Vì sao hãng sản xuất điện thoại đắt nhất thế giới đứng bên bờ vực phá sản?

07:46 | 25/07/2017

3,196 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thương hiệu điện thoại Vertu từ lâu vốn gắn liền với sự giàu sang và thành đạt, đã mất đi ánh hào quang của nó. Sau một nỗ lực bất thành trong việc tái cơ cấu khoản nợ 160 triệu USD, nhà sản xuất điện thoại thông minh đắt tiền nhất trên thế giới đứng bên bờ vực phá sản.  
vi sao hang san xuat dien thoai dat nhat the gioi dung ben bo vuc pha san
Một chiếc Vertu có giá từ 10 đến 40 nghìn USD

Trước đây, việc sở hữu chiếc điện thoại Vertu đồng nghĩa với sự sang trọng và thành công trong kinh doanh, bởi giá một chiếc điện thoại này dao động từ 10.000 đến 40.000 USD.

Theo nhiều tờ báo kinh tế ở Anh, ông chủ của Vertu, Murat Hakan Uzan - doanh nhân gốc Thổ Nhĩ Kỳ- đã thất bại trong nỗ lực cứu hãng điện thoại danh tiếng này khỏi nguy cơ phá sản, khi đề nghị trả 2,4 triệu USD trên tổng số nợ 160 triệu USD. Sau thất bại này, hoạt động sản xuất của Vertu ở Anh đã bị dừng, nhà máy đóng cửa, dẫn đến khoảng 200 người mất việc.

Vào tháng 3/2017, ông Murat Hakan Uzan đã mua lại Vertu từ Godin Holdings của Trung Quốc, khi doanh nghiệp này đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Tính từ khi ra đời năm 1998 cho đến nay, thương hiệu Vertu được "chuyền tay" khá nhiều lần. Khởi đầu vào 2012 khi Nokia bán Vertu cho một quỹ tư nhân trong thương vụ trị giá 250 triệu USD. Sau đó, quỹ tư nhân bán lỗ Vertu cho Godin Holdings có trụ sở tại Hong Kong. Trong 18 tháng thuộc sở hữu của Godin Holdings, Vertu chỉ ra mắt đúng một dòng điện thoại di động duy nhất là Vertu Constellation 2017 trước khi về tay doanh nhân người Thổ Murat Hakan Uzan.

Trước khi iPhone ra mắt năm 2007, điện thoại Vertu lại bán rất chạy đặc biệt ở các nước châu Á...

Người sở hữu Vertu, ngoài chiếc điện thoại di động bọc da cao cấp, những họa tiết chế tác thủ công bằng vàng, kim cương hay ngọc, các đường viền cạnh nhôm dùng trong hàng không, mặt kính màn hình sapphire, mặt lưng da rắn... rất tinh xảo, nhưng thường tính năng lại đơn giản, chụp ảnh nhạt nhòa, cấu hình máy không thực sự ấn tượng.

Điểm giúp Vertu có được lượng khách hàng thuộc nhóm siêu sang là các câu lạc bộ và dịch vụ đặc quyền như Vertu Concierge, Vertu Life..., các dịch vụ chuyên biệt hỗ trợ người dùng trên toàn cầu 24/24 các yêu cầu của họ, kể cả thuê du thuyền hay máy bay.

Trong khi các đối thủ nặng ký như Apple và Samsung liên tục tung ra những mẫu mã mới chinh phục thị trường thì Vertu không đưa ra được gì hấp dẫn hơn.

Khi giới doanh nhân nhận ra rằng vẻ bề ngoài hào nhoáng của một chiếc điện thoại không thể sánh bằng tính năng sử dụng của nó, thì cũng là lúc Vertu bắt đầu rơi vào thoái trào.

Theo The Daily Telegraph, ông Murat Hakan Uzan đang có ý định di dời cơ sở sản xuất điện thoại Vertu từ Anh sang Trung Quốc và sẽ cho ra đời một dòng điện thoại thông minh mới được lắp ráp tại Trung Quốc vào cuối năm nay.

Nh.Thạch

Sputnik

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc