Việt Nam là thành viên tích cực của OPCW

12:09 | 08/05/2018

400 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 07/5, Tổng giám đốc Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) Ahmet Üzümcü đã đến thăm, làm việc với Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (VNA). Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Giám đốc VNA đã tọa đàm cùng Tổng giám đốc OPCW.

Hiện nay, Bộ Công Thương được giao là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC). Việt Nam ký Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) ngay từ khi Công ước được mở ký vào năm 1993 và phê chuẩn Công ước vào tháng 8/1998. Kể từ đó đến nay, Việt Nam luôn tỏ rõ là thành viên tích cực và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của quốc gia thành viên.

viet nam luon ung ho tuan thu cong uoc cam vu khi hoa hoc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tọa đàm cùng Tổng giám đốc OPCW Ahmet Üzümcü.

Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước CWC (VNA) được thành lập theo Quyết định số 76/2002/QĐ -TTg ngày 14/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Giám đốc VNA là Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Văn phòng thường trực VNA đặt tại Cục Hóa chất (đầu mối liên hệ là Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh). Cơ cấu tổ chức VNA gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường.

Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia để thực hiện CWC vào năm 2005 và được sửa đổi bổ sung vào năm 2014 (Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06/5/2014 và Thông tư số 55/2014/TT-BCT hướng dẫn thi hành Nghị định số 38/2014/NĐ-CP). Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006, Tổng giám đốc OPCW tiền nhiệm Rogelio Pfirter đã nhận định “Việt Nam là một trong số những nước có hệ thống quy định pháp lý ở cấp độ quốc gia sớm nhất và đầy đủ nhất liên quan đến việc thực hiện Công ước" và "điều đó thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực hiện những cam kết mà Chính phủ Việt Nam đưa ra khi ký Công ước".

Kể từ khi phê chuẩn Công ước đến nay, quan hệ hợp tác Việt Nam và OPCW luôn được đẩy mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vũ khí hóa học, cũng như hợp tác đào tạo chuyên gia kỹ thuật.

Cho đến nay, OPCW đã tài trợ cho Việt Nam máy phân tích sắc ký khí khối phổ (GCMS) và hỗ trợ hơn 150 lượt cán bộ đến từ các Bộ/ngành, Viện nghiên cứu, Trường đại học… tham dự các khóa đào tạo, các hội nghị, hội thảo do OPCW tổ chức. OPCW cũng đã phối hợp với VNA tổ chức 07 hội nghị tại Việt Nam vào các năm 1999, 2000, 2004, 2006, 2009, 2010 và 2018. Việt Nam đã đón tiếp các Đoàn thanh sát của OPCW đến kiểm chứng số liệu khai báo của các cơ sở sản xuất hóa chất. Kết quả thanh sát của OPCW trong các năm qua đã cho thấy sự phù hợp giữa số liệu khai báo của Việt Nam và số kiểm chứng của OPCW. Việt Nam tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ khai báo hằng năm theo quy định của CWC. Ngoài ra, Việt Nam đã ứng cử và trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành OPCW nhiệm kỳ 2016-2018.

Trong buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (Giám đốc VNA) bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp Tổng giám đốc OPCW vAhmet Üzümcü sang thăm và làm việc tại Việt Nam trong bối cảnh OPCW ngày càng thể hiện vai trò quan trọng góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh trên thế giới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, trong quá trình tham gia Công ước CWC, Việt Nam luôn tích cực phối hợp cùng các nước thành viên khác đề cao ý nghĩa và sự cần thiết loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt nói chung và vũ khí hóa học nói riêng trên thế giới, ủng hộ việc tuân thủ đầy đủ Công ước CWC, lên án mọi hành động sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời cần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia trong việc phát triển công nghiệp hóa chất vì mục đích hòa bình.

Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của OPCW, đặc biệt là của ngài Tổng giám đốc trong việc tài trợ trang thiết bị, nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia trong lĩnh vực hóa chất thông qua các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo của OPCW và mong muốn ngài TGĐ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động của Công ước CWC, đặc biệt trong một số lĩnh vực mới như: an toàn, an ninh hóa chất; áp dụng cách tiếp cận hóa học xanh trong sản xuất hóa chất…

Công ước CWC được mở ký ngày 13/01/1993 tại Paris và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 29/04/1997. Công ước bao gồm lời nói đầu, 24 điều khoản và 3 phụ lục (tổng cộng gần 200 trang). Nội dung chính bao gồm các quy định cấm các nước phát triển, sản xuất hoặc yêu cầu sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học (VKHH); không được chuyển đổi trực tiếp hay gián tiếp VKHH sang nước khác; không tham gia vào các chiến dịch quân sự có sử dụng chất độc hoá học; không tài trợ, khuyến khích hay xúi giục nước khác tham gia vào các hoạt động bị cấm theo Công ước; các quốc gia thành viên được yêu cầu phá huỷ toàn bộ kho VKHH và các cơ sở sản xuất VKHH trong thời hạn không quá 10 năm sau khi thông qua Công ước.

Tùng Dương