Vì sao chưa cho phép tăng giá xăng?

09:49 | 16/09/2011

403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Bộ Tài chính, trong tình hình hiện nay chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu để tránh những tác động tiêu cực.

Chưa cho phép điều chỉnh giá xăng dầu vì tồn tại quá nhiều điều bất hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương trong đó có đề cập vấn đề giá điện và xăng. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, cần thống nhất phải thực hiện điều chỉnh giá điện và xăng theo hướng đủ bù chi phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, thời điểm điều chỉnh phải phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô. Thế nên, trong thời điểm hiện tại, xăng và điện chưa được phép tăng giá.

Bộ Tài chính không cho tăng giá

Tin từ Bộ Tài chính cho biết, trước động thái xin tăng giá xăng, dầu của một số các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như: Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Cty TNHH Một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh, Cty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp về việc điều chỉnh tăng giá xăng, dầu chỉ sau chưa đầy nửa tháng giảm giá. Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bảo đảm việc kinh doanh tiến hành bình thường.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải căn cứ theo diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế – xã hội trong nước hiện nay, trước mắt, chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu, tiếp tục trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bảo đảm việc kinh doanh tiến hành bình thường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới để xử lý các biện pháp bình ổn giá phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh xăng dầu hiện nay và phù hợp với quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Tăng mạnh mẽ, giảm nhỏ giọt, ai nghe được?

Còn nhớ, cuối tháng 3 vừa rồi, giá xăng bỗng nhiên tăng mạnh lên 2.000/lít đã làm cho giá cước vận tải cũng như mọi mặt hàng khác ngay lập tức tăng giá, khiến nhiều lĩnh vực kinh tế biến động mạnh, đời sống của người dẫn bị biến động mạnh. Chính vì vậy, lần giảm giá xăng ngày 26/8 mới đây được người dân đón nhận một cách hờ hững không phải vì họ không quan tâm đến giá xăng mà bởi mức giảm quá ít, giảm cũng như không nên người tiêu dùng xăng có phần hẫng hụt.

Giá xăng kiên trì bám trụ ở mức 21.300 đồng /lít đã từ 5 tháng nay trong khi diễn biến giá xăng dầu thế giới cho thị trường trong nước nhiều cơ hội để giảm giá. Cuối cùng, ngày giá xăng, dầu giảm giá cũng đến nhưng việc giảm lần này thay vì trấn an người dân ngược lại làm không ít người càng tỏ ra bức xúc, gây hiệu ứng ngược.

Chị Hoàng Thị Thủy (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Chúng ta ai cũng mong đến ngày xăng giảm giá, rất nhiều thông tin về giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nhưng Việt Nam chưa hề giảm giá kể từ đầu tháng 6. Lần này chỉ giảm 500 đồng/lít xăng thì thà cứ giữ nguyên giá cho chúng tôi đỡ mất công hi vọng. Tăng thì tăng nhanh, tăng cao cho kịp thị trường, đến khi giảm thì lề mề, lạch bạch như kiểu bố thí. Đợt giảm này thật chẳng bõ”.

Xung quanh vấn đề này, dưới góc nhìn của TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thì việc giảm giá xăng dầu ngày 26/8 là quá trễ và ít so với mức độ giảm giá xăng dầu trên thế giới. "Lẽ ra với mức giảm giá xăng dầu trên thế giới, giá xăng trong nước hoàn toàn có thể giảm được trước đó ít nhất 10 ngày. Khi tăng thì tăng 2.000- 2.800 đồng/lít nhưng đến khi giảm lại chỉ giảm có 500 đồng. Nhiều người dân đã không biết, không ý thức được rằng xăng dầu đã giảm giá bởi sự tác động của việc giảm giá này không rõ ràng”, ông Doanh nói.

Ngoài ra, có không ít ý kiến cho rằng: Trong quãng thời gian (từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 7), có nhiều thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm sâu, giá xăng trong nước có thể giảm nhưng hầu như tất cả các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều không có động thái giảm giá. Và chỉ đến khi dư luận xã hội phản ứng quá "gay gắt” thì những doanh nghiệp này mới chịu giảm… 500 đồng/lít, một con số quá nhỏ bé so với mức tăng 2.000 đồng/lít trước đó.

Ngoài ra, dưới góc độ kinh tế phải nhìn nhận rằng: Mọi biến động dù lớn hay nhỏ của thị trường xăng dầu đều có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học – Đại học Quốc gia Hà Nội: Việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Đặc biệt, sức mua của các hộ nghèo sẽ giảm 1,08%, còn hộ giàu là 1,28%. Ngoài ra, nếu tính cả việc giá gas sẽ tăng theo thì con số này sẽ là 2,2% và 1,9%.

Và nếu nhìn nhận từ nền kinh tế vĩ mô thì trong vòng 6 tháng, mức giá tiêu dùng (CPI) có thể tăng đến 3,67% do hiệu ứng từ tăng giá xăng dầu.

Thanh Ngọc