Viện phí tăng, lại trông đợi "chính sách"

11:00 | 09/08/2012

1,107 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Kể từ ngày 1/8/2012, viện phí ở các bệnh viện trong cả nước bắt đầu được áp giá mới. Sau một thời gian dài “bàn lên bàn xuống”, “rập rình” tăng rồi hoãn, đến khi viện phí mới được áp dụng thì nhiều người dân lại chẳng hề biết tin. Không ít bệnh nhân tỏ ra ngỡ ngàng với mức giá phải chi trả. Cho đến lúc này, nhiều người lại trông đợi những chính sách phù hợp giúp bệnh nhân giảm áp lực kinh tế.

Đồng loạt lên giá

Ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong thời điểm các bệnh viện trực thuộc bộ xây dựng và trình khung giá viện phí mới, Bộ Y tế đã thành lập tổ thẩm định giá (gồm 16 người, trong đó có 3 người của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 2 người thuộc Bộ Tài chính, 11 người thuộc các vụ, cục có liên quan của Bộ Y tế). Tổ thẩm định này có nhiệm vụ thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định mức thu của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành.

Tính đến thời điểm này, đã có 22/38 bệnh viện (chưa tính các bệnh viện thuộc các trường, các cơ sở thuộc các bộ, ngành khác mà theo luật khám chữa bệnh Bộ Y tế phải quy định giá) đã được thẩm định xong giá viện phí. Ngoài ra, có 5 bệnh viện đã hoàn chỉnh bảng giá trên cơ sở đóng góp ý kiến của tổ thẩm định và Bộ Y tế đã ký quyết định ban hành giá viện phí mới, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) và Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Không ít người xếp hàng đóng viện phí nhưng không hề biết việc tăng viện phí

Bệnh viện Việt - Đức là bệnh viện hạng 2 trực thuộc Bộ Y tế quản lý đã áp dụng giá viện phí mới cho 180 dịch vụ từ ngày 16/7. Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Việt - Đức cho biết: Vẫn còn hơn 300 dịch vụ của bệnh viện chưa tăng giá, chủ yếu là các phẫu thuật với chi phí lớn. Vì thế, đợt điều chỉnh lần này có tỉ trọng thay đổi không nhiều, trong khi đó, bệnh nhân được hưởng nhiều lợi ích. Ví dụ như dịch vụ nắn, bó bột chân tay, trước đây chỉ quy định bó bột cán, chất lượng không tốt nên bệnh nhân thường thỏa thuận với bệnh viện mua bột liền để bó và tự bỏ tiền trang trải. Nhưng hiện nay thep giá mới đã đưa bột liền vào dịch vụ nắn, bó bột, bảo hiểm y tế sẽ chi trả từ 80-95%, vì thế bệnh nhân sẽ mất ít tiền hơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một số mức viện phí tăng rõ rệt, với khoảng cách khác xa: giá khám bệnh mới - có điều hòa là 20.000 đồng/ngày, không có điều hòa là 18.000 đồng/ngày, trong khi giá cũ chỉ có 3.000 đồng/ngày; giá giường nằm hồi sức cấp cứu, chống độc là 150.000 đồng có điều hòa/ngày và 145.000 đồng không có điều hòa/ngày (chưa tính chi phí máy thở), trong khi trước đây tối đa là 12.000 đồng/ngày.

Dù còn nghèo, vẫn phê duyệt mức phí cao?

Không chỉ có Bệnh viện Việt - Đức, Bạch Mai mà Bệnh viện K, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí - Quảng Ninh) đều đã áp dụng giá viện phí mới. Các bệnh viện trực thuộc Hà Nội và TP HCM thì đang đợi để trình HĐND trong kỳ họp tới. Được biết, những bệnh viện trên thuộc hạng I nên mức giá tăng trung bình khoảng 95-96% mức tối đa của khung giá. Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN), từ ngày 1/8 có ít nhất 33 tỉnh thành (ngoại trừ Bắc Ninh đã áp dụng từ tháng 6) bắt đầu áp giá viện phí mới, trong đó có những tỉnh điều kiện kinh tế xã hội còn hạn chế nhưng được HĐND phê duyệt ở mức cao như Ninh Thuận 91% khung, Đồng Tháp 93% khung, Cao Bằng 93% khung. Các cơ sở y tế ở một số tỉnh, thành khác cũng sẽ triển khai mức phí mới là Kon Tum, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa...

Đại đa số các tỉnh khác phê duyệt viện phí ở mức trên dưới 80% khung giá do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố dù đã xây dựng xong khung viện phí mới nhưng HĐND quyết định chưa xem xét phê duyệt ngay mà lùi đến tháng 12/2012. Ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) khẳng định, việc điều chỉnh viện phí lần này sẽ được giám sát chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện áp giá viện phí mới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành thanh, kiểm tra. Bệnh viện nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá đã điều chỉnh sẽ bị yêu cầu hạ giá xuống.

Bảo hiểm y tế và xã hội được chú trọng?

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH VN cho biết: Khi thực hiện giá viện phí mới, người bệnh BHYT sẽ không bị thu thêm bất kỳ khoản tiền nào và phía BHXH sẽ thiết lập đường dây nóng để người bệnh có kênh phản ánh chính thức.

Đề cập cụ thể hơn, ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng Chế độ BHYT (Ban Thực hiện chính sách, BHXH VN) nói: Việc giám sát sử dụng các dịch vụ y tế, tránh tình trạng lạm dụng gây vỡ quỹ BHYT sẽ được thực hiện sát sao, chặt chẽ, đặc biệt là tại những địa phương phê duyệt ở mức trên 90% của khung do liên bộ ban hành. Hiện nay, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi các địa phương có giá phê duyệt cao đề nghị thực hiện theo lộ trình chứ không áp ngay giá cao đồng loạt với tất cả các dịch vụ, kỹ thuật.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính chung trên toàn quốc, tỉ lệ dân có BHYT mới chỉ ở mức 63%. Theo tính toán mới nhất của cơ quan bảo hiểm, nếu áp mức phí mới như đề xuất của địa phương, dự kiến tổng chi phí khám chữa bệnh cho nhóm bệnh nhân bảo hiểm sẽ tăng 30%, tức khoảng 10.000 tỉ đồng/năm. Trong đó, 37% người dân chưa có BHYT sẽ phải chi thêm khoảng 5.000 tỉ đồng cho khám chữa bệnh. Một con số không hề nhỏ trong tình hình khó khăn hiện nay.

Viện phí mới vừa bắt đầu áp dụng nhưng đã nảy sinh cuộc tranh cãi giữa bệnh viện và cơ quan bảo hiểm. Viện phí tăng, trong đó nhóm bệnh viện tuyến hạng I và đặc biệt đều đề xuất Bộ Y tế áp 100% khung giá, thậm chí có bệnh viện đang muốn tăng thêm nữa. Tăng thì muốn nhưng thực tế chất lượng dịch vụ ở các bệnh viện vẫn chưa cải thiện bao nhiêu. Tại các khu vực chờ khám, người bệnh vẫn chưa được hưởng các điều kiện được tính trong viện phí mới như điều hòa, chỗ ngồi, mái che nắng mưa. Tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên, vẫn 2-3 người bệnh/giường.

Tỉnh nghèo làm thế nào thu viện phí cao?

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Các tỉnh nghèo phê duyệt giá viện phí được đánh giá ở mức cao hay thấp cần được xem xét công bằng, thấu đáo. Bởi chi phí để vận chuyển hóa chất, vật tư lên vùng cao, vùng khó khăn nhiều khi còn cao hơn ở khu vực đồng bằng, khiến chi phí khám chữa bệnh ở vùng khó khăn cao hơn vùng đồng bằng.

Theo ông Tiên, trong vài năm qua, nhiều địa phương kết dư quỹ BHYT với số lượng lớn, do người dân không đến khám chữa bệnh vì điều kiện đi lại khó khăn. Số quỹ dư thừa này lại được chuyển về cho vùng xuôi - nơi thường bị bội chi, tạo tình trạng bao cấp ngược. Nếu cách tính của viện tuyến dưới là chính xác, khoa học mà cho ra kết quả là thu ở mức cao thì cũng nên ủng hộ để họ có thêm điều kiện cải tạo cơ sở vật chất, tổ chức công tác khám chữa bệnh lưu động, đưa dịch vụ y tế đến gần với bà con vùng sâu, vùng xa hơn. Những nơi cần xem xét nhất là những nơi vốn đã âm quỹ nặng nhưng lại đề xuất mức giá cao.

Nhiều người không khỏi bất ngờ với mức viện phí mới

Theo quy định điều chỉnh giá viện phí lần này, các bệnh viện sẽ phải trích lại một khoản để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), sau này Bộ Y tế và các bộ sẽ đi kiểm tra về việc này. Bởi trong phí khám chữa bệnh đã tính cả tiền khấu hao các dụng cụ khám chữa bệnh, từ cái bàn, cái ghế, giường bệnh cho đến chăn ga, gối, đệm, quần áo cho bệnh nhân… Các bệnh viện sẽ phải đầu tư một khoản riêng để mua dần các trang thiết bị này, thay thế cho những trang thiết bị đã cũ hỏng. Bộ Y tế dự kiến sau khoảng nửa năm sẽ đi kiểm tra, nếu thấy khu vực khám bệnh nào chưa đạt yêu cầu thì sẽ phải hạ giá xuống.

Bệnh nhân không biết viện phí được điều chỉnh

Trong ngày 1/8, phóng viên điểm qua một vòng các bệnh viện đã áp dụng khung giá viện phí mới, hóa ra có rất nhiều bệnh nhân và người nhà không hề biết, thậm chí còn chưa hề nghe nói đến việc tăng mức viện phí. Ở Bệnh viện Việt Đức đã niêm yết bảng giá viện phí mới điều chỉnh tại khu vực thanh toán viện phí. Tuy nhiên, nhiều người không hề để ý, chỉ đến khi được hỏi mới biết đó là bảng giá mới.

Tại Bệnh viện K, bảng giá dán tại khu vực thanh toán viện phí chưa được thay đổi, nhưng viện này đã áp dụng khung giá mới từ ngày 20/7 rồi. Còn ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân khá ngỡ ngàng khi biết giá viện phí tăng lên. Tâm lý chung của nhiều người khi đã vào viện là mong được khám chữa bệnh chứ “không còn tâm trạng nào mà tính toán tiền nong hơn kém ra sao”.

Phản ứng của đa số bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân khi biết đến việc điều chỉnh viện phí là… câu hỏi: “Chất lượng và dịch vụ có tăng theo giá mới không?”. Cũng có nhiều người tặc lưỡi bảo: “Đã phải vào viện rồi thì cứ người ta bảo đóng tiền gì cũng phải cố mà đóng, bảo bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Chứ không lẽ mặc cả? Thế nên cũng chẳng quan tâm đến tăng hay giảm”. Có người nhà bệnh nhân cứ băn khoăn đi đi lại lại không biết có phải mình bị tính nhầm không khi bảng giá chỉ 120.000 đồng giường/ngày mà hóa đơn thu 200.000 đồng/ngày, trong khi người ốm vẫn phải nằm ghép giường.

“Cứu người là trên hết”

Một bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội) nói một cách đơn giản: “Khi bệnh nhân đã đến viện, nghĩa là họ cần được khám chữa, cứu người là trên hết - lúc đó họ cũng chả nghĩ đến chuyện tiền viện phí, mà mình - những y bác sĩ cũng không thể chăm chăm lo xem họ có đủ tiền trả viện phí không. Đã làm nghề này mà như thế thì… thất đức quá!”.

Như bác sĩ Võ An Ninh - Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang chia sẻ: “Tỉnh chúng tôi có khoảng 50% dân số không có thẻ BHYT. Nhưng chúng tôi đã chỉ đạo các bệnh viện dứt khoát không để bệnh nhân nghèo không đến bệnh viện điều trị vì viện phí tăng cao. Cứ tiếp nhận điều trị trước, nếu gặp khó khăn trong thanh toán, tùy từng trường hợp cụ thể miễn giảm hoặc xin ý kiến lãnh đạo giải quyết. Trước mắt, chúng tôi sẽ xin ý kiến UBND tỉnh về chính sách trích kinh phí miễn giảm viện phí cho đối tượng cận nghèo chưa có thẻ”.

Chuyện tăng viện phí khiến ai cũng lo ngại, trong câu chuyện này là những áp lực, những gánh lo và những mong mỏi về một chính sách hợp lý. Viện phí đã tăng rồi, nhưng những chính sách liên quan liệu có cùng gia tốc với những đổi thay của thời cuộc?

Phú Duy

(Năng lượng Mới số 144, ra thứ Ba ngày 7/8/2012)