Vì sao Ukraina làm căng với Nga?

13:34 | 08/06/2015

3,901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến sự tại Ukraina bỗng tái bùng phát nghiêm trọng. Chính quyền Kiev và đồng minh Mỹ lại đổ lỗi cho Nga. Vì sao Ukraina lại làm căng với Nga vào lúc này?

Vì sao Ukraina làm căng với Nga?

G7 quyết định duy trì lệnh trừng phạt Nga tại phiên họp của nhóm này vào ngày 7/6 tại Đức

Một đợt giao tranh mới xảy ra giữa các binh sĩ chính phủ và các phần tử đòi ly khai ở miền đông Ukraina làm ít nhất 24 người thiệt mạng gồm cả thường dân lẫn các chiến binh thiệt mạng.

Các nguồn tin của các phần tử đòi ly khai được trích lời hôm 4/6 nói rằng 15 chiến binh và một số thường dân không xác định được chính xác là bao nhiêu đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, diễn ra quanh thị trấn Mariinka do chính phủ kiểm soát, một điểm nóng chiến lược nằm về phía tây của thành phố Donetsk ở Đông Ukraina do các phiến quân kiểm soát. Còn chính quyền Kiev nói có 5 binh sỹ Ukraina bị chết trong các cuộc giao tranh.

Kiev tố cáo phe ly khai đã mở một cuộc tấn công lớn, huy động hơn 10 xe tăng và 1.000 người, vào các vị trí của quân chính phủ ở Mariinka vào sáng sớm ngày 3/6. Một người phát ngôn của quân đội Ukraina nói rằng các phần tử đòi ly khai đã bắn trọng pháo từ Donetsk vào Mariinka. Phe ly khai đã bác bỏ cáo buộc đó, nhưng xác nhận đã có giao tranh ở địa phương này.

Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti dẫn nguồn tin nói rằng Bộ Tổng tham mưu Ukraina thông báo các lực lượng an ninh đã sử dụng pháo hạng nặng chống các lực lượng dân quân Donbass, trước đó đã được rút về phù hợp với thỏa thuận Minsk. Bộ Tổng tham mưu Ukraina cho hay trong các trận tấn công đã sử dụng pháo tự hành 2S1 "Hoa cẩm chướng", cũng như đã bắn súng cối và pháo hạng nặng mà trước đó đã rút về phía sau, cách đường biên giới 25km.

Bộ Quốc phòng Cộng hòa nhân dân Donetsk (DNR) tự xưng thì thông báo trong một ngày lực lượng an ninh do Kiev kiểm soát đã 58 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở Donbass. Phó chỉ huy các lực lượng dân quân của DNR là Eduard Basurin tuyên bố tình hình xấu đi nghiêm trọng do những vụ pháo kích ban đêm và cáo buộc quân đội Ukraina bắn phá các thành phố.

Phái bộ giám sát đặc biệt (SMM) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraina đêm 3/6 đã công bố báo cáo đặc biệt về tình hình xung quanh khu vực Mariinka. Ngày 4/6, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố những cuộc đụng độ mới quy mô lớn ở Ukraina là sự vi phạm nghiêm trọng nhất thỏa thuận ngừng bắn được ký hồi tháng 2 và có thể dẫn đến một vòng xoáy bạo lực mới giữa quân đội Chính phủ Ukraina và lực lượng ly khai. Trong khi đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi lập tức chấm dứt các cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraina, đồng thời hối thúc thực thi “vô điều kiện” các thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm tìm ra giải pháp hòa bình và lâu dài cho cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu này.

Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng cuộc giao tranh mới bùng phát giữa quân chính phủ Ukraina và lực lượng ly khai là bằng chứng cho thấy “sự mong manh” của thỏa thuận Minsk ký hồi tháng 2 vừa qua và nhấn mạnh tới “trách nhiệm đặc biệt” của Nga trong tình hình hiện nay

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5/6 đã tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về tình hình chiến sự leo thang tại Ukraina do EU làm trung gian. Cuộc gặp được thực hiện theo đề nghị của Litva sau khi Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko tuyên bố có hơn 9.000 quân Nga đã tràn vào miền Đông nước này.

Cũng giống như mọi khi, Mỹ lên tiếng đổ lỗi cho Nga. Ngày 3/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết nước này lo ngại trước những thông tin về các cuộc tấn công kết hợp của lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraina. Bà Harf nói: "Nga chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc ngăn chặn các cuộc tấn công này và thực thi một thỏa thuận ngừng bắn". Người phát ngôn này cũng khẳng định các cuộc tấn công trên là không thể chấp nhận và sẽ tiếp tục khiến Nga phải trả giá.

Theo hãng Reuters, ngày 5/6, những quan chức quốc phòng và các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tề tựu về thành phố Stuttgart, Đức, để thảo luận về cách thức đối phó với những hành động quân sự của Nga tại Ukraina và giải quyết những mối lo ngại của những nước đồng minh về hành vi “gây hấn” của Moskva, sau khi giao tranh bùng lên ở Đông Ukraina.

Tiếp sau phản ứng của Mỹ, Thủ tướng Ukraina Arseny Yatsenyuk cho rằng việc lực lượng ly khai tiến hành hoạt động quân sự ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) ở Đức một lần nữa vi phạm thỏa thuận Minsk về giải quyết tình hình tại miền Đông Ukraina và cũng bày tỏ hy vọng tại hội nghị G-7 "cộng đồng quốc tế sẽ có đánh giá thích hợp về hành động của Nga". Một ngày sau đó, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã cảnh báo về "mối đe dọa nghiêm trọng" từ các cuộc tấn công mới quy mô lớn của lực lượng ly khai.

Trước tình hình này, tại cuộc họp diễn ra ngày 7/6 ở lâu đài Elmau, thành phố Munich ở miền Nam nước Đức, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí sẽ duy trì sức ép mạnh đối với Điện Kremlin cho đến khi Tổng thống Vladimir Putin và lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraina tuân thủ đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

Trong vài trò nước chủ nhà, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh việc nới lỏng trừng phạt Nga phụ thuộc phần lớn vào Nga và thái độ của nước này trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu láng giềng Ukraina.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thậm chí đưa ra thông điệp cứng rắn hơn đối với Điện Kremlin. “Nếu bất kỳ ai đó muốn khởi động một cuộc đàm phán về thay đổi cơ chế trừng phạt (Nga) thì chỉ có thể đi theo hướng tăng cường trừng phạt”, ông Donald Tusk quả quyết.

Phản ứng trước các động thái trên của Ukraina và phương Tây,  người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cáo buộc các "hành động khiêu khích" của lực lượng Ukraina là nguyên nhân bùng phát giao tranh mới ở miền Đông Ukraina, đồng thời cho biết Moskva quan ngại sâu sắc về hành động pháo kích nhằm vào dân thường tại khu vực này. Trả lời báo giới, ông Peskov cũng kêu gọi thực thi "vô điều kiện" các thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng 2/2015, trong đó có lệnh ngừng bắn mong manh tại miền Đông Ukraina. "Các thỏa thuận Minsk đạt được ngày 12/2/2015 đang liên tục có nguy cơ thất bại vì hành động của chính quyền Kiev, những người đang cố gắng thoát khỏi nghĩa vụ thiết lập cuộc đối thoại trực tiếp với Donbass"- Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay.

Điện Kremlin cáo buộc Kiev kích động giao tranh mới ở miền Đông Ukraina để gây sức ép lên EU, khi mà tổ chức này chuẩn bị đưa ra quyết định liên quan đến việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, được RIA Novost dẫn lời, nói: "Trước đây, phía Ukraina đã nhiều lần có những động thái làm leo thang căng thẳng trước thềm một số sự kiện quốc tế lớn. Và nay chúng tôi đặc biệt quan ngại trước việc Kiev lại có biểu hiện đó trong thời gian gần đây".

H.Phan

Năng lượng Mới