Vị thế nước Nga năm 2017

06:48 | 12/02/2017

8,421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Nước Nga kết thúc năm 2016 với nhiều “thắng lợi” cả về kinh tế lẫn chính trị. Giới truyền thông phương Tây dự báo nước Nga dưới thời Tổng thống Putin sẽ bước vào năm mới với một vị thế hoàn toàn khác kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

Trong suốt 3 năm qua, nước Nga bị phương Tây bao vây cấm vận do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và tư duy thời Chiến tranh Lạnh. Đúng lúc đó, dầu - nguồn thu lớn cho ngân sách của Nga lại mất giá thê thảm (đang từ 100USD xuống còn khoảng 50USD vào thời điểm hiện tại, có lúc xuống tới dưới 30USD/thùng). Tất cả những điều này đã đẩy nền kinh tế Nga vào khủng hoảng: Đồng tiền mất giá, đầu tư sụt giảm, thất nghiệp tràn lan... Phương Tây hy vọng với các biện pháp của mình sẽ khiến người dân Nga rơi vào cảnh khốn cùng rồi từ đó sẽ quay sang đổ lỗi cho lãnh đạo, thậm chí tìm cách lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, có một điều lạ là các nước phương Tây càng cấm vận thì uy tín của Tổng thống Putin càng tăng. Và sự kỳ vọng của người dân Nga hoàn toàn đặt đúng người.

vi the nuoc nga nam 2017
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15-12-2016

Bị phương Tây đóng cửa giao thương, không làm ăn với Nga, chính quyền Tổng thống Putin, một mặt cải cách và ổn định tình hình kinh tế trong nước mặt khác, bắt đầu quay sang các nước khác đang cần Nga. Cụ thể, việc Nga sáp lại nhanh chóng với Trung Quốc về mặt kinh tế trong năm vừa qua. Hiện, Nga và Trung Quốc đang cùng thực hiện hơn 60 dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn trị giá hàng chục tỉ USD. Hôm 7-11-2016, phát biểu sau cuộc gặp tại St Peterburg với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Liên Bang Nga Medvedev bày tỏ hài lòng về hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc, mặc dù tình hình trong năm 2015 có đôi chút bất lợi, tuy nhiên kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đã đạt trên 40 tỉ USD. Đặc biệt tháng 6-2016, hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỉ USD với thời hạn 30 năm đã được ký giữa Tập đoàn Dầu khí Nga - Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc - CNPC dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm cấp nhà nước của của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh.

Ngoài Trung Quốc, Nga còn tăng cường hợp tác và trao đổi thương mại với các nước châu Á khác. Mới nhất là với Nhật. Hôm 15-12, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm tới Nhật Bản nhằm tìm lối thoát cho những vấn đề lịch sử liên quan tới tranh chấp chủ quyền. Kết thúc cuộc gặp, hai bên đồng ý gác lại những tranh cãi chủ quyền để tập trung cho hợp tác kinh tế... Bên cạnh đó, Nga cũng đẩy mạnh giao thương với các nước Mỹ Latinh nằm trong Khối BRICS, hay với những nước vốn là đồng minh của phương Tây như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arập Xêút...

Thành quả ngoạn mục nhất là vào tháng 11 vừa qua, với sự dàn xếp của Tổng thống Putin, mâu thuẫn giữa Iran và Arập Xêút đã được xếp lại, dẫn đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Quyết định này ngay lập tức đẩy giá dầu tăng mạnh và có chiều hướng bền vững trong năm tới.

Một thuận lợi lớn khác với Nga là hàng loạt lãnh đạo phương Tây chống Nga mạnh mẽ đều đã lần lượt nghỉ, thay vào đó là lớp lãnh đạo thực tế, muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Nga thay vì đối chọi. Trong đó phải kể đến ông Donald Trump của nước Mỹ và ứng viên đầy tiềm năng François Fillon của Pháp...

Nhưng thành công quan trọng nhất với nước Nga có lẽ là vị thế trên trường quốc tế. Nếu như từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh vẫn áp đặt luật chơi đơn cực thì việc Nga bảo vệ thành công đồng minh Syria trong mấy năm qua cho thấy trật tự này đã bị đảo lộn. Với những chiến thắng đầu tiên của quân đội Nga trước các lực lượng khủng bố ở Syria, hàng loạt quốc gia Trung Đông khác đã lên tiếng nhờ vả Nga can thiệp đánh đuổi khủng bố. Các nước như Iraq, vốn được Mỹ giúp cả chục năm nay nhưng không hiệu quả, đã công khai mời Nga đưa quân vào...

Bối cảnh quốc tế trong năm tới sẽ càng củng cố thêm vai trò của Nga. Tổ chức Phân tích thông tin tình báo Stratfor (Mỹ) ngày 26-12 dự báo trong năm 2017, tình hình nước Nga khả quan hơn trong khi EU vẫn phải đối mặt với những vấn đề nội bộ phức tạp. Theo Stratfor, sau sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU), các cuộc bầu cử ở Pháp, Hà Lan, Đức và có thể cả Italia trong năm tới nhiều khả năng sẽ khoét sâu thêm những chia rẽ tại châu Âu và thách thức tương lai hội nhập ở cựu lục địa.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh EU có những xáo trộn, khối này sẽ không muốn xúc tiến việc kết nạp thêm thành viên mới trong năm tới. Khi triển vọng gia nhập EU và NATO có thể chững lại, các nước như Ukraine, Moldova và Gruzia sẽ đánh giá lại quan hệ với Nga. Trong khi đó, tại Mỹ có thể diễn ra sự thay đổi cơ bản trong chính sách của Washington đối với Moskva sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định Nga có thể giành được ảnh hưởng tại những nước như Azerbaijan và Uzbekistan, hai quốc gia vốn giữ quan điểm trung lập với Nga kể từ khi Liên Xô tan rã. Gần đây, Moskva đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác quân sự với từng nước.

Ngay cả những quốc gia thuộc Liên Xô trước đây như Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cũng có thể sẽ tăng gấp đôi sự hợp tác với Nga trong năm tới. Nhiều nước trong số này đã ký các hiệp định với Moskva để thúc đẩy sự hòa nhập trong lĩnh vực an ninh. Do đó, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), những tổ chức chủ chốt mà Nga tham gia, có thể hoạt động tích cực hơn trong năm 2017.

Andrew Monaghan, nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình Nga và Âu - Á ở Viện Chính sách Chatham House, London nhận định, 25 năm sau khi Liên Xô tan rã, Tổng thống Nga Putin đã khiến nước Nga trở thành một đất nước có mặt ở khắp mọi nơi và là một đối tác không thể thiếu. Ông nói: “Nga sẽ hoạt động tích cực cả trên mặt trận ngoại giao, quân sự và không gian mạng”. Theo ông, Syria là minh họa ấn tượng nhất cho những thành công đó.

Điện Kremlin cũng không giấu giếm ý định ngăn chặn Mỹ và phương Tây ở nhiều nơi khác trên thế giới. Theo tờ Sputnik của Nga, hôm 1-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua khái niệm mới về Chính sách đối ngoại của Nga. Tài liệu có ghi rõ xu hướng chính của giai đoạn phát triển thế giới hiện nay là cuộc tranh giành vai trò thống trị thế giới. Nga xem việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu là mối đe dọa và cho phép mình có biện pháp đối phó thích hợp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, nước Nga trong năm 2017 vẫn còn nhiều thách thức, nhất là về kinh tế, xã hội. Tatyana Golikova, người đứng đầu Viện Kiểm toán Liên bang Nga mới đây cho biết, Nga sẽ sớm đối mặt với các vấn đề kinh tế lớn bởi quỹ bình ổn quốc gia sẽ cạn kiệt trong năm 2017.

Nhiều người cho rằng, vấn đề lớn nhất mà Nga đang phải đối mặt là tình trạng tham nhũng tràn lan. Trong năm tới, Tổng thống Putin có thể sẽ bắt đầu các chiến dịch chống tham nhũng công khai hơn, thậm chí là nhằm vào cả những nhân vật trong nội các của ông. Điện Kremlin đã bày tỏ dấu hiệu rằng, họ rất nghiêm túc trong việc bài trừ tệ nạn tham nhũng của giới quan chức sau vụ bắt giữ Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev vì bê bối hối lộ mới đây. Tuy nhiên, Konstantin Kalachev, một chuyên gia chính trị có mối liên hệ với Điện Kremlin lại cho rằng, cuộc chiến này sẽ được tiến hành “không quá quyết liệt” để bảo đảm sự ổn định chung.

S.Phương (tổng hợp)

Năng lượng Mới số 589

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc