Vì sao Tổng thống Thổ không nên “mạnh mồm” nói từ chức?

07:00 | 02/12/2015

15,032 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như đã quá “mạnh mồm” khi tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu có ai đó chứng minh được rằng Ankara mua dầu từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
vi sao tong thong tho khong nen manh mom noi tu chuc
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (phải) và Tổng thống Nga Putin

Có vẻ như tuyên bố của lãnh đạo Ankara là một sự thanh minh trước cáo buộc của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu – sự kiện mà cả 2 ông đều tham dự. Ông Putin đã gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga ở gần biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 là một “sai lầm to lớn” và khẳng định rằng, Moskva có “đủ lý do để cho rằng quyết định bắn rơi máy bay Nga của Ankara là nhằm bảo vệ các tuyến cung cấp dầu vào Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trước đó, ngay từ khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Antalya, Tổng thống Vladimir Putin đã giới thiệu với các nhà lãnh đạo thế giới những bức ảnh chụp đoàn xe ô tô chuyên chở dầu từ khu vực Syria mà IS kiểm soát đến Thổ Nhĩ Kỳ.

“Đoàn xe ấy trông giống như một đường ống dẫn dầu sống động. Và chúng ta có thể nhìn thấy từ trên không, đoàn xe ấy di chuyển như thế nào. Dòng xe ấy đi đến Thổ Nhĩ Kỳ suốt ngày suốt đêm” - ông Putin cho biết.

Tuy nhiên, những bằng chứng, hay những sự kiện củng cố mối nghi ngờ về việc Thổ Nhĩ Kỳ buôn dầu của IS đã liên tục xuất hiện, không chỉ qua lời giới chức Nga, mà còn qua điều tra độc lập của báo chí phương Tây.

Trong bài báo có tựa đề “Tổng thống Putin đúng khi cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đồng lõa với khủng bố?” đăng ngày 24/11/2015, tờ The Guardian (Anh) viết: “Kể từ những tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia trực tiếp và có lợi ích hơn bất kỳ nước nào trong khu vực đã lên tiếng chống lại chế độ Bashar al-Assad.

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành các trục đường chính cho đủ loại chiến binh đi vào Syria. Các căn cứ quân sự của nước này đã được sử dụng để phân phối các loại vũ khí và huấn luyện các chiến binh nổi dậy. Các thị trấn và ngôi làng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria có lúc đã là nơi tạm trú của gần 1 triệu người tị nạn”

Cũng theo Guardian, trong năm 2012, trên đường đến Syria để chống chế độ Bashar al-Assad, hàng chục nghìn các chiến binh thánh chiến nước ngoài đã sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm điểm quá cảnh.

Chính điều đó khiến các nhà ngoại giao châu Âu rút ra kết luận rằng các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ có cảm tình với Hồi giáo cực đoan.

Chỉ khi Syria bị chia năm xẻ bảy vì nội chiến, Thổ Nhĩ Kỳ mới cảm thấy mối đe dọa của các chiến binh thánh chiến đã đi qua lãnh thổ của họ để vào Syria. Ankara lập tức đổi giọng  trong các cuộc đối thoại với các quan chức phương Tây. Họ không còn khăng khăng gọi những kẻ cực đoan là “những người lợi dụng tôn giáo” nữa mà đã bắt đầu sử dụng từ “khủng bố” để nói về các chiến binh thánh chiến trong các văn bản chính thức.

vi sao tong thong tho khong nen manh mom noi tu chuc
Ảnh vệ tinh cho thấy xe tải sắp hàng vào Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Mặc dù vậy, một số liên kết giữa Ankara và IS vẫn được duy trì, phát triển, điển hình là việc kinh doanh dầu mỏ. Theo The Guardian, các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết những hợp đồng béo bở với giới buôn lậu dầu mỏ từ IS, gián tiếp bổ sung ít nhất 10 triệu USD mỗi tuần vào ngân sách của những kẻ khủng bố. Một số thành viên IS còn tiết lộ với tờ báo rằng, Ankara hiếm khi giao dịch trực tiếp với họ mà thích “giấu mặt” hơn.

Vụ đột kích của đặc nhiệm Mỹ hồi tháng 5/2015 vào miền Đông Syria, giết chết Abu Syyaf - một đầu lĩnh IS, chuyên phụ trách việc buôn bán dầu và lấy đi những tài liệu cho thấy những kết nối giữa các nhân vật cao cấp của IS và một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Phát hiện này đã được báo cáo về Washington và được coi là có “những tác động chính sách khẩn cấp”.

Một thời gian ngắn sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một mặt trận mới chống lại các nhóm ly khai người Kurd, PKK, vốn mâu thuẫn với chính quyền Ankara trong gần 40 năm qua. Đây được cho là một trong những động lực khiến Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Mỹ bắt đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik của họ cho các hoạt động chống lại IS, với cam kết rằng Ankara cũng sẽ tham gia vào cuộc chiến tiêu diệt IS.

Tuy nhiên, thay vì chống IS, các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm tên lửa vào các mục tiêu PKK ở khu vực biên giới và trong lãnh thổ Syria – nơi YPG, một đồng minh quân sự của PKK – một lực lượng chống IS được đánh giá là hiệu quả.

Các quan chức cấp cao của Ankara thậm chí còn công khai tuyên bố rằng, người Kurd – đồng minh chính của Mỹ tại Syria – đặt ra nhiều mối đe dọa đến lợi ích quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ còn hơn cả IS. Tuy nhiên, với tư cách là một thành viên của NATO, Ankara vẫn tiếp tục được coi là đồng minh của châu Âu trong cuộc chiến tổ chức khủng bố tàn bạo này, dù biểu hiện chẳng mấy nhiệt tình.

Tờ Bild của Đức cũng khẳng định Tổng thống Putin có đủ cơ sở để cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đồng lõa với khủng bố, bởi nước này đã có “giao kèo bẩn” về dầu mỏ với bọn khủng bố IS.

Bild nhấn mạnh, “chính sách của Ankara trong quan hệ với chiến binh thánh chiến rất không minh bạch: mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ dành cho người Mỹ khả năng  dùng căn cứ không quân của nước này để thực hiện các vụ ném bom vào vị trí IS, nhưng đồng thời mặt khác Erdogan lại cho phép những đối tượng khủng bố thâm nhập dễ dàng vào Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ”.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà vài ngày sau khi lực lượng không quân Nga bắt đầu ném bom các cơ sở dầu mỏ và các đoàn xe IS chở dầu lậu từ lãnh thổ Syria sang các nước khác, kể cả sang Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay ném bom của Nga đã bắn hạ.

Một loạt sự kiện xảy ra sau đó cũng không thể nào là sự trùng hợp ngẫu nhiên được.

Đầu tiên là việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tổng biên tập báo Cumhuriyet (Cộng hòa) là Jan Dündar và nhà báo Erdem Gul vì tội tiết lộ bí mật các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho những kẻ khủng bố IS.

Sau đó, các nhà chức trách Ankara khởi tố 3 quan chức quân đội cao cấp: Tướng Ibrahim Aydin, đại tá về hưu Burhanettin Dzhihangiroglu và tướng Hamza Dzhelepoglu - những người đã bắt giữ xe tải chở vũ khí hồi tháng 1 năm 2014.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố rằng việc máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Su-24 của Nga đã chứng minh với thế giới rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ những kẻ khủng bố, và khuyến cáo Washington xác minh thông tin con trai của Erdogan là Bilial tham gia buôn lậu dầu với IS. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cũng tuyên bố rằng Moskva có thông tin về việc con trai Tổng thống Erdogan dính líu với hoạt động buôn lậu dầu có nguồn gốc từ các khu vực ở Syria do IS kiểm soát.

Trên mạng Internet xuất hiện đoạn video, trong đó thủ lĩnh nhóm khủng bố “Sói xám”  - Alpaslan Celik, con trai cựu thị trưởng một thành phố Thổ Nhĩ Kỳ đã khoe khoang rằng hắn tham gia vụ bắn chết phi công Su-24 của Nga. Ayhan Bilge, phát ngôn viên của đảng Dân tộc dân chủ cho biết, nhóm “Sói xám” hoạt động với tư cách là “lực lượng bạo lực” thuộc đảng Phong trào Dân tộc ủng hộ chế độ Tổng thống Erdogan.

Trước khi tuyên bố từ chức, nếu có ai chứng minh được Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của IS, có lẽ ông Erdogan nên suy nghĩ cẩn thận hơn. Ankara cũng nên có thái độ cầu thị hơn, thay vì cứ khăng khăng “không xin lỗi” trong khi vẫn chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục để chứng minh quan điểm của mình trong sự cố Su-24, cũng như thể hiện sự minh bạch hơn trong chính sách với IS.

vi sao tong thong tho khong nen manh mom noi tu chuc

Mỹ thúc Thổ Nhĩ Kỳ giảm căng thẳng với Nga

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay (1/12) đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt căng thẳng với Nga, song vẫn nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với đồng minh NATO.

vi sao tong thong tho khong nen manh mom noi tu chuc

Về thông tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ chức

Hãng thông tấn TASS cho biết, ngày 30/11,  Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đang dự Hội nghị COP21 tại Paris, tuyên bố sẽ từ chức nếu các thông tin nói rằng nước ông mua dầu của IS được xác định là chính xác.

vi sao tong thong tho khong nen manh mom noi tu chuc

Nga bất ngờ ra cáo buộc mới với Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Nga cho hay, "chúng tôi đã nhận được thêm những thông tin xác nhận dầu mỏ của IS... đi vào lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ”.

 

 

Linh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc