Vì sao thợ lò được nghỉ hưu ở tuổi 50?

20:21 | 29/07/2016

1,578 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau nhiều năm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) kiên trì báo cáo đề xuất, đến nay chính sách nghỉ hưu đối với thợ lò đã chính thức được công nhận với nhiều điểm có lợi cho người lao động. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 ngày 11-11-2015 về hướng dẫn thi hành luật BHXH mới, theo đó các vướng mắc về tuổi nghỉ hưu đối với thợ lò đã được giải quyết dứt điểm - mốc tuổi nghỉ hưu rút ngắn xuống 50 tuổi và đối tượng được mở rộng là hầu như toàn bộ người lao động làm việc trong hầm lò...  

Thay đổi sự bất cập

Khách quan nhìn nhận, từ trước đến nay, thợ mỏ nói chung và thợ lò nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành hết sức quan tâm chăm lo về chế độ, chính sách. Thời bao cấp, thợ lò được hưởng tiêu chuẩn thực phẩm cao nhất trong các ngành nghề, được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, được rút ngắn tuổi nghỉ hưu 5 năm so với các nghề khác. Có được sự quan tâm như vậy là vì khi nền kinh tế nước ta chưa phát triển thì nghề thợ lò là nghề nặng nhọc nhất.

vi sao tho lo duoc nghi huu o tuoi 50
Thợ lò TKV

Tuy nhiên, sau này nước ta cũng có thêm một số nghề cũng rất nặng nhọc, độc hại, thậm chí nguy hiểm không kém, chẳng hạn những công việc ở “trên trời”, “dưới nước” như phi công, thợ lặn, thợ khoan dầu khí, thợ cạo mủ cao su… Khi thực hiện cải cách tiền lương, Nhà nước xóa bỏ chế độ phụ cấp thâm niên đối với khối doanh nghiệp, chỉ duy trì chế độ thâm niên đối với công chức, nhà giáo và lực lượng vũ trang. Do đó chế độ thâm niên đối với thợ lò không còn nữa. Riêng về tuổi nghỉ hưu, Nhà nước vẫn rất quan tâm đến thợ lò, vì ngay từ năm 2001, Chính phủ đã có Nghị định 61 chỉ quy định riêng về tuổi nghỉ hưu của thợ lò là đủ 50 tuổi thì đã được nghỉ hưu chứ không phải làm việc đến 60 tuổi như những nghề khác.

Thế nhưng, có một sự bất cập “không hề nhẹ” của chính sách là cho thợ lò được nghỉ hưu từ khi họ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nhưng khi tính lương hưu thì lại lấy mốc 55 tuổi để trừ % lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Điều này có nghĩa là, nếu thợ lò nghỉ hưu ở độ tuổi dưới 50 thì thay vì phải lấy mốc 50 tuổi để tính trừ % lương hưu do nghỉ trước tuổi thì lại lấy mốc 55 tuổi để trừ %. Do đó có thể nói, mặc dù ưu đãi cho thợ lò nhưng ý nghĩa của chính sách bị giảm đi một nửa!

Điều đó cũng đồng nghĩa, thợ lò được nghỉ hưu ở tuổi 50 đã có từ lâu, chứ không phải đến bây giờ mới được. Tuy nhiên, chỉ đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 115 về hướng dẫn thi hành Luật BHXH mới, thì các bất cập về độ tuổi nêu trên mới được giải quyết dứt điểm. Hai điểm quan trọng được giải quyết ở đây: Một là, thợ lò nếu đủ 50 đến đủ 55 tuổi, có đủ 20 năm công tác đóng BHXH trở lên và trong đó có đủ 15 nãm làm công việc khai thác trong hầm lò thì được nghỉ hưu và điểm mấu chốt là mốc tuổi để tính trừ % lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi đã được rút xuống 50 tuổi (đây chính là điểm mà Tập đoàn “đấu tranh” vừa qua). Hai là, chế độ nghỉ hưu này được mở rộng cho hầu như tất cả những người làm việc thường xuyên trong hầm lò, chứ không chỉ riêng thợ khai thác, đào lò, vận tải lò như trước đây.

“Được” hay “phải” nghỉ hưu ở tuổi 50?

Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình giải quyết chế độ nay đang nổi lên một vướng mắc, đó là cách hiểu thợ lò “được” nghỉ hưu ở tuổi 50 hay “phải” nghỉ hưu ở tuổi này? Ban Tổ chức Nhân sự đã nghiên cứu kỹ và thấy rằng, cách hiểu “được nghỉ” là đúng. Nghĩa là, nếu người thợ đã có đủ 20 năm trở lên đóng BHXH, trong đó có 15 năm làm công việc khai thác trong hầm lò thì được nghỉ hưu ở độ tuổi từ 50 cho đến 55, nhưng với điều kiện là phải đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc trong hầm lò theo quy định và doanh nghiệp phải có nhu cầu sử dụng.

Có thể nói, để có được chính sách nói trên không hề đơn giản. Đó là nhờ sự quyết liệt, kiên trì của các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn TKV qua các thời kỳ đã tích cực gặp gỡ, vận động, thuyết phục các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ; các đồng chí lãnh đạo bộ, các vụ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... đã thấu hiểu nỗi vất vả của người thợ làm việc trong hầm lò để kịp thời tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách này.

Theo Nghị định 115 của Chính phủ ban hành về việc “Quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc”. Người lao động từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc và có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò được hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 54 của Luật BHXH. Công việc khai thác than trong hầm lò do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Thùy Linh

Năng lượng Mới 543