[VIDEO] Năng lượng tiềm năng của tương lai

21:00 | 23/05/2017

1,741 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tìm ra và phát triển các nguồn năng lượng thay thế, năng lượng tái tạo đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại khi khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu ngày càng có tác động rõ rệt trên phạm vi toàn cầu.

1. Năng lượng mặt trời

Sử dụng những tấm pin hấp thu năng lượng mặt trời ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong xã hội. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc để quá trình đó diễn ra thụ động, các nhà khoa học đang có tham vọng điều hướng tập trung năng lượng từ ngoài không gian. Bằng cách xây dựng những tấm gương khổng lồ, năng lượng mặt trời sẽ được hấp thu liên tục và truyền về trái đất dưới dạng sóng điện từ hoặc tia laze.

2. Năng lượng từ con người

Mỗi bước chân, mỗi hành động của chúng ta đều sinh ra năng lượng, các nhà khoa học đang tìm cách để có thể tận dụng được những nguồn năng lượng này. Mới đây, một phòng nghiên cứu đã phát triển ra một thiết bị có khả năng dịch áp suất thành dòng điện mở ra triển vọng tạo thành những chiếc máy tích điện gắn liền với cơ thể.

3. Năng lượng sóng

Năng lượng sóng là năng lượng được tạo ra bởi các dòng chảy trên biển, đại dương. Hiện nay, Oyster là hệ thống máy phát điện từ năng lượng sóng biển lớn nhất thế giới. Với khoảng 20 máy phát điện Oyster này có thể cung cấp đủ điện cho 9.000 hộ gia đình cỡ vừa.

4. Năng lượng Hydro

Hydro là một loại khí có nhiệt cháy cao nhất trong tất cả các loại nhiên liệu trong thiên nhiên, đã được sử dụng làm nhiên liệu phóng các tàu vũ trụ. Đặc điểm quan trọng của hydro là trong phân tử không chứa bất cứ nguyên tố hóa học nào khác, như cacbon (C), lưu huỳnh (S), nitơ (N) nên sản phẩm cháy của chúng chỉ là nước (H2O), được gọi là nhiên liệu sạch lý tưởng.

5. Năng lượng địa nhiệt

Một dạng năng lượng tự nhiện ở sâu trong lòng đất, phát sinh từ nguồn nhiệt sơ khai trong lòng trái đất. Năng lượng này có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật, và từ năng lượng mặt trời được hấp thụ tại bề mặt Trái đất.

6. Năng lượng từ chất thải hạt nhân

Xử lý chất thải hạt nhân đang là một vấn đề đau đầu với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên các nhà khoa học đang có tham vọng biến chất thải hạt nhân thành điện. Ví dụ, nếu đóng gói các chất phóng xạ sóng ngắn trong một khối vật liệu cứng như kim cương, chúng ta có thể ngăn chặn các sóng bức xạ ngắn này thoát ra ngoài đồng thời tạo ra một điện tích nhỏ từ đó tạo ra những viên pin có thời hạn sử dụng hàng nghìn năm.

Ngoài ra, những nguồn năng lượng như xăng sinh học, năng lượng gió tiếp tục được phát triển và ứng dụng trong tương lai.

Duy Tiến

TDC