Vì sao năng lượng sạch khó phát triển?

07:20 | 13/08/2016

1,065 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù được xác định là nguồn năng lượng của tương lai nhưng việc phát triển các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng được đánh giá là có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam - lại rất khó khăn. Vì sao lại có tình trạng này? Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến tại phiên họp Chuyên đề Năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng - Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội để làm rõ vì sao năng lượng sạch khó phát triển?  

Ông Hoàng Mạnh Tân - Giám đốc Công ty CP Phát triển Năng lượng Sơn Hà: Thiếu điện đừng đổ cho EVN

vi sao nang luong sach kho phat trien

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp, phát triển bình nước nóng năng lượng mặt trời Thái Dương năng, chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề mấu chốt quyết định thành công đối với việc triển khai các dự án, chương trình năng lượng sạch. Phải có đầu ra thì khi đó mới bàn đến các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư được. Nhưng hiện nay, vấn đề đầu ra thì hầu như không có. Ví như Sơn Hà, chúng tôi phải tự tìm đầu ra, tự tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của mình... Từ khi giới thiệu sản phẩm đến khi khách hàng nhận thức được vấn đề sử dụng cái này thì nó tiết kiệm được bao nhiêu tiền.

Thứ hai, về ý thức tiết kiệm năng lượng thì rõ ràng là hết sức khó khăn. Bởi hiện nay, có một thực tế là chủ đầu tư các dự án gần như không quan tâm đến vấn đề này. Tôi ra đảo Phú Quốc, một hộ dân có thể mua bộ thiết bị Thái Dương năng để sử dụng nước nóng cho gia đình. Nhưng cả một khu resost, khu nghỉ dưỡng rất to thì họ lại không có bất kỳ thiết bị nào dùng năng lượng mặt trời.

Vì sao lại có chuyện như vậy? Là vì người ta tính lợi ích kinh tế. Lượng điện để phục vụ cho việc đun nước nóng thôi là rất lớn. Nhưng nếu đặt vấn đề mua thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời thì họ lại không làm, bởi chi phí đầu tư ban đầu lớn.

vi sao nang luong sach kho phat trien

Vậy nên mới có chuyện, doanh nghiệp dùng điện vẫn cứ dùng, còn thiếu điện hay không là chuyện của ngành điện. Ngành điện có thể lỗ ở đảo Phú Quốc, phải kéo một đường dây ra để đưa điện lưới quốc gia đến đảo Phú Quốc với chi phí rất lớn nhưng lại không liên quan đến các chủ đầu tư khu resort hay nghỉ dưỡng. Người ta cứ mặc định rằng, việc thiếu điện nếu có là của Nhà nước, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nên tôi phải đi kêu, đi mua và tất nhiên, tôi sẽ bớt được khoản đầu tư về công nghệ.

Hay như chuyện ở các khu chung cư ở Hà Nội, gần đây chúng ta nghe nhiều về chuyện các khu chung cư bị cháy mà nguyên nhân dẫn đến việc này thì có đến 90% là do chập điện. Trên cùng một diện tích mặt bằng, người ta đã chia nhỏ các căn hộ ra, dẫn đến mật độ căn hộ cũng như người dân trong khu tăng. Trong khi đó, nhu cầu dùng bình nước nóng lại rất cao và chủ yếu là bình điện nên có khi đồng thời các hộ cùng dùng một lúc dẫn đến quá tải, chập điện và cháy. Hậu quả của việc sử dụng điện quá tải là rất rõ ràng, nhưng hiện cũng lại chưa có một quy định nào quy định về việc sử dụng điện ở công suất bao nhiêu, phân bổ dân cư như thế nào để tính ra hệ số an toàn...

Ông Mai Văn Huyên - Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh, Tổng thư ký Chuyên đề Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng: Quản trị năng lượng vẫn là việc mơ hồ

vi sao nang luong sach kho phat trien

Dù đã có mặt ở Việt Nam được gần chục năm, mô hình quản trị năng lượng theo mô hình ESCO - mô hình tiết kiệm năng lượng phổ biến được áp dụng trên thế giới - vẫn phát triển rất chậm với quy mô rất nhỏ.

Một cách nôm na có thể hiểu, ESCO là hình thức quản trị năng lượng hiệu quả hay tiết kiệm năng lượng mà tất cả chi phí đầu tư hay lợi nhuận thu được là nhờ tiết kiệm năng lượng. Ví như hiện nay, anh đang sử dụng 1 tháng là 10 tỉ đồng cho sử dụng năng lượng chẳng hạn nhưng khi anh áp dụng các giải pháp mà các công ty ESCO đưa ra, nó giúp anh tiết kiệm mỗi tháng 1 tỉ đồng thì anh phải chi trả vài ba tỉ đồng để thanh toán các khoản đầu tư ban đầu cũng như trả các chi phí mà các công ty ESCO tư vấn.

Có 2 hình thức đầu tư ESCO phổ biến. Thứ nhất, các công ty ESCO bảo lãnh cho tỷ lệ tiết kiệm năng lượng. Tức là sau khi họ vào nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những giải pháp, họ sẽ cho anh một dự án đầu tư. Sau đó, nếu anh tự bỏ tiền đầu tư vào đó thì Công ty ESCO sẽ bảo lãnh cho anh mức tiết kiệm như thế phải đạt được. Còn nếu không đạt được mức tiết kiệm như thế thì công ty ESCO sẽ phải tự bỏ tiền bù lỗ cho anh. Đây là hình thức bão lãnh, nghĩa là công ty vận hành tự bỏ tiền đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng, còn công ty bên ngoài thì chỉ bảo lãnh cho cái tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đó.

Hình thức thứ 2, công ty bên ngoài bỏ tiền, đầu tư và sau đó họ thu vốn đầu tư cũng như lợi nhuận nhờ vào tỷ lệ năng lượng tiết kiệm hằng tháng.

Nghe thì rất hấp dẫn, nhưng vì sao ESCO lại không thể phát triển được?

Đó là do nhận thức chung của thị trường về ESCO chưa được rõ ràng. Các công ty ESCO thì cũng chưa đủ sức mạnh để thuyết phục các công ty định đầu tư vào. Điều này kéo theo thực tế là cứ nghe đến ESCO là người ta ngại.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam là rất lớn và đây là cơ hội để cho dịch vụ ESCO phát triển. Nhưng để ESCO phát triển thì Nhà nước cần phải có những chính sách buộc doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng tiết kiệm chứ không phải là khuyến khích. Ví như anh là doanh nghiệp sản xuất thép thì cứ theo công suất mà tính. Thế giới họ làm một tấn thép mất 300kWh thì không có lý gì anh làm 1 tấn mất tới 600kWh cả. Anh dùng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng thì phải trả nhiều chi phí, thậm chí chi phí này được tính theo cấp bậc thang. Như vậy doanh nghiệp mới tự ý thức đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng, trong đó có các giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời và các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời.

Đối với các công ty ESCO, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi về cơ chế vay vốn cũng như tiếp cận nguồn vốn để doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị và vốn.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh - Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần ESSE: Thiếu chuẩn hóa năng lượng mặt trời

vi sao nang luong sach kho phat trien

Trên thị trường hiện nay, các loại thiết bị năng lượng mặt trời có nguồn gốc rất đa dạng. Đó có thể là nhập từ Ấn Độ, Đài Loan, các nước EU, Mỹ nhưng cũng có thể là Trung Quốc. Thiết bị được sản xuất trong nước nhiều. Mặc dù đa dạng là vậy nhưng hiện nay, chúng ta lại chưa có một cơ quan nào có thể kiểm định được chất lượng những sản phẩm này. Bởi hiện nay nếu sử dụng các thiết bị từ các nước G7 tuy chất lượng rất tốt nhưng giá lại rất cao. Trong khi, nếu dùng thiết bị Trung Quốc thì giá thành thấp, mà thấp thì đương nhiên là chất lượng sẽ tỉ lệ thuận với giá thành. Như vậy, khi đến tay khách hàng, người ta dễ nghĩ rằng, điện mặt trời cũng chỉ đến thế này thì ngành điện tái tạo sẽ không có tương lai.

Vậy nên rất cần có một cơ quan có đủ thẩm quyền để đánh giá một cách khách quan chất lượng các thiết bị năng lượng mặt trời ví như hiệu suất của chiếc máy này là bao nhiêu, tiêu thụ điện là như thế nào, một ngày sản xuất được bao nhiêu số điện...

Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng thường xuyên được đặt câu hỏi là chất lượng điện phát từ các thiết bị năng lượng mặt trời đã được kiểm định chưa. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong có một tổ chức kiểm định điện năng lượng mặt trời có đảm bảo để hoà lưới điện hay không? Đây là vấn đề cấp bách vì không chỉ với điện mặt trời mà ngay cả điện lưới hiện nay cũng chưa có cơ quan nào đánh giá chất lượng đó đến đâu. Vậy thì làm sao lượng điện mà doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi làm ra có thể hoà vào lưới quốc gia và hoà vào nó có an toàn không?

Quy hoạch điện VII đặt mục tiêu đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020; khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW vào năm 2030. Tỷ trọng điện mặt trời tương ứng là 0,5%, 1,6% và 3,3%.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 548

  • el-2024