Vì thiếu liên kết 4 nhà

07:05 | 05/03/2017

656 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề thực phẩm sạch ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Người dân thường hoang mang không biết ăn uống gì mới bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe. Thế nên mới có ý kiến cho rằng, không ăn thì chết ngay, còn ăn thì chết từ từ. Nghe sao mà bế tắc!

Vệ sinh an toàn thực phẩm phải bắt đầu từ khâu trồng trọt, chăn nuôi rồi đến bảo quản và chế biến. Cả chuỗi dây chuyền này liên quan đến nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, trong đó có sự quản lý và giám sát của Nhà nước. Vì vậy, cần có sự liên kết của 4 nhà trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Liên kết 4 nhà trong nông nghiệp là sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và Nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước, nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại.

vi thieu lien ket 4 nha
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao

Nhà doanh nghiệp và nhà nông là hai đối tượng chính trong chuỗi ngành hàng nông sản; trực tiếp sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tùy từng điều kiện, nhà doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư, kỹ thuật hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa. Đồng thời, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, nhằm mục tiêu tạo điều kiện tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân. Tiếp đó, đầu năm 2013, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã ban hành văn bản liên tịch, phối hợp hỗ trợ xây dựng liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Tuy vậy, đã 14 năm qua đi nhưng mô hình liên kết 4 nhà dường như bị rơi vào quên lãng. Sự quên lãng đó có nguyên nhân sâu xa là từ nền nông nghiệp của ta từ lâu vốn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; chưa hình thành những khu sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tiếp đó là nguyên nhân thiếu vốn đầu tư, đầu tư vào dễ rủi ro, quyền lợi của nhà nông và nhà doanh nghiệp chưa được giải quyết thỏa đáng. Còn các nhà khoa học, do nặng tính hàn lâm nên chưa sâu sát nông dân và đồng ruộng nên chưa lăn lộn với quá trình sản xuất nông nghiệp.

Sự quản lý, điều phối của Nhà nước chưa đồng bộ khiến sản xuất nông nghiệp đi theo hướng tự phát. Người nông dân thấy cây, con gì tiêu thụ được thì đổ xô vào đầu tư. Chỉ được 1-2 vụ, sản phẩm làm ra lại dư thừa, nông dân thua lỗ và lâm vào cảnh vỡ nợ. Vòng luẩn quẩn ấy diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục. Hơn nữa, người nông dân chưa quen với quy trình sản xuất khoa học, trình độ kỹ thuật non kém nên vẫn bám vào lối sản xuất manh mún, tùy tiện. Họ đã tìm đến những giống cây, con cho năng suất cao, ngắn ngày; thậm chí sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng nhằm thu lợi nhuận cao. Thế là các loại thực phẩm không an toàn ra đời, dư lượng chất độc hại cao.

Mấy năm gần đây, cảnh tượng đáng buồn ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ là đồng ruộng bị bỏ hoang ngày càng nhiều, nông dân không còn tha thiết với ruộng vườn bởi thu không đủ bù chi. Và đau buồn hơn khi đến mùa thu hoạch, có nhà còn bỏ luôn rau quả ngoài đồng vì giá quá rẻ.

Vì những lẽ đó, rất cần các nhà doanh nghiệp và nhà khoa học thực sự vào cuộc để tháo gỡ bế tắc cho nông nghiệp.

Ngày 24-2 vừa qua, tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Tập đoàn TH đã khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao, số vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.

Với 3.000ha, diện tích sản xuất rau, củ, quả sạch sẽ sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo khoảng 2.000ha. Tập đoàn đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.

Sản phẩm của dự án được sản xuất theo tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ, theo hướng “5 không”: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen... Toàn bộ diện tích đất của dự án được thuê lại của nông dân. Mỗi hộ gia đình có diện tích đất cho thuê sẽ được tạo điều kiện cho 1 lao động tham gia sản xuất tại các dự án do Tập đoàn TH đầu tư và được hưởng thu nhập theo mức quy định của Tập đoàn.

Tại lễ khởi công dự án này, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện đang là hoạt động được Chính phủ và ngành nông nghiệp hết sức quan tâm triển khai. Đây được xem là khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, chủ lực của các tỉnh, thành phố và địa phương.

Mong sao, các địa phương trong cả nước đều được sự quan tâm hỗ trợ của các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học như Tập đoàn TH đối với Thái Bình để có nền nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho xã hội.

Hoài Anh