Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 4)

07:12 | 26/03/2017

777 lượt xem
|
Các nhà máy nhiệt điện than sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: đầu tư công nghệ hiện đại; có chủ trương, cơ chế, chính sách để thu hồi, tái chế, sử dụng tối đa các chất thải xỉ than, tro bay; đồng thời cần có giải pháp đáp ứng đủ nguồn than cho các dự án…

Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

BÀI 4: PHÁT TRIỂN NHIỆT ĐIỆN THAN CẦN TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), thì nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2030 bình quân khoảng 9 -10%/năm, gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng GDP.

Trong nhiều thập kỷ qua, nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ của Việt Nam ngày càng suy giảm cùng với quá trình khai thác. Để có sản lượng điện đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội phục vụ đời sống dân sinh thì đòi hỏi tốc độ phát triển Điện lực Việt Nam phải luôn theo kịp để đáp ứng.

Quốc hội đã có quyết định tạm dừng xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác phát triển còn chậm, chưa thể bù đắp được việc thiếu hụt nguồn điện trong tương lai. Do vậy, chiến lược phát triển các nhà máy nhiệt điện than là tất yếu.

Nhiều nước trên thế giới, sản lượng nhiệt điện than trong cân bằng hệ thống chiếm tỷ lệ cao, có nhiều nước chiếm tỷ lệ tới trên 60-70% như: Ấn Độ, Australia, Trung Quốc…

Vấn đề đặt ra là việc đầu tư phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện ổn định và an toàn cho hệ thống, nhưng mặt trái của nó là gây ra ô nhiễm môi trường.

vi sao viet nam can phat trien nhiet dien than bai 4
Dự án nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 (Ảnh minh họa)

Các dự án nhiệt điện than của Việt Nam được đầu tư trước đây hầu hết đều có công nghệ, thiết bị lạc hậu, dẫn tới việc phát thải các loại khí độc hại như: CO2, SO2, NOx còn cao. Trong hệ thống công nghệ của các nhà máy này thì bộ phận quan trọng nhất là lò hơi, với những lò hơi lạc hậu thì sẽ sinh ra nhiều khí thải độc hại… để giảm thiểu vấn đề về ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện than, thì cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Một là, áp dụng công nghệ hiện đại, thiết bị hiện đại. Ví dụ như lò hơi thì phải trang bị những lò hơi hiện đại siêu tới hạn, có khả năng khử được phần lớn các khí độc hại như: CO2, SO2, NOx, mặt khác cần đầu tư thiết bị lọc bụi tĩnh điện loại hiện đại; việc dùng dầu để khởi động lò cần sử dụng lò hơi để đốt được dầu FO, thay cho dầu DO, lâu nay chúng ta đang sử dụng.

Ngoài lò hơi ra, từ tua bin, máy phát điện, hệ thống điều khiển, hệ thống xử lý nước tuần hoàn, hệ thống thải xỉ và các công đoạn khác trong nhà máy cần được trang bị những thiết bị tiên tiến hiện đại. Tuy rằng, việc đầu tư vào những trang thiết bị hiện đại, suất đầu tư cao hơn nhưng lại giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, nhà máy sẽ hoạt động chất lượng cao, đảm bảo an toàn, ổn định và độ bền của nhà máy cũng sẽ được kéo dài, tức là xét trên tổng thể kinh tế, xã hội, môi trường hiệu quả sẽ cao hơn.

Theo quan điểm của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than nên áp dụng công nghệ hiện đại và cần thiết bị hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới (các nước G7). Ví dụ, lò hơi nên mua của Pastinhou (Mỹ), Mitsuba Cap (Anh), Mitsubishi (Nhật Bản)…. Nếu chúng ta làm được như vậy thì vấn đề lo ngại về ô nhiễm môi trường sẽ không còn là vấn đề lớn đối với các dự án nhà máy nhiệt điện than.

Một vấn đề nữa cũng cần phải được quan tâm đối với nhiệt điện than đó là xử lý chất thải (xỉ than, tro bay, thạch cao) của các nhà máy này.

Các đây 2 năm, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị lên Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội về chủ trương, cơ chế, chính sách để khai thác, sử dụng tối đa các chất thải xỉ than, tro bay của các nhà máy nhiệt điện than để sản xuất ra vật liệu xây dựng không nung thay thế cho vật liệu xây dựng nung, nhưng trên thực tế việc này chưa được giải quyết một cách mạnh mẽ.

Trong quá khứ và hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp kể cả tư nhân đã khai thác sử dụng chất thải xỉ để làm vật liệu xây dựng không nung, nhưng tỷ lệ còn thấp, chỉ chiếm 30% trong tổng khối lượng chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than. Nếu Nhà nước và Chính phủ có chủ trương giao Bộ Xây dựng quy định hạn chế tối đa sản xuất vật liệu xây dựng nung và cho phát triển mạnh vật liệu xây dựng không nung; có cơ chế chính sách.

Ví dụ: giảm, miễn thuế, có quy định ràng buộc về việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung, có thể hỗ trợ thêm nguồn vốn để các doanh nghiệp đầu tư thì chắc chắn việc khai thác sử dụng chất thải nhà máy nhiệt điện than làm sản phẩm vật liệu xây dựng sẽ được tiêu thụ một cách tối đa. Như vậy, vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra sản phẩm mới trong lĩnh vực xây dựng.

Ngoài ra, xỉ than của nhà máy nhiệt điện than có thể làm nền móng cho đường, các công trình thủy lợi, thủy điện…, hoặc thạch cao, tro bay làm phụ gia cho nhà máy xi măng, đập thủy điện, thủy lợi bằng công nghệ bê tông đầm lăn.

Tóm lại là phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ chủ trương, chính sách, cơ chế của Nhà nước, cộng với công tác truyền thông vào cuộc mạnh mẽ thì việc sử dụng chất thải xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ không còn đáng lo ngại.

Trong tương lai, tới năm 2050, chúng ta có thể phát triển nhiệt điện than lên 50-60% trong Tổng sơ đồ điện Quốc gia, thì vấn đề ô nhiễm môi trường không là quan ngại.

Một mặt khác, để phát triển được khối lượng, sản lượng nhiệt điện than lớn như vậy thì khâu đáp ứng nguồn than vô cùng quan trọng.

Hiện tại và trong tương lai, nếu không có những chủ trương, chiến lược phát triển bền vững ngành Than, lượng than khai thác trong nước sẽ thiếu hụt nghiêm trọng, không đủ đáp ứng cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than.

Việt Nam đang và sẽ nhập khẩu lên tới hàng chục triệu tấn than từ quốc tế, mặt trái của việc này là ở chỗ, nguồn than không ổn định, giá than có thể lúc tăng lúc giảm, không chắc chắn khả năng đảm bảo cung cấp cả đời dự án, chưa nói rằng chúng ta đang bỏ phí tài nguyên than trong nước.

Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Than, trong đó cho xây dựng 28 dự án mới và cải tạo mở rộng 61 dự án mỏ cũ, nhưng trong thực tế thì việc này chưa thực hiện được đáng kể. Đến năm 2016 Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than, song tiến độ thực hiện các dự án thăm dò, dự án khai thác than vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một vấn đề khá quan trọng, từ trước tới nay chúng ra chưa xác định được đầy đủ, chính xác tiềm năng trữ lượng than ở Quảng Ninh, vùng Đông Bắc, Đồng bằng Sông Hồng và các nơi khác là bao nhiêu. Việc này rất hệ trọng trong lập chiến lược và quy hoạch ngành Than. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường và bộ, ngành liên quan, trong thời gian tới cần có các giải pháp thích đáng, quyết liệt để thúc đẩy công tác thăm dò xác định được tiềm năng than ở mức độ nào.

Theo Tổng sơ đồ điện VII (điều chỉnh), từ sau năm 2020, chúng ta sẽ thiếu hàng chục triệu tấn than, thậm chí đến năm 2030 sẽ thiếu tới gần 90 triệu tấn. Nếu không thực hiện được các dự án khai thác than theo Quy hoạch than điều chỉnh (2016) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khai thác trong nước sẽ còn thấp hơn, khi đó tình hình thiếu than sẽ còn trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vấn đề là do điều kiện khai thác hầm lò ngày càng khó khăn, phức tạp, khai thác lộ thiên ngày càng xuống sâu, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, trong khi việc đầu tư công nghệ tiên tiến để khai thác gặp nhiều khó khăn, chính sách thuế, phí tăng cao nên giá thành than trong nước cao, ảnh hưởng lớn đến khả năng tăng sản lượng khai thác trong nước.

Do vậy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, xuất phát từ lợi ích an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của đất nước cần có cơ chế, chính sách hợp lý và có các biện pháp thích đáng hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng phát triển ngành Than nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu than ổn định cho ngành Điện lực và các ngành kinh tế khác, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Nếu chúng ta làm được các việc đồng bộ nêu trên thì việc phát triển ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện cho công cuộc phát triển đất nước, tiến tới chúng ta đạt được mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng đất nước lớn mạnh.

(Phản biện kỳ tới: Trong tương lai gần, Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than)

(Xem tiếp kỳ sau)

vi sao viet nam can phat trien nhiet dien than bai 4Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 3)
vi sao viet nam can phat trien nhiet dien than bai 4Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 2)
vi sao viet nam can phat trien nhiet dien than bai 4Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 1)

Năng lượng Việt Nam

  • el-2024