Vì sao không cấm nổi amiăng trắng độc hại?

11:19 | 18/10/2017

1,454 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc cấm sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng được đưa ra “mổ xẻ” từ năm 2001 và đặt mốc tới năm 2004 sẽ cấm hẳn. Tuy nhiên, mốc thời gian cấm đã qua nhưng vẫn không cấm được và vấn đề này tiếp tục được đưa ra bàn luận và đặt mốc tới năm 2020 sẽ cấm.   

Những con số báo động

Ngày 6-10-2017, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã cùng phối hợp tổ chức buổi tọa đàm trao đổi các thông tin liên quan đến vấn đề sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam.

Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, do nhóm lợi ích chi phối nên việc cấm sử dụng amiăng trắng đặt ra từ lâu nhưng không thực hiện được. Amiăng trắng (Chrysotile Asbestos) có dạng sợi, màu trắng, là nguyên liệu sản xuất tấm lợp fibro xi măng, má phanh xe, các vật liệu bảo ôn, cách âm, cách nhiệt… Vì vậy, đã đến lúc nói không với amiăng trắng càng sớm càng tốt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm amiăng trắng làm hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với bệnh tật. Ước tính khoảng 50% số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới có nguyên nhân liên quan tới tiếp xúc với amiăng. Amiăng là nguyên nhân dẫn đến 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người.

vi sao khong cam noi amiang trang doc hai
Amiăng trắng là nguyên liệu sản xuất tấm lợp fibro xi măng

Năm 2012, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC Monograph 100C, 2012) đưa ra kết luận, các loại amiăng bao gồm cả amiăng trắng là tác nhân gây ung thư ở người và khuyến nghị cách tốt nhất để phòng chống các bệnh do amiăng gây ra là ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm có chứa chất amiăng. Tháng 6-2006, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng có khuyến nghị, tất cả các loại amiăng đều được phân loại là chất gây ung thư ở người.

Theo TS Nguyễn Văn Sơn - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), từ năm 1990 đến 2014, Việt Nam đã nhập về khoảng 1,75 triệu tấn khoáng chất amiăng độc hại. Nếu gộp cả lượng amiăng đã sử dụng tại Việt Nam những năm trước đó thì lượng amiang đã được sử dụng và tồn tại lên đến gần 2 triệu tấn. Phải khẳng định rằng, amiăng là chất độc, nên cấm sử dụng càng sớm càng tốt. “Với khoảng 2 triệu tấn amiăng trắng đã được sử dụng, số người mắc ung thư biểu mô là khoảng 11.764 người, chưa tính mắc ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng và bệnh bụi phổi amiang” - TS Nguyễn Văn Sơn nói.

Canada là một trong những nước trước đây khai thác, xuất khẩu và hưởng lợi rất nhiều từ amiăng trắng. Hiện nay, Canada chưa cấm việc sử dụng amiăng trắng nhưng quốc gia này cũng đã tuyên bố từ tháng 1-2018 tới sẽ dừng hoàn toàn các hoạt động liên quan đến nguồn tài nguyên này.

Sao không cấm được?

Theo số liệu thống kê từ Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), Việt Nam mỗi năm sử dụng 60-70 nghìn tấn amiăng trắng, chủ yếu để sản xuất tấm lợp fibro xi măng. Do tính chất độc hại nên việc cấm amiăng liên tục đặt ra trong nhiều năm. Cụ thể, năm 1998, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Thông tư liên tịch số 529/1998 cấm sử dụng amiăng nâu và xanh; riêng amiăng trắng được tiếp tục sử dụng với các yêu cầu nghiêm ngặt.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 115/2001 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010, trong đó quy định rõ: Từ năm 2004, không được sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, giữa năm 2004, Chính phủ lại cho phép tiếp tục được sử dụng amiăng trắng. Nhưng đến năm 2008, Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 sẽ ngừng sử dụng amiăng trắng.

Tại tọa đàm, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng cho rằng, việc cấm amiăng từ nhiều năm nhưng tới nay chưa cấm được bởi do các nhóm lợi ích chi phối để trì hoãn. Amiăng độc hại được các tổ chức quốc tế như WHO, ILO đưa ra những nghiên cứu rõ ràng, được nghiên cứu khảo sát trong thời gian rất dài 20-40 năm. Tuy nhiên, họ phủ nhận các kết quả này và bảo phải có nghiên cứu cụ thể tác động của amiăng tại Việt Nam. Nhóm lợi ích cho rằng, amiăng gây ung thư là không rõ ràng vì một nghiên cứu như vậy phải mất thời gian tới 20 năm.

“Chẳng lẽ biết độc hại nhưng chờ nghiên cứu nên 20 năm nữa mới cấm” - TS Trần Tuấn đặt câu hỏi.

Còn theo PGS.TS Nguyễn An Lương - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam, các nhóm ủng hộ amiăng cố tình đưa ra những thông tin, báo cáo khoa học sai lệch để đánh lạc hướng dư luận. Các cơ quan cấp bộ và hiệp hội tấm lợp tổ chức báo cáo khoa học đến từ Hiệp hội Amiăng quốc tế hay tổ chức những đoàn đi tham quan tới Nga và Brasil để ngăn ngừa tác hại của amiăng trắng. Đó là các quốc gia xuất khẩu nhiều amiăng trắng nhất thế giới. Như vậy, thông tin báo cáo khoa học sẽ không khách quan và thiếu chính xác.

Trước những kiến nghị từ các nhà khoa học trong tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội khẳng định, tới nay cần phải có cơ quan trọng tài để phán quyết việc dừng sử dụng amiăng. Hội sẽ kiến nghị lên các bộ, ngành, ban tuyên giáo để làm rõ vấn đề này.

Sử dụng tro, xỉ, nhiệt điện làm vật liệu xây dựng

Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương vừa tổ chức hội thảo “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” tại thành phố Cần Thơ.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, phát triển nhiệt điện than đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng và sản phẩm vật liệu xây không nung.

Song Nguyễn