ai là thủ phạm đánh bom tại Thái Lan?

Lần đầu tiên du khách nước ngoài là mục tiêu tấn công tại Thái Lan. Ai trong số những đối tượng sau là thủ phạm vụ đánh bom trên: phe Áo Đỏ của cựu Thủ tướng Tharsin, phiến quân Hồi giáo ở miền nam hay một nhóm người nào đó muốn trả thù Trung Quốc thông qua vụ đánh bom tại Bangkok hôm 17/8?

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AFP, BBC, Bangkok Post)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc