Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ “lên sóng”?

14:00 | 27/07/2015

2,294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc chiến chống Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang như được “làm mới” với sự hăng hái khác thường của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì sao ngay từ đầu chính quyền Ankara đã lưỡng lự, tìm mọi cách né tránh đối đầu với IS thì nay họ bỗng muốn lên hàng tiên phong? Thổ Nhĩ Kỳ đã mặc cả được gì với Mỹ?
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ “lên sóng”?

NATO thông báo họp khẩn khi Thổ Nhĩ Kỳ diệt cả IS lẫn người Kurd

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo sẽ nhóm họp bất thường vào ngày 28/7 theo đề nghị của Ankara, nhằm thảo luận về các chiến dịch an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ chống IS và lực lượng phiến quân thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Đề nghị được đưa ra sau vụ đánh bom liều chết xảy ra tuần trước cùng hàng loạt đợt tấn công truy quét của lực lượng an ninh tại quốc gia này.

Ngày 24/7, Thổ Nhĩ Kỳ công bố chiến dịch truy quét cùng lúc cả hai mặt trận. Một mặt chống lại lực lượng IS tại Iraq và Levant, mặt khác chống lại lực lượng PKK ở miền bắc Iraq.

Ngày 25/7 Ankara đã nhận được sự hỗ trợ có tầm cỡ từ phía Washington. Đặc sứ của Tổng thống Barack Obama về vấn đề chống tổ chức IS, Brett MacGurk, lên án các vụ tấn công khủng bố của lực lượng PKK và tuyên bố nước Mỹ tôn trọng quyền tự vệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Washington sẽ hợp tác với Ankara trong cuộc chiến chống lại PKK cũng như chống lại tổ chức IS.

Ngày 26/7, Cố vấn an ninh thứ hai của Tổng thống Barack Obama, Ben Rhodes, hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch oanh kích nhắm vào IS đang hoành hành tại Syria. Đồng thời ông tuyên bố phe ly khai PKK tại Iraq là một “tổ chức khủng bố” và coi việc tổ chức này trong tầm ngắm của Ankara là chính đáng.

PKK nằm trong danh sách đen của Mỹ nhưng Washington vẫn duy trì quan hệ tốt với chính quyền Kurdistan trong khu vực miền bắc Iraq. Chính quyền đó cũng đang phải đương đầu với tổ chức IS.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2012 bắt đầu đàm phán với phe nổi dậy PKK. Mục tiêu đề ra nhằm khép lại xung đột kéo dài từ năm 1984 làm 40.000 người thiệt mạng. Các đợt oanh kích trong 48 giờ qua gây trở ngại cho tiến trình hòa đàm giữa Ankara với tổ chức nổi dậy Kurdistan.

Có nhiều khả năng những phát biểu của Mỹ tạo thêm đà để chính quyền Ankara gia tăng các chiến dịch quân sự đã được khởi động từ mấy ngày qua. Đây là hậu quả của hàng loạt các vụ tấn công trực tiếp nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom tại Lice, gần Diyarbakir diễn ra vào chiều 25/7, làm 2 người lính Thổ thiệt mạng và 4 người bị thương. Nhiều đồn cảnh sát ở khu vực miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ hoặc ở ngay chính thành phố Istanbul bị tấn công làm nhiều người bị thương. Xung đột xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát, chẳng hạn như tại Cizre, nơi một quan chức thân phe nổi dậy Kurdistan bị sát hại.

Trước đó, ngày 23/7, truyền thông Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ loan tin Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý cho chiến đấu cơ của Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ để phát động những cuộc tấn công nhắm vào IS bên trong Syria, dù Washington từ chối công khai nêu chi tiết về sự hợp tác mới giữa hai nước.

Những bản tin, đăng trên nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ và The Wall Street Journal và The New York Times của Mỹ, cho biết thỏa thuận đã được hoàn tất trong một cuộc điện đàm hôm 22/7 giữa ông Erdogan và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết ông không thể trả lời trực tiếp câu hỏi về căn cứ Incirlik vì "những mối lo ngại an ninh liên quan đến hoạt động", nhưng nói rằng ông Obama và ông Erdogan đã "thảo luận những nỗ lực tăng cường hợp tác để ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài (đổ về IS) và giữ an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria".

Quân đội Mỹ từ lâu đã hoạt động tại căn cứ Incirlik nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không cho Mỹ sử dụng nơi này để mở những cuộc tấn công nhắm vào IS.

Căn cứ không quân này cách Raqqa, thành trì của IS ở Syria, khoảng 400 km và sẽ rút ngắn đáng kể quãng đường 1.900 km mà chiến đấu cơ của Mỹ phải vượt qua để thực hiện những phi vụ ném bom từ Iraq vào Syria.

Báo Hurriyet cho biết thỏa thuận chung về việc sử dụng căn cứ Incirlik cho những cuộc tấn công mới đã đạt được vào đầu tháng 7. Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện hàng nghìn vụ ném bom nhắm vào những vị trí IS ở Syria và Iraq và nói rằng họ đã có một số thành công trong việc ngăn chặn đà tiến của những kẻ chủ chiến. Nhưng IS vẫn kiểm soát những mảng rộng lớn ở miền bắc và miền tây Iraq, và ở miền tây Syria cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ không xa.

Giải thích về sự thay đổi thái độ bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà phân tích chỉ ra hai nguyên nhân. Thứ nhất về đối nội. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6/2015, đảng AKP cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đánh mất đa số và giờ đang phải đàm phán với các đối tác để thành lập chính phủ. Nếu không thành công, một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức và Tổng thống Erdogan hy vọng AKP có thể giành lại được các cử tri dân tộc chủ nghĩa mà mới đây đã "quay lưng". Bằng cách tấn công PKK, ông Erdogan có thể đạt được mục đích và giành lại được đa số mong muốn.

Thứ hai về đối ngoại. Từ đầu, Ankara đã từ chối tham gia chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu, cho rằng làm như vậy cũng sẽ nhắm vào quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Nhưng nay Mỹ nói là, mối quan ngại về IS và "vấn đề Assad" cần được gác qua một bên. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu bị cáo buộc "nhắm mắt làm ngơ" trước sự trỗi dậy của IS, thậm chí còn bị quy kết ủng hộ lực lượng này chống lại chế độ Assad. Ankara luôn phủ nhận.

Nhưng tuần trước đã chứng kiến vụ đánh bom tự sát đẫm máu ở Suruc thuộc miền nam làm 32 người chết. Và Ankara cho rằng một chiến binh do IS huấn luyện là thủ phạm. Tiếp đó là cuộc đọ súng mà quân IS bắn vào lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ, diễn biến bạo lực được xem như là "giọt nước làm tràn ly" khiến nước này không thể kiềm chế thêm nữa.

Thứ nữa, điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ về việc lập một vùng cấm bay dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria được Mỹ chấp thuận. Và điều kiện này dường như đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy Ankara hành động.

Tuy nhiên, những tính toán của chính quyền Ankara cũng có cái giá phải trả. Các cuộc tấn công cả IS ở Syria lẫn PKK ở Iraq sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ phải hứng chịu thêm các cuộc tấn công nữa của IS và khuấy động thêm bạo lực giữa người Kurd thiểu số có cảm tình với PKK.

Thổ Nhĩ Kỳ cho Mỹ mượn căn cứ để không kích IS Thổ Nhĩ Kỳ cho Mỹ mượn căn cứ để không kích IS
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ chưa Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ chưa "nhiệt tình" chống IS?

Th.Long

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc