Vì sao Mỹ không thể tẩy chay dầu mỏ của Iran?

17:22 | 14/05/2012

613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Cấm các nước khác không được mua bán dầu với Iran là biện pháp mạnh đang được Mỹ và phương Tây áp dụng nhằm trừng phạt chương trình hạt nhân của Tehran. Từ dọa dẫm tới thương lượng nhưng đến nay Washington vẫn thất bại trong chiến lược tẩy chay dầu mỏ của Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton họp báo với người đồng cấp Ấn Độ Krishna tại New Delhi ngày 9/5

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã dành 3 ngày để thăm Ấn Độ song chuyến đi này không đạt được mục đích. New Delhi từ chối tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ mà các cường quốc phương Tây mong muốn áp đặt chống Iran.

Tại cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna đã thông báo “Iran vẫn là một nguồn cung cấp dầu quan trọng đối với chúng tôi”. N goại trưởng Krishna cũng nói thêm rằng việc giảm nhập khẩu dầu từ Iran chỉ có thể được quyết định dựa trên những đánh giá thương mại, tài chính và kỹ thuật, cũng như từ các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ. Điều này có nghĩa Ấn Độ, nước nhập khẩu tới 12% nhu cầu trong nước từ thị trường Iran, từ chối giảm nhập khẩu dầu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ đã kêu gọi Ấn Độ giảm nhập khẩu dầu thô Iran trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận chống các thể chế tài chính của các nước tiếp tục mua dầu của Iran kể từ ngày 28/6 tới. Dường như Ấn Độ đang mâu thuẫn với Mỹ trong cách thức xử lý vấn đề này. Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna đã nói thêm: “Chúng tôi rất quan tâm đến các vấn đề gắn với chương trình hạt nhân Iran và mọi thứ cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Ấn Độ chia sẻ lo ngại của Mỹ nhằm ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí nguyên tử”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thỏa thuận với các nước thành viên Liên minh châu Âu và Nhật Bản khi đồng loạt tuyên bố sẽ nỗ lực để giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran. Vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ thăm Ấn Độ, một phái đoàn doanh nhân Iran hùng hậu gồm 50 người cũng đang ở thăm nước này nhằm tăng cường quan hệ kinh tế song phương.

Trước chuyến thăm Ấn Độ, Ngoại trưởng Clinton đã thăm Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn của Iran. Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc thành lập một mặt trận thống nhất chống Iran khi nhấn mạnh “biện pháp tốt nhất để đạt được một giải pháp chính trị là các nước phải đoàn kết và thống nhất”. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay vẫn từ chối tham gia các lệnh trừng phạt chống Iran và đề cao các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp về chương trình hạt nhân Iran. Bắc Kinh và New Delhi, cũng như Mátxcơva, luôn từ chối tham gia các lệnh trừng phạt mà các cường quốc phương Tây áp đặt chống Iran.

Mạng tin tình báo Debkafile cũng tiết lộ Tehran đã thiết lập các cơ chế tài chính có lựa chọn với Trung Quốc và Nga để thanh toán việc mua dầu thô bằng các đồng ngoại tệ khác ngoài đồng USD. Bắc Kinh và Mátxcơva vẫn giữ bí mật về cơ chế thanh khoản này. Trong khi đó tờ Financial Times dẫn lời các quan chức công nghiệp dầu mỏ tại Bắc Kinh cũng như các quan chức tại Đubai và Côoét tiết lộ Iran sẽ sẵn sàng chấp thuận thanh toán bằng đồng NDT để cung cấp một phần dầu mỏ cho Trung Quốc.

Theo báo LeMonde, Washington đã gây sức ép lên Bắc Kinh để các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ (NDT) với Iran phải chấm dứt. Vì vậy, một phần lớn khoản ngoại tệ thanh toán cho Iran từ nay sẽ được thực hiện qua các ngân hàng Nga và họ sẽ nhận được các khoản phí dịch vụ lớn từ các giao dịch này. Đối với Iran, khách hàng Trung Quốc hiện mua tới 21% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Về phía Trung Quốc, việc sử dụng đồng NDT trong giao dịch với Iran sẽ giúp tạo lợi thế đáng kể nhờ giảm thiểu chi phí từ chênh lệch tỷ giá khi mua USD. Nếu từ đầu năm 2012, Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với công ty Zhuhai Zhenrong (một trong hai công ty Trung Quốc mua phần lớn dầu thô từ Iran) và đe dọa các đối tác thương mại khác thì Mỹ vẫn còn bất lực trước sự tái cân bằng các đối tác trên thị trường năng lượng. Một số nhà quan sát đã mỉa mai các lệnh trừng phạt của Mỹ là đạo đức giả khi vào ngày 28/6 tới cấm các thể chế tài chính các nước tiếp tục mua dầu của Iran song Bộ Ngoại giao Mỹ lại cho phép các nước thành viên châu Âu và Nhật Bản phá lệ. Mỹ cũng đang nghiên cứu cho Ấn Độ và Trung Quốc đặc ân này.

Về phần mình, Arập Xêút đang cố gắng áp dụng thành công các lệnh trừng phạt chống Iran. Ngày 8/5, Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút Ali al-Nouaimi đã thăm Nhật Bản để tái khẳng định Arập Xêút sẵn sàng tăng lượng dầu cung cấp cho các nước tiêu thụ. Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Yukio Edano, Ngoại trưởng Ali al-Nouaimi, đã giải thích với báo giới: “Hiện Arập Xêút sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày. Để bù vào nhu cầu thị trường, chúng tôi có khả năng sản xuất thêm 2,5 triệu thùng dầu/ngày và dự trữ 80 triệu thùng”. Tuy nhiên, vị quan chức Arập Xêút cũng thừa nhận giá dầu thô vẫn còn “quá cao” do căng thẳng quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân Iran. Ngày 8/5, giá dầu thô Biển Bắc giao tháng 6 ở mức 112,47 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) ở mức 96,94 USD/thùng. Ngoại trưởng Ali al-Nouaimi tiết lộ các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ cần phải thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp tới vào tháng 6 tới.

Trong lúc này, Nhật Bản phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung dầu thô từ Trung Đông. Arập Xêút cung cấp cho Nhật 30% sản lượng xuất khẩu của mình và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất cung cấp 20%. Các quan chức Nhật khẳng định đã giảm khoảng 40% lượng dầu nhập khẩu từ Iran trong 5 năm qua và trong năm 2011 nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 8,8%. Nhật đang tìm cách bảo đảm những nguồn cung khác để không chỉ thay cho nguồn cung Iran mà còn giúp cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện sau khi các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động.

Th.Long (Theo Le Monde)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc