Vỉa hè mà biết nói năng…

08:08 | 03/03/2018

802 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hè phố vốn là công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Hằng năm, Nhà nước đầu tư khoản kinh phí khá lớn cho việc chỉnh trang, sửa chữa và nâng cấp vỉa hè. Thế nhưng, cái điệp khúc luẩn quẩn về sự thiếu ổn định và bền vững của vỉa hè vẫn cứ diễn ra, chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết.

Vật liệu lát hè cứ thay đổi liên tục. Năm nay vừa lát gạch nung tự chèn thì sang năm đã bóc đi để thay thế bằng đá. Đang dùng gạch tự chèn hình ngũ giác thì lại lật lên thay bằng gạch hình lượn sóng. Rồi những đường cáp điện, cáp viễn thông, ống thoát nước được hạ ngầm thì vỉa hè đang bằng phẳng lại bị đào bới ngổn ngang. Thi công xong các công trình ngầm ấy, người ta không trả lại cho hè phố nguyên trạng như trước mà nó lổn nhổn, gập ghềnh.

via he ma biet noi nang
Đá vỉa hè Hà Nội mới lát xong đã vỡ nát

Hè phố cũng là nơi kiếm sống của người dân nên đã bị phân chia lãnh địa cát cứ. Chỗ này kê bàn ghế bán hàng ăn uống; chỗ kia chăng dây nhận trông giữ xe. Những điểm sửa chữa xe hoặc chế biến thực phẩm thì vô tư xả xăng dầu, nước thải lênh láng từ hè xuống đường… Tất cả tạo nên một diện mạo hè phố nhem nhuốc, bẩn thỉu, ồn ào và hôi hám.

Mấy năm nay, dự án thay đá lát vỉa hè của TP Hà Nội vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Lý do là hè phố đang sử dụng ổn định thì bị đào lên thay bằng đá mới, nói là có độ bền 70 năm. Nhưng có nơi vừa thay được vài tháng thì đá đã bị vỡ, gây cản trở cho việc đi lại và làm xấu vỉa hè. Vì vậy, thanh tra TP Hà Nội đã vào cuộc và vừa công bố hàng loạt những tồn tại, sai phạm được nêu trong kết luận với các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn.

Kết luận cho thấy, theo đánh giá quá trình đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo hè các tuyến đường phố cơ bản thực hiện theo thiết kế mẫu hè phố đô thị trên địa bàn TP Hà Nội; đá lát hè hầu như có nguồn gốc do các doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa cung cấp…

Tuy nhiên, Thanh tra thành phố cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lát đá vỉa hè bền 70 năm trên địa bàn một số quận. Chẳng hạn, thiết kế mẫu hè đường còn các loạt đá dùng trong bê tông lót nền hè nên không thống nhất; mạch vữa liên kết giữa các viên đá lát không ghi kích thước. Có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2, có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè. Tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau và do đá lát có chiều dày 3cm, có thể dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng hè lát đá.

Việc thiết kế kết cấu hè chưa đúng, thiếu các chỉ tiêu về nhóm đá, chỉ tiêu của đá lát hè theo hướng dẫn sử dụng và phần bản vẽ mẫu ban hành kèm theo quyết định của UBND thành phố. Cụ thể có 34 dự án tại 8 quận là Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình.

Cũng theo kết luận, giá đá áp dụng trong dự toán của các dự án chưa thống nhất, có nơi tính cao, nơi tính thấp. Ví dụ, giá đá kích thước 40x40x4cm dự án tại quận Nam Từ Liêm 270.000-300.000 đồng/m2; còn tại quận Hà Đông là 410.000 đồng/m2; đặc biệt tại các dự án ở quận Hoàn Kiếm là 550.000 đồng/m2. Đồng thời, đơn giá nhân công, đơn giá máy của các dự án cũng khác nhau.

Về việc đấu thầu, thi công các dự án, trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu thiếu thông tin về chỉ tiêu nhóm đá, chỉ tiêu đá lát hè, nguồn gốc đá. Bên cạnh đó, một số dự án đã thi công xong hoặc đang thi công, kỹ thuật lát đá hè tại một số vị trí chưa đảm bảo mỹ quan. Việc trang vữa mạch khi lát giữa các viên đá không được đảm bảo, dẫn đến liên kết giữa các viên đá lát với nhau không tốt. Những tồn tại trong kỹ thuật thi công là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng đá lát hè bị vỡ, bong tróc.

Về chất lượng đá lát, bê tông lót nền tại một số dự án, qua đào, khoan khảo sát, kết quả kiểm định cho thấy, chiều dày, chất lượng các lớp kết cấu đá lát, vữa lót, bê tông nền tại một số dự án chưa đảm bảo.

Hàng loạt các sai phạm nêu trên được kết luận chỉ rõ những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm như: Ban QLDA Đầu tư xây dựng các quận Ba Đình, Hà Đông; Phòng Quản lý đô thị các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân; Phó chủ tịch phụ trách khối và Chủ tịch UBND các quận trong việc chỉ đạo; Phòng Quản lý xây dựng thuộc Sở Xây dựng...

Như vậy, tiền tỉ bỏ ra để nhằm mục đích làm đẹp hè phố mà mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng thì những người có trách nhiệm thực hiện các dự án sẽ phải bồi thường khắc phục hay lại chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc? Bởi vỉa hè đã hỏng thì phải sửa chữa. Kinh phí được phê duyệt trước đây đã chi hết rồi, thành phố lại tiếp tục bổ sung khoản kinh phí hàng tỉ đồng để sửa chữa, quá tốn kém và lãng phí. Không có hình thức xử lý nghiêm minh thì điệp khúc ấy vẫn còn tiếp diễn.

Đúng là “vỉa hè mà biết nói năng” thì các nhà thầu và người sử dụng vỉa hè mới hết chối cãi.

Bùi Đức