Vỡ mộng đổi đời

07:02 | 07/02/2015

2,000 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc làm không ổn định, nguồn thu nhập bấp bênh, cô gái ấy tìm cách đi xuất khẩu lao động để mong được “đổi đời”. Nhưng khi đặt chân đến “miền đất hứa”, cô đã gặp không ít nỗi thất vọng vì bị xem thường, thậm chí là bị xúc phạm và ngược đãi. Cầu cứu khắp nơi có thể, cuối cùng cô đã được trở về với gia đình, kết thúc chuỗi ngày buồn tủi nơi xứ người.

Năng lượng Mới số 394

Tìm “miền đất hứa”

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con ngõ thuộc phường Hưng Dũng,Thành phố Vinh (Nghệ An) là nơi trú ngụ của Lê Thị Hồng Vinh (SN 1986) cùng mẹ và em trai. Vinh vừa trở về từ
Arập Xê-út được mấy ngày, dường như tâm trạng cô vẫn còn chất chứa nỗi buồn tủi phận và xen lẫn sự bức xúc. Theo lời cô, đó là “quãng thời gian đáng phải quên đi nhưng chắc hẳn không thể quên nổi, nó sẽ trở thành dòng ký ức đeo đẳng và ám ảnh suốt cuộc đời”.

Hoàn cảnh gia đình Vinh khá đỗi éo le, bố mất sớm, 3 mẹ con bấu víu vào nhau vất vả, khó khăn. Bà Nguyễn Thị Châu - mẹ của Vinh năm nay 56 tuổi,  hằng ngày vẫn phải nai lưng làm phụ hồ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Lớn lên, Vinh cũng theo mẹ làm phụ hồ, một công việc nặng nhọc và không thật sự thích hợp với sức vóc người phụ nữ.

Thương mẹ tuổi đã cao, sức đã yếu, lại hay đau ốm nhưng vẫn phải gồng lên để tìm kế mưu sinh, Vinh quyết tâm tìm kiếm một công việc có thu nhập khá để đỡ đần mẹ, mong sớm thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Đúng lúc đó, có người “mách nước” tìm cách đi xuất khẩu lao động, sau vài ba năm sẽ có một khoản tiền khá lớn làm vốn kinh doanh, từng bước gây dựng cuộc sống. Nghe có lý, Vinh vào mạng Internet tìm kiếm thông tin về các công ty đang tuyển dụng xuất khẩu lao động.

Niềm vui của Lê Thị Hồng Vinh khi được trở về với ngôi nhà của mình

Vào mạng, Vinh thấy một công ty thông báo tuyển dụng nữ lao động phổ thông sang giúp việc gia đình ở Arập Xê-út. Công việc chính của người giúp việc là nấu ăn, giặt giũ, giọn dẹp nhà cửa và trông giữ trẻ. Những việc ấy, cô thấy rất bình thường, vì việc nặng nhọc như phụ hồ còn làm được huống chi là việc nhẹ nhàng mà hàng ngày vẫn làm. Vậy là Vinh quyết định ra Hà Nội mua hồ sơ và đăng ký thủ tục sang làm giúp việc gia đình ở  Arập Xê-út. Hồ sơ nhanh chóng được chấp nhận, công ty cho cô tham gia một lớp học tiếng Arập Xê-út để sang đó có thể giao tiếp sơ qua. Đến giữa tháng 7/2014, Vinh bay sang một đất nước xa lạ và mang theo giấc mộng đổi đời.

Bước chân xuống sân bay nước bạn, Vinh được ông bà chủ nhà cùng con trai, con gái ra đón. Chừng 2 giờ đồng hồ sau, dù đang là ban đêm, lại vừa trải qua một chuyến bay dài, chưa kịp tắm rửa, Vinh đã bị gọi dậy để sang làm việc ở nhà mẹ của bà chủ. Cô nhẫn nại dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ áo quần, công việc vừa xong cũng là lúc trời sáng bửng. Những ngày tiếp theo, Vinh chìm đắm với công việc, hết giọn dẹp nhà cửa đến nấu ăn, giặt giũ, lúc đầu cứ tưởng nhẹ nhàng nhưng thực tế gần như chẳng lúc nào ngơi tay.

Khoảng 15 ngày sau, chuẩn bị giặt đồ, cô thấy 3 ngón tay trái của mình bỗng thẳng đơ, rất đau mỗi khi cử động. Vào phòng báo với bà chủ hôm nay không thể giặt đồ được vì đau tay, lập tức người phụ nữ Arập Xê-út liền dùng lọ thuốc tẩy trắng đổ lên các ngón tay của cô. Đã đau nhức, lại thêm rát bỏng, chợt thấy tủi thân, nước mắt, nước mũi giàn giụa, chảy xuống tấm chăn trên giường. Bà chủ liền dùng tay đẩy cô suýt ngã nhào, rồi tiếp tục xông lại định đánh.

Bị đối xử tồi tệ, Lê Thị Hồng Vinh liên lạc với người đại diện công ty yêu cầu đổi chủ, hy vọng người chủ khác sẽ giàu lòng nhân ái và biết cảm thông với người giúp việc hơn. Người đại diện công ty trả lời trong thời gian chờ đổi chủ, cô vẫn tiếp tục làm tại nơi cũ, khi có gia đình khác liên hệ sẽ thông báo lại sau.

Biết được điều này, chủ nhà liền cho cô ở trong một căn phòng nhỏ hẹp, không có giường, không điện, dù trời nóng như đổ cũng không có lấy chiếc quạt điện. Nằm giữa sàn, Vinh uất nghẹn, cô không thể khóc thành tiếng, nước mắt như chảy vào trong, muốn được trở về cùng mẹ và em. Nhưng giấc mộng đổi đời vẫn chưa thành, chưa thể về lúc này được, phải có một ít vốn mới nghĩ đến chuyện về nhà.

Nguyện vọng đổi sang giúp việc cho chủ khác cũng được văn phòng công ty thực hiện, lần này Vinh được giới thiệu đến một gia đình khá đông người cùng chung sống. Công việc hằng ngày vẫn là dọn dẹp, bưng bê, nấu ăn và trông giữ 3 đứa trẻ nhỏ. Mang tiếng là làm việc cho nhà chủ, nhưng thực tế mọi người phải làm việc cả hai nơi, gồm cả nhà chủ và nhà bố mẹ của chủ nhà.

Ba người phụ nữ Việt làm việc liên tục, không mấy khi được nghỉ ngơi, ai cũng thấy công việc dường như cực khổ hơn ở chốn quê nhà. Hễ mệt mỏi phải tạm dừng công việc, lập tức chủ nhà lên tiếng chửi rủa, xúc phạm, thậm chí còn dọa dẫm. Để công việc yên ổn, để nhà chủ trả lương và đối xử tử tế, ai cũng buộc lòng phải nín nhịn.

Tuyệt vọng trở về

Sang tháng thứ hai, Vinh gặp chủ nhà để hỏi tiền lương tháng trước, vì ở nhà mẹ đang ốm, tiền chi tiêu túng thiếu. Chủ nhà liền trả lời sau hai năm nữa mới trả lương. Vậy thì tiền đâu để thỉnh thoảng gửi về cho mẹ trang trải cuộc sống hằng ngày, giúp đỡ em học tập? Không đồng tình, cô tiếp tục gặp để thuyết phục liền bị bà chủ dùng tay đẩy ngã giữa sàn nhà, rồi nói sẽ đưa lên trả cho văn phòng đại diện công ty. Tại văn phòng, Vinh trình bày nguyện vọng muốn trở về Việt Nam càng sớm càng tốt, không muốn làm việc ở Arập Xê-út nữa.

Cán bộ công ty trả lời muốn về Việt Nam phải nộp khoản tiền 58 triệu đồng, nếu không phải tiếp tục ở lại làm việc đến hết thời hạn hợp đồng. Cô đành trở về nơi làm việc cũ, vừa bước chân vào sân liền bị 2 người em trai cùng 1 người em gái của chủ nhà đè xuống đánh đập. Thậm tệ hơn, những người này còn lấy sỏi cho vào mồm cô, khiến hai hàm răng đau đớn, cổ họng sặc sụa. Khi Vinh vùng dậy chạy được ra ngoài, một người đuổi theo chặn lại rồi đưa bật lửa ra trước mặt để dọa. Sau đó, cô bị nhốt trong một căn phòng nhỏ, không được ra ngoài, không được ăn uống. Sự việc này hai người bạn làm cùng đều chứng kiến.

Sức chịu đựng có giới hạn, Vinh âm thầm tìm cách tự cứu lấy mình, tìm cách sớm thoát khỏi tình cảnh này để về với mẹ và em. Nhận được “tín hiệu” kêu cứu của một phụ nữ làm nghề giúp việc tại một quốc gia xa xôi, một số nhà báo đã liên lạc với công ty xuất khẩu lao động và các cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước sở tại tìm cách giúp đỡ Lê Thị Hồng Vinh.

Khi báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng yêu cầu công ty tạo điều kiện cho Vinh về nước theo nguyện vọng. Trước khi lên máy bay về nước, cô phải ở tại nhà chờ của công ty gần 2 tháng trời cùng với những bữa cơm hết mức đạm bạc và đêm trải chiếu ngủ giữa sàn nhà. Những ngày này, cô được gặp gỡ và chuyện trò với một số chị em cùng cảnh ngộ, người Việt Nam có, người nước ngoài cũng có.

Từ đó, cô được biết thêm không ít người giúp việc đang phải âm thầm chịu đựng cảnh làm việc vất vả, bị đối xử thiếu tôn trọng, mấy tháng liền không được nhận tiền lương.  

Cuối cùng, đến một ngày cuối tháng 12/2014, sau hơn 4 tháng sinh sống ở một đất nước xa xôi cùng với bao nỗi buồn tủi, có khi là uất ức, Lê Thị Hồng Vinh đã được trở về.

Bùi Khánh Huyền

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps