Vì sao siêu dự án 6,7 tỉ USD của Tập đoàn Tân Tạo bị kiến nghị thu hồi?

11:00 | 04/08/2013

1,433 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tỉnh Kiên Giang đã ra tối hậu thư cho dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương do Công ty Cổ phần năng lượng Tân Tạo (Tập đoàn Tân Tạo – ITA) làm chủ đầu tư sau những lình xình của dự án này thời gian qua.

Một góc dự án Nhiệt điện Kiên lương.

Thông tin chính thức được ông Huỳnh Văn Gành – Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang cho biết, từ nay đến ngày 10/8/2013, tỉnh Kiên Giang sẽ hoàn tất các thủ tục để trình Chính phủ xem xét, xử lý dứt điểm dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương.

Dự án “đầu voi đuôi chuột”

Năm 2008, giữa lúc nền kinh tế vừa trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, hai tập đoàn là Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI), Tập đoàn Tân Tạo vốn gắn với tên tuổi của bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Đặng Thành Tâm vẫn cho động thổ, khởi công một loạt dự án lớn nhỏ tại nhiều đại phương trên cả nước, trong đó có không ít dự án có vốn đầu tư lên tới cả ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, trái với sự ầm ĩ trong những ngày đầu động thổ, nhiều dự án của hai Tập đoàn này nhanh chóng rơi vào trạng thái “ngủ đông”, “đắp chiếu” và bỏ hoang. Điều này khiến người dân tại các địa phương có những dự án này hết sức bức xúc, hàng chục ha, thậm chí là hàng trăm ha đất đai được giao cho SGI và ITA đã bị bỏ hoang, còn người dân thì không có đất để sản xuất.

Một trong những dự đình đám, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội thời điểm đó là dự án Nhiệt điệt Kiên Lương.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Tổng sơ đồ phát triển điện lực VI năm 2007 và được UBND tỉnh Kiên Giang giao cho ITA làm chủ đầu tư vào năm 2008 với tổng điện tích 555,9 ha và tổng vốn đầu tư là 6,7 tỉ USD. Theo thiết kế quy hoạch, Dự án sẽ bao gồm khu công nghiệp, khu đô thị, nhà máy nhiệt điện than (4.400 MW) và cảng biển nước sâu tại huyện Kiên Lương.

Phải nói rằng, quyết định bỏ ra 6,7 tỉ USD để tham gia phát triển một Dự án này của 2 Tập đoàn trên đã gây lên một “cú sốc” mạnh trong giới đầu tư bởi như đã nói, nền kinh tế vừa trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, “sức khoẻ” vẫn chưa phục hồi. Bất ngờ là vậy nhưng khi SGI và ITA quyết định đầu tư và tiến hành khởi công thì giới đầu tư mới thấy nể phục tiền lực củaSGT, ITA, thực chất là nể phục tiềm lực tài chính của chị em ông Đặng Thành Tâm.

Xã hội cũng nể phục bởi quyết định đầu tư này được thực hiện vào đúng thời điểm Đảng, Chính phủ đang chủ trương đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống điện để tạo nền tảng năng lượng cho các mục tiêu phát triển đất nước. SGT và ITA đã đi đầu và đã đầu tư vào một trong những dự án nhiệt điện lớn nhất với công suất vào khoảng 4.400-5.200MW. Dự án gồm 3 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ truyền thống. Và theo dự kiến, 3 nhà máy lần lượt vào năm 2013, 2015, 2017.

Mặc dù được chờ đợi và đánh giá cao như vậy nhưng sau ngày động thổ, Dự án gần như nằm im “bất động”, sau 5 năm triển khai vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí theo thông tin từ chính quyền địa phương thì toàn bộ các phương tiện, máy móc phục vụ công trình đều đã chuyển đi nơi khác. Còn theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang thì hầu hết các hạng mục của Dự án vẫn chưa được triển khai. Và điều này cũng được ông Thái Văn Mến - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Tân Tạo (ITA) thừa nhận.

Trước thực tế trên, tỉnh Kiên Giang đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư nhưng không tìm được hướng giải quyết. Đến ngày 3/5/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã có thông báo gửi đến ITA với nội dung, chậm nhất đến ngày 30/6/2013, Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo và ITA phải có quyết định cuối cùng về việc tiếp tục đầu tư hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư báo cáo với UBND tỉnh. Và nếu quá thời hạn trên, UBND tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét và quyết định có nên tiếp tục chủ trương đầu tư hay dừng.

Được biết, trước sự chậm trễ trong triển khai dự án Nhiệt điện Kiên Lương, không ít nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính đã đến tìm hiểu và xin được đầu tư vào dự án.

Trở lại thời điểm những năm 2010 (tức khoảng 2 năm sau ngày Dự án Nhiệt điện Kiên Lương khởi công), trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh một vấn đề liên quan đến chuyện nợ nần của chủ đầu tư dự án này. Theo đó, sau lễ khởi công, chủ đầu tư dự án có huy động các phương tiện máy móc, thiết bị thi công,... về để tiến hành giải toả, nạo vét san lấp mặt bằng. Nhưng đến khoảng 30/4/2010, toàn bộ những thiết bị trên bỗng chốc “biến mất” và theo lý giải thì nguyên nhân sâu xa là vấn đề tiền.

Thông tin phản ánh trên cũng phản ánh ý kiến của bà Lê Thị Kim Châu – Giám đốc Công ty TNHH Châu Phát (Kiên Giang) rằng: Tại thời điểm đó, Tập đoàn Tân Tạo nợ công ty này 8 tỉ đồng và đã 4 tháng trôi qua mà Tập đoàn này chưa thanh toán được đồng nào. Công ty Châu Phát cũng không ít lần tìm cách liên lạc với đơn vị chủ đầu tư nhưng bất thành. Thậm chí, ông Trần Jimmy - chồng của bà Đặng Thị Hoàng Yến và là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Việt Nam khi đó cũng về Mỹ một không rõ lý do.

Sau đó ít lâu, Bộ Công an đã có Quyết định truy nã số 324/ANĐT đối với Trần Jimmy.

Gia đình họ Đặng đang... "ốm"!

Ông Đặng Thành Tâm.

Được biết là một những gia đình có tiềm lực tài chính bậc nhất ở Việt Nam nhưng vì nhiều lý do, trong năm 2012, thực lực của gia đình họ Đặng đã bị giảm sút đáng kể. Hàng loạt dự án đầy tham vọng của ITA và Tổng công Phát triển Kinh Bắc (KBC) rơi vào thế khó, kết quả kinh doanh của 2 công ty này rất bết bát và cùng với đó là những khoản nợ lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Cuối tháng 11/2012, dư luận xã hội chấn động trước thông tin khoản nợ lên tới 3.000 tỉ đồng vay và nợ của KBC và Công ty cổ phần công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) tại Navibank, WesternBank. Điều đáng nói, trong bối cảnh nợ nần như vậy nhưng lợi nhuận kinh doanh của hai công ty này lại đang trong trạng thái âm. Báo cáo tài chính hợp nhất của 2 công ty này cho thấy, tính đến hết ngày 30/9/2012, số lỗ của KBC là 233 tỉ đồng và SGT là 228 tỉ đồng. Đáng lưu ý, số lỗ của SGT đã chiếm tới quá nửa vốn điều lệ của công ty (tính đến 30/9/2012, vốn chủ sở hữu của SGT là 432 tỉ đồng).

Giường như câu chuyện nợ nần của gia đình họ Đặng đã đi đến hồi kết khi cuối tháng 6/2013, SGT quyết định huỷ niêm yết và đây là lần thứ 2 SGT xin huỷ niêm yết, lần trước đó là vào năm 2011. Tuy nhiên không giống lần xin huỷ niêm yết trước, SGT xin huỷ niêm yết này là do kết quả kinh doanh kém cỏi của SGT với số lỗ luỹ kế trong 2 năm 2011 và 2012 lên tới 330 tỉ đồng.

Trước đó, trong lần xuất hiện khá bất ngờ tại kỳ hợp thứ 4, Quốc hội khoá XIII (ông Đặng Thành Tâm hiện vẫn đang là Đại biểu Quốc hội khoá XIII), khoản nợ lên tới 500 triệu USD của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (bao gồm KBC và SGT) và ITA đã được ông Đặng Thành Tâm công khai trước báo giới. Thông tin này lập tức thu hút sự chú ý của giới đầu tư bởi đây là con số quá lớn nếu mang so với kết quả kinh doanh của những công ty như KBC, SGT mà ông Tâm đang nắm giữ. Và rằng ông Tâm có khẳng định vẫn có thể “xoay sở” được với khoản nợ này thì cũng chẳng có mấy ai tin.

SGT đang rơi vào trạng thái khó khăn và thực tế đã có quyết định huỷ niêm yết là vậy nhưng tình cảnh của KBC cũng chẳng khá khẩm hơn chút nào. Trong bối cảnh nợ ngập đầu nhưng lợi nhuận quý I/2013 của KBC lại báo âm 53 tỉ đồng. Còn tính trong năm 2012, số lỗ của KBC lên tới 439 tỉ đồng và đây cũng là nguyên do khiến công ty này bị đưa vào diện cảnh báo từ 2/4/2013.

Và dù kết quả kinh doanh quý I/2013 của ITA đã khởi sắc hơn khi doanh thu của công ty này đã tăng mạnh, đạt 147,38 tỉ đồng so với 34,7 tỉ đồng cùng kỳ 2012 thì xem ra cũng chẳng thể bù đắp chi phí cho các khoản nợ mà ITA và KBC đang phải gánh.

Đó là câu chuyện kinh doanh của gia đình họ Đặng và nó cho thấy, nếu tỉnh Kiên Giang có làm tờ trình xin ý kiến Chính phủ thu hồi giấy phép đầu tư của dự án Nhiệt điện Kiên Lương thì cũng là điều dễ hiểu. Bởi có một điều chắc chắn, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, số tiền đầu tư lên tới 6,7 tỉ USD vào dự án Nhiệt điện Kiên Lương là không tưởng đối với các công ty của gia đình họ Đặng.

Thanh Ngọc

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps