Vì sao trẻ hung bạo?

10:50 | 15/07/2016

978 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong nhiều giai đoạn của cuộc đời mình, trẻ có thể tỏ ra cáu bẳn, thậm chí hung hăng. Một em bé mới chỉ sáu, bảy tháng tuổi đã có thể tỏ thái độ không bằng lòng khi không được như ý. Một chú nhóc hai tuổi có thể thỉnh thoảng lại nổi khùng lên, sẵn sang đập mọi thứ, quẳng đồ chơi đi hay la hét âm ĩ. Một cậu bé 4 tuổi thì vứt đồ đạc, đánh chửi: 6 tuổi đã biết chửi bậy và tỏ ra thô lỗ. Song khi trẻ chưa đầy 5 tuổi, bạn không nên gọi bé là hung bạo. Chẳng qua là bé chưa đủ lớn, còn rất hiếu động và thường phản ứng trước cảm giác thất vọng bằng thái độ tức giận.

Thế nào là hung bạo?

Đó không còn là sự nổi xung bình thường khi tức giận. Đó là ý muốn phá phách, hủy diệt. Sự hung bạo đó được thể hiện trực tiếp qua việc đánh đập, cào cấu, cắn xé hoặc gián tiếp bằng “võ mồm”: chửi thề, la hét, cãi lộn hay đe dọa.

Trẻ hung bạo miệng là những em hay nói xấu người khác, đặt biệt danh không hay cho người khác, đơm đặt chuyện với dụng ý xấu, cười nhạo, xúi bẩy bạn bè làm việc xấu. Còn trẻ hung bạo về hành động là khi chúng có hành vi nổi loạn, cãi lại và từ chối hợp tác.

Điều gì khiến chúng ta không yên tâm?

Đứa trẻ nào cũng có những lúc tỏ ra hung bạo. Trong các chuỗi thử nghiệm về cuộc sống của mình, trẻ thử làm rất nhiều điều, trong đó bao gồm cả những hành vi thô bạo. Song nếu các hành vi thô bạo trỏe nên thường xuyên, lặp đi lặp lại trong cách ứng xử của trẻ, thì vấn đề đã trở nên đáng quan tâm. Cũng rất đáng lo ngại nếu các hành vi của trẻ mang tính phá phách, nguye hiểm đối với chính bản thân trẻ hay với những người xung quanh, hoặc với mục đích làm một cái gì đó tồi tệ mà không có lý do rõ ràng như: phá hỏng đồ đạc, hành hạ súc vật, đánh em…

tin nhap 20160715104655
Trẻ hung bạo do đâu?

Vì sao trẻ lại ứng xử như vậy?

Câu trả lời sẽ khác nhau, phụ thuộc vào quan niệm tâm lý hay triết học. Trong thực tế, quả có nhiều trẻ em có xu thế ứng xử thô bạo hơn những em khác. Điều đó có thể xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:

- Do tính cách của trẻ: một số trẻ rất dễ bị kích động, nổi cáu

- Do bệnh tật: trẻ có thể trở nên hung hăng sau những chấn thương ở não. Những em bị bệnh tâm thần, kém phát triển trí tuệ cũng hay có những hành vi thô bạo;

- Do di truyền: hiện tại các nhà khoa học chưa tìm ra ảnh hưởng của gien lên tính hung bạo, nhưng không loại trừ khả năng này;

- Do không khí gia đình: chắc chắn là sự giáo dục đóng một vai trò quan trọng và quan trọng hơn cả là khác với những yếu tố trên, con người có thể tác động lên không khí gia đình;

- Cảm giác thất vọng do một số nhu cầu nào đó không được đáp ứng sẽ sinh ra sự căng thẳng và bực tức. Sự phẫn nộ sẽ chuyển thành hành động phá phách. Đây là sự hung bạo. Những nguyên nhân hay gặp nhất trong thực tế là:

- Thiếu không khí ấm áp, thân thiết trong gia đình: Đứa trẻ nào cũng cần được gần gũi cha mẹ, đặc biệt là với mẹ. Nếu mối liên hệ này quá lỏng lẻo, đứa trẻ dần cảm thấy không được yêu thương và bảo vệ. Để chạy trốn cảm giác buồn tủi và đau khổ, nó trở nên bực bội và thô bạo với cả thế giới quanh nó.

- Cách giải quuyết xung đột không đúng đắn: Chúng ta đều biết rằng trẻ học hỏi bằng cách bắt chước. Quát tháo, tức giận, không tôn trọng bản thân mình, sử dụng bạo lực…, đó là những hành vi mà trẻ học được từ người lớn hay anh chị chúng. Một đứa trẻ lên ba, luôn nhìn thấy anh chị nó đánh nhau, luôn phải chứng kiến cảnh người này hành hạ, sử dụng bạo lực với người khác, sẽ nhận được bài học miễn phí về sự hung bạo.

- Xem các chương trình truyền hình không phù hợp: Về vấn đề này, có nói bao nhiêu cũng chưa đủ. Trên truyền hình, các cảnh bạo lực vảy ra nhiều hơn rất nhiều so với trong thực tế. Cảnh bạo lực nào cũng là khó chấp nhận đối với đứa trẻ và gây chấn thương tâm lý cho chúng. Việc xem quá nhiều những cảnh như vậy sẽ biến trẻ thành một người thờ ơ, xơ cứng với những gì mà lẽ ra có thể khiến nó xúc động. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng những đứa trẻ xem nhiều cảnh bạo lực sẽ không sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Có thêm em bé: Khi bố mẹ bận bịu với em bé thì đứa trẻ hay bị mắng oan. Nó bỗng phải làm người một cách đột ngột. “Con ra chỗ khác chơi đi. Lớn thế rồi mà còn chưa biết tự mặc quần áo”. Thái độ ấy của bố mẹ vô tình khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi và đối xử không công bằng.

- Bắt đầu đi mẫu giáo: Cả bố mẹ và cô giáo đều muốn rằng đứa trẻ phải can đảm và tự lập, phải người lớn, biết tự lo cho bản thân. Trong khi tất cả những điều đó đều là quá khó đối với trẻ khiến nó đâm hoang mang.

- Khủng hoảng trong gia đình: Khi không có sự đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau giữa bố mẹ, hay tồi tệ nhất là ly dị, thì thường là sự quan tâm đến trẻ kém hẳn đi. Đứa trẻ, do cảm giác bị bỏ rơi, không được bảo vệ, có thể có những phản ứng thô bạo, thường là ở bên ngoài gia đình.

- Thiếu những nguyên tắc và chuẩn mực rõ ràng trong gia đình: Đôi khi bố mẹ không quan tâm đến những hành vi không đúng đắn của trẻ, ví dụ không can thiệp kịp thời và hợp lý vào xung đột giữa bọn trẻ. Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng rồi trẻ sẽ tự nhận biết cái gì là tốt, là đúng. Song những đứa trẻ vài tuổi luôn cần sự che chở của bố mẹ. Chúng ta không thể để mặc chúng tự đối đầu với những cuộc cãi lộn, những xung đột, cạnh tranh. Những nguyên tắc và chuẩn mực được xây dựng một cách rõ rang sẽ là nên tảng cho một không khí bình yên, an toàn trong gia đình.

- Mặc cảm tự ti: Các nghiên cứu cho thấy những bậc cha mẹ công thành danh toại thường đòi hỏi cao đối với con cái. Họ muốn chúng phải ngày một giỏi giang hơn, chuẩn mực hơn, có uy tín hơn. Áp lực về sự hoàn thiện khiến trẻ cảm thấy mình luôn chưa đạt yêu cầu. Trẻ không thể hài lòng hay phấn khởi trước những gì nó làm được, bởi lúc nào nó cũng thấy vẫn còn xa mới đến chuẩn mực. Nó luôn phải để ý xung quanh xem có ai đó làm được việc gì đó hơn nó không. Bởi thật khó khăn khi phải sống với cảm giác thất bại thường trực (với những đứa trẻ này thì chưa toại nguyện nghĩa là thất bại), nên trẻ thường làm nhiều cách để điều chỉnh lại cảm nhận về giá trị bản thân. Và cách đơn giản nhất chính là sống khép kín, trầm lặng hoặc phá phách, tiêu diệt đối thủ hay kẻ thù giả tưởng nào đó.

Chúng ta phải giúp trẻ như thế nào?

Mỗi đữa trẻ hung bạo đều cần được giúp đỡ. Việc trừng phạt những hành vi hung bạo chỉ khiến trẻ ngày càng thêm căng thẳng và chúng phải tìm lối thoát khác. Không thể đấu tranh với tính hung bạo của trẻ, mà phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những hành vi ấy. Việc đầu tiên nên làm là xem lại cách giải quyết xung đột của các bậc cha mẹ. Liệu chúng ta đã biết tự chủ, không để bùng lên những cơn tam bành? Trong gia đình có tồn tại thái độ thô bạo? Liệu cha mẹ có biết cách giải quyết xung đột bằng đàm phán hòa bình? Và nếu cha mẹ có tức giận nhau thì hai người có biết vẫn đồng thời tôn trọng nhau, không làm tổn thương đến nhau không?

Lỗi là ở sợ hãi

Khó mà dạy trẻ tin vào người khác nếu chính cha mẹ không có niềm tin ấy. Nỗi sợ hãi trước sự cô đơn, thất bại, sợ bị bỏ rơi, những nỗi sợ khiến con người cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực và vô tích sự chính là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho tính hung bạo. Đôi khi nỗi lo sợ và sự thiếu tự tin sâu sắc đến mức tự chúng ta không biết phải xoay sở ra sao. Chúng ta chỉ cảm thấy có kẻ thù rình rập xung quanh, rằng mình luôn bị đe dọa, rằng mình phải tự bảo vệ. Chúng ta không đủ lòng tin vào mọi người, không thể hòa nhập với họ, không nhìn thấy mặt yếu của họ. Thế rồi chúng ra dễ dàng nghĩ rằng: “Ở đâu cũng toàn người xấu, ở chỗ làm việc mọi người chỉ chực phá ta, ta cần phải cảnh giác, phải tự vệ”. Mà ranh giới giữa suy nghĩ đó với sự hoài nghi, mất lòng tin và cách ứng xử thô bạo là rất mong manh. Cách suy nghĩ đó còn vô tình dạy con em ta rằng phải luôn chiến đấu với thế giới này. Nếu chúng ta không muốn con cái chúng ta là những kẻ thô bạo thì trước hết, chính chúng ta hãy học cách tin yêu con người, tin yêu cuộc sống.

N.V