Vô tâm, tắc trách đến thế là cùng

16:12 | 15/06/2017

1,390 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một sự kiện hiếm có vừa xảy ra ở tỉnh An Giang: 115 bằng khen, huân, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công các loại bị bỏ quên hơn 30 năm trong tủ của ông cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thị trấn Ba Chúc.

Như vậy là có hàng chục cá nhân và tập thể ở xã Ô Lâm và thị trấn Ba Chúc được khen thưởng và ghi công từ hơn 30 năm nay không được hưởng quyền lợi gì.

Tại sao lại có chuyện lạ như vậy? Theo lời ông Nguyễn Văn Sấm - Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Chúc thì sự việc được phát hiện ra khi ông Nguyễn Minh Son - cán bộ LĐ-TB&XH của thị trấn Ba Chúc bị bệnh và chết năm 2015. Ông Phạm Văn Thành lên thay thế ông Son. Khi sắp xếp lại phòng làm việc, ông Thành mới phát hiện trong tủ của ông Son có những bằng khen, huân chương, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công, đều được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ký vào năm 1975 và năm 1987 chưa được cấp phát cho các thân nhân gia đình.

vo tam tac trach den the la cung
Bà Vi Thị Kim Niên vừa nhận được tấm bằng khen của bố, ký năm 1987 nhưng bố bà đã mất

Trong số 115 tấm giấy các loại ấy có 27 Huân chương Kháng chiến tặng cho liệt sĩ, 18 Huy chương Kháng chiến, 12 Huân chương Quyết thắng (liệt sĩ), 7 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 8 Huân chương Giải phóng (dành cho các tập thể xã Ô Lâm và thị trấn Ba Chúc), 27 Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, 6 Bằng khen của UBND tỉnh An Giang và 10 bằng Tổ quốc ghi công. Vì để quá lâu nên số giấy tờ ấy đã lem luốc, ngả màu ố vàng, không có khung.

Về quyền lợi của những đối tượng được khen thưởng, ghi công thì đa số những gia đình chính sách vẫn nhận đủ tiền hằng tháng và những ngày lễ, tết vì xã căn cứ vào danh sách có sẵn. Còn những gia đình có bằng khen thì chưa được cấp tiền. Hiện nay, xã đã làm văn bản gửi về UBND tỉnh An Giang, đề nghị cho bà con nhận tiền một lần theo Quyết định 27 của Chính phủ. Địa phương sẽ rà soát lại gia đình nào khó khăn để sớm được hỗ trợ, giúp đỡ, phần nào bù đắp lại những thiếu sót đáng tiếc trên.

Lãnh đạo thị trấn Ba Chúc cho rằng, vụ việc trên đây là một sai sót lớn của chính quyền thị trấn Ba Chúc trước đây. Những bằng khen, huân, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công đã nằm trong tủ hơn 30 năm nay thì không biết trách nhiệm thuộc về ai? Trải qua nhiều giai đoạn lãnh đạo nên cũng khó quy trách nhiệm. Ông Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn nói: “Trách nhiệm chính trong vụ này là ông Son nhưng ông ta đã chết. Ông Son là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc nhận và cấp phát bằng khen, huân, huy chương. Những bí thư, chủ tịch thị trấn Ba Chúc trước đây đã chết hoặc nghỉ hưu nên không biết quy trách nhiệm cho ai. Còn các chế độ của bà con gia đình chính sách sẽ được địa phương tổng rà soát lại rồi đề nghị truy thu hoặc đề xuất về tỉnh hỗ trợ các gia đình này”.

Đúng như lời ông Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Chúc, sự việc này kể cũng “kỳ”. Kỳ lạ ở chỗ là hàng loạt huân, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công của Nhà nước cấp cho hai xã mà đến hơn 30 năm, qua mấy đời lãnh đạo, tại sao không ai biết. Ngay từ khi cán bộ LĐ-TB&XH nhận về, chẳng lẽ không thông báo cho các lãnh đạo xã và thị trấn biết. Mà chế độ bảo đảm hằng tháng, hằng năm cho các gia đình chính sách thì xã và thị trấn vẫn nhận và cấp phát, tại sao lại không có ý kiến gì khi không thấy các gia đình được nhận huân, huy chương và bằng Tổ quốc ghi công?

Trong số 115 huân, huy chương này có 7 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cũng là sự lạ. Bởi Huân chương Chiến sĩ vẻ vang là một loại huân chương của Nhà nước để tặng hoặc truy tặng cho quân nhân có công lao trong việc xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Huân chương Chiến sĩ vẻ vang có 3 hạng: Phục vụ tại ngũ liên tục 15 năm được thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; 10 năm được thưởng Huân chương hạng Nhì; 5 năm hoặc đã phục vụ tại ngũ liên tục từ 3 đến 4 năm mà được xếp loại giỏi về mọi mặt thì được thưởng Huân chương hạng Ba. Vậy tại sao lại có 7 huân chương loại này ở xã Ô Lâm và thị trấn Ba Chúc?

Gia đình bà Vi Thị Kim Niên, 52 tuổi, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn thắc mắc: Gia đình vừa nhận bằng khen của Chính phủ năm 1987 về công lao đóng góp của cha mẹ bà là cụ Vi Văn Tòng và cụ Nguyễn Thị Ba. Tại sao bằng khen ký năm 1987 mà không phát lúc đó, đợi đến khi mấy cụ chết hết mới trao tặng? Mấy ông chỉ đưa có tấm bằng khen cũ chứ không thấy tiền đâu cả.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang đang cho tổng rà soát lại danh sách và đối chiếu sổ sách giữa Sở với Phòng LĐ-TB&XH huyện Tri Tôn để xem trách nhiệm trong vụ này là cán bộ nào, huyện hay xã. Còn ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói rằng: “Quan điểm của tỉnh sẽ không để bất cứ gia đình chính sách, gia đình có công nào bị thiệt thòi vì sự tắc trách của cán bộ”.

Bài học của thị trấn Ba Chúc cũng là hồi chuông cảnh tỉnh những cán bộ làm công tác chính sách xã hội: Đừng vô tâm, vô trách nhiệm với người có công như thế!

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc