Vụ án vỡ đường ống dẫn nước sông Đà: Đang tới hồi kết

11:13 | 13/03/2018

536 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ vì thiếu trách nhiệm trong quá trình xây dựng đường ống dẫn nước sông Đà của các bị cáo, đã dẫn đến hậu quả 18 lần bị vỡ ống, thiệt hại hơn 16,6 tỉ đồng tiền sửa chữa, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội.

Đề nghị mức án cho từng bị cáo

Sau 3 ngày xét xử công khai vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Vinaconex, chiều 7-3, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

dang toi hoi ket

Hình ảnh đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ

Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” như sau: Hoàng Thế Trung (58 tuổi, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội) và Trần Cao Bằng (64 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex) từ 36 - 42 tháng tù; Nguyễn Văn Khải (57 tuổi, nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội), Vũ Thanh Hải (58 tuổi, nguyên Trưởng phòng Sản xuất, nguyên Quản đốc Phân xưởng, nguyên Phó giám đốc Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex), Đỗ Đình Trì (50 tuổi, nguyên cán bộ Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Trưởng đoàn Tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) từ 30-36 tháng tù; Trương Trần Hiển (61 tuổi, nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội) từ 24-30 tháng tù; Hoàng Quốc Thống (63 tuổi, nguyên cán bộ Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) từ 24-30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách từ 48-60 tháng; Bùi Minh Quân (46 tuổi, Phó giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và kinh doanh thiết bị thuộc Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) từ 15-18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách từ 30-36 tháng; Nguyễn Biên Hùng (68 tuổi, nguyên cán bộ Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Phó trưởng đoàn Tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) từ 12-15 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách từ 24-30 tháng.

Ngoài mức án phạt tù, đại diện cơ quan công tố còn đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt bổ sung, cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ, cấm hành nghề liên quan từ 1-3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo trên là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến an toàn công cộng, chất lượng công trình xây dựng và tài sản của doanh nghiệp. Các bị cáo Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển, Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải, Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân là những người có nhiều năm công tác trong ngành xây dựng, nhưng không tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, dẫn đến hậu quả trong thời gian từ ngày 4-2-2012 đến ngày 2-10-2016, đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội đã 18 lần bị vỡ, doanh nghiệp khai thác là Công ty CP Nước sạch Vinaconex đã phải chi phí sửa chữa hơn 16,6 tỉ đồng để khắc phục.

Việc đường ống liên tục bị vỡ đã gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nguyên nhân gây ra việc vỡ tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án được xác định là do phồng rộp, tách lớp, lồi, lõm, nhiều vết nứt, xước, rạn xung quanh thành ống, ống không đạt chiều dày thiết kế, màu sắc và các lớp vật liệu không đồng đều. Đây là những lỗi mà Tiêu chuẩn sản xuất ANSI/AWWA C950 - 01 yêu cầu không được có đối với mỗi sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh được sản xuất theo tiêu chuẩn này.

Hủy quyết định khởi tố nguyên Phó chủ tịch UBND Hà Nội

Theo cáo trạng, Dự án đường ống dẫn nước sông Đà do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư và được triển khai xây dựng từ năm 2004 đến 2009 thì hoàn thành. Hệ thống đường ống này đã được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Trong quá trình vận hành, khai thác đường ống dẫn nước sông Đà liên tục xảy ra sự cố vỡ đường ống.

dang toi hoi ket

Các bị cáo tại phiên xét xử

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các thành viên HĐQT Vinaconex, giai đoạn 2003, 2004, gồm: Ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội); Nguyễn Văn Tuân (nguyên ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc) và các ủy viên HĐQT là ông Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành và 2 người có trách nhiệm tham mưu, đề xuất là ông Lại Văn Bích (Giám đốc Ban Quản lý dự án) và Nguyễn Đức Lưu (Trưởng phòng Đầu tư, Tổng Công ty Vinaconex).

Nhận được đề nghị phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can nêu trên, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã yêu cầu Cơ quan Điều tra thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ căn cứ khởi tố bị can. Sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, hành vi của ông Phí Thái Bình và các thành viên HĐQT Vinaconex không đồng phạm với các bị can đã khởi tố nên hủy bỏ quyết định khởi tố bị can.

Nguyên nhân gây ra việc vỡ tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án được xác định là do phồng rộp, tách lớp, lồi, lõm, nhiều vết nứt, xước, rạn xung quanh thành ống, ống không đạt chiều dày thiết kế, màu sắc và các lớp vật liệu không đồng đều.

Thiên Minh - Xuân Hinh