Đạo diễn Phạm Hoàng Nam:

Vì sao chỉ đáp ứng thị hiếu của khán giả thích… hồi ức?

08:13 | 07/11/2015

534 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Ở nước ngoài, các nghệ sĩ qua thời đỉnh cao vẫn nhiều show, họ vẫn đi diễn đều, dù lượng khán giả của họ thu gọn lại (Westlife, Backstreet Boys, Modern Talking… vẫn biểu diễn). Vì thế, không chỉ Việt Nam hoài cổ, mà thế giới cũng vậy. Nhưng chỉ có điều, song song với thứ âm nhạc đó thì đời sống giải trí của họ còn có sân chơi của các nghệ sĩ đương đại dành cho khán giả trẻ ở những sân vận động lớn. Còn Việt Nam chúng ta thiếu công nghệ biểu diễn, thiếu thị trường dành cho những đối tượng ấy nên chưa làm được” - đạo diễn Phạm Hoàng Nam cùng Năng lượng Mới bàn về chuyện… hồi ức và thị trường giải trí.

Thực ra là… lỗi thuộc về công nghệ

- Mới đây, hàng trăm bạn trẻ Việt Nam kéo sang Thái Lan xem show biểu diễn của Maron 5, và mấy năm gần đây, việc khán giả Việt Nam đi Sing, đi Thái xem ca nhạc đã trở thành chuyện thường. Anh nghĩ gì về thực trạng đó và theo anh Việt Nam đã làm được gì, và làm được đến đâu trong việc phục vụ cho khán giả tại quê nhà?

- Tôi muốn làm rõ vài vùng khái niệm, festival và show diễn rất khác nhau. Festival là nơi tất cả các nghệ sĩ tụ lại để giới thiệu dự án mới, còn các show diễn của những nghệ sĩ đi tour thì mang tính thương mại rất nhiều, và thường nó đã được đảm bảo bằng những cái tên bán vé, nó chỉ đòi hỏi về điều kiện kỹ thuật là có thể thực hiện. Và việc đó thành bại là do sự tính toán của các ông bầu, theo cách “lời ăn lỗ chịu”. Còn Monsoon Music Festival là một chương trình, một sự kiện xã hội, nó phải chịu rất nhiều sự kiểm duyệt và hoạt động theo cách hòan toàn khác, chi phối dưới một cách thức sản xuất khác.

Tại Việt Nam gần đây chúng ta đã tổ chức được một số show ca nhạc mời những nghệ sĩ tên tuổi thế giới đến Việt Nam. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc phổ cập và cập nhật văn hóa đến với công chúng trong nước.

vi sao chi dap ung thi hieu cua khan gia thich hoi uc
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam

- Nhưng anh thấy, hầu hết những nghệ sĩ chúng ta mời được gần đây đều là những tên tuổi đã nổi tiếng từ hàng chục năm trước. Thậm chí, có người còn cho rằng, chúng ta đang có “cuộc lên đồng” của ký ức sau khi theo dõi hàng loạt sự kiện văn nghệ gần đây ở thủ đô?

- Tôi đồng ý, âm nhạc của Richard Claydeman, của Peabo Bryson hay Kenny G gần đây đều là những ngôi sao đã qua thời đỉnh cao, nhưng vẫn có giá trị nhất định. Bằng chứng là, họ vẫn là những nghệ sĩ có lịch diễn đều đặn ở khắp nơi trên thế giới.

vi sao chi dap ung thi hieu cua khan gia thich hoi uc
Kenny G biểu diễn ở Việt Nam

Còn việc chúng ta không mời được những ngôi sao đương đại đến Việt Nam, nó có một lý do rất quan trọng, đó là sự hạn chế về công nghệ biểu diễn. Ở một đất nước phát triển và văn minh họ có các nhà cung cấp và có điều điều kiện tổ chức những show diễn quy mô. Ở đó, các công ty đầu tư trang thiết bị thường có sẵn nên việc tổ chức các show diễn dễ dàng hơn về kỹ thuật, thêm vào đó là tận dụng được lợi thế này nên giá thành vé bán đến khán giả sẽ rẻ hơn.

Ở Việt Nam công nghệ biểu diễn rất yếu, nên nếu mời các band nhạc tầm cỡ sang, thì công nghệ biểu diễn của mình cũng phải mang từ bên ngoài sang hết. Kinh phí tổ chức show diễn theo đó sẽ bị đội lên, giá vé theo đó bị đội lên cao.

Còn việc sống bằng hồi ức mà bạn đề cập đến có thể phân tích thế này: Mục tiêu của các chương trình mời những nghệ sĩ gạo cội đã qua thời đỉnh cao đến Việt Nam là để phục vụ lớp khán giả tạm thời có tiền - họ thường là những người đã thành đạt, cộng thêm cát sê của các nghệ sĩ đã qua thời nổi tiếng cũng được hạ xuống. Hai yếu tố đó gặp nhau biến thành cái gọi là sự kiện của hồi ức.

Việc chúng ta chưa mời được nhóm nhạc đương đại sang để phục vụ khán giả trẻ hơn, bởi vì các nhóm đang “hot” giá cát sê thường đắt, khán giả muốn xem lại chưa phải đối tượng thực sự làm ra tiền. Nhà sản xuất nhìn  vào thực tế đó biết rõ câu chuyện lỗ - lãi. Và nếu tính bài toán thương mại, các ông bầu sẽ không làm.  Thực tế, đa số chương trình mời nghệ sĩ lớn về Việt Nam đều là chương trình của các nhãn hàng làm thương hiệu. Thành ra những thứ diễn ra thoạt tiên cho ta cái nhìn tưởng như chúng ta thích hoài cổ, nhưng thực tế là điều kiện đã tạo thành bức tranh ấy.

- Nhưng dẫu sao thì những sự kiện dù là níu kéo “hồi ức” ấy cũng làm đựơc đôi ba việc. Anh đánh giá thế nào về việc này?

- Ở nước ngoài, các nghệ sĩ qua thời đỉnh cao vẫn nhiều show, họ vẫn đi diễn đều, dù lượng khán giả của họ thu gọn lại (Westlife, Backstreet Boys, Modern Talking… vẫn biểu diễn). Vì thế, không chỉ Việt Nam hoài cổ, mà thế giới cũng vậy. Nhưng chỉ có điều, song song với thứ âm nhạc đó thì đời sống giải trí của họ còn có sân chơi của các nghệ sĩ đương đại dành cho khán giả trẻ ở những sân vận động lớn. Còn Việt Nam chúng ta thiếu công nghệ biểu diễn, thiếu thị trường dành cho những đối tượng ấy nên chưa làm được.

Vì thế, thực ra không phải mình đi theo trào lưu mà mình mới chỉ phục vụ được một nhóm khán giả ưa hoài niệm. Và chúng ta chưa phục vụ được nhóm khán giả đương đại và nhóm khán giả của tương lai. Điều này cũng chỉ ra một thực trạng, ở Việt Nam môi trường âm nhạc và các quan hệ showbiz mới bắt đầu manh nha, chúng ta mới bắt đầu có những mối kết nối với thế giới, và chúng ta mới bắt đầu có những sự kiện mời nghệ sĩ quốc tế về.

- Nhưng anh có tiếc, khi thấy khán giả Việt cứ mãi phải “bay show”?

- Tôi cho rằng đó là điều các nhà tổ chức trong nước phải suy nghĩ. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn sự việc một cách sòng phẳng là, khán giả có thể bỏ ra ngàn đô để xem Maron 5, nhưng nếu đưa Maron 5 về Việt Nam thì khán giả phải chi 2000 đô mới đủ, mà như thế thì chi phí cao quá. Chưa kể, bay xem show khán giả còn kết hợp đi du lịch và có cảm giác mới lạ khác. Vì thế, ở thời điểm này, kể cả chi phí tương đương nhau, thì khán giả sẽ chọn xem Maron 5 ở Thái Lan chứ không phải Việt Nam, và đó là điều cực kỳ thiệt thòi cho những nước nhà.

vi sao chi dap ung thi hieu cua khan gia thich hoi uc
Maroon 5 biểu diễn tại Singapore

- Việc các anh cùng nhau làm Monsoon Music Festival, anh nghĩ nó có đóng góp thế nào vào sự phát triển lành mạnh hơn của thị trường giải trí ở Việt Nam?

- Bao nhiêu năm nay làm việc trong showbiz để kiếm sống, chúng tôi vẫn luôn dành thời gian và và tâm sức để mong muốn thực hiện được các show diễn có chất lượng, vì cũng chỉ muốn showbiz vận động một cách đúng hướng và lành mạnh hơn. Đã nhiều nhà đầu tư trong nước mạnh dạn mua sắm để bước đầu phục vụ được các show diễn có quy mô. Chẳng hạn đồ dùng cho Monsoon chúng tôi đều dùng đồ do các nhà cung cấp tại Việt Nam. Vậy là dù chậm chúng ta vẫn phải đi và từ từ chúng ta sẽ có đủ điều kiện phục vụ cho các nghệ sĩ  đẳng cấp hơn.

Về âm nhạc có nhiều loại show khác nhau, như festival thì chỉ thuần túy là âm nhạc, còn các show như của Maron 5 và các ban nhạc khác thì nó kết hợp visual (hiệu ứng thị giác) rất nhiều. Vì vậy, những phương tiện đó nó đòi hỏi công nghệ mới đắt vô cùng. Đó cũng chính là lý do chúng ta chưa đủ sức tạo ra chương trình mời được các nghệ sĩ đương đại.

Và chuyện làm festival âm nhạc ở Việt Nam

- Với tư cách một người mới giữ vai trò cốt cán tại Monsoon Music Festival, anh đánh giá thế nào về tầm quan trọng của một lễ hội âm nhạc?

- Tiêu chí chung của Festival là giới thiệu dự án mới. Thường trong festival bao giờ cũng pha trộn ngôi sao để thu hút khán giả, bên cạnh những dự án có thể kén người nghe. Nhưng chắc chắn, âm nhạc của festival ưu tiên tính mới mẻ và sự phá cách cũng như tôn trọng những sáng tạo khác biệt, miễn nó đẹp. Monsoon Music Festival năm 2014 mời các diva, năm nay thay vào đó là những ngôi sao trẻ. Họ cùng với các ngôi sao quốc tế đến từ khắp nơi, với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau sẽ giới thiệu đến khán giả bộ mặt âm nhạc toàn diện nhất. Tôi nghĩ, giá trị của một festival âm nhạc mang lại chính là bộ mặt âm nhạc đa dạng, nhiều màu sắc. Đây cũng là cách giúp khán giả tiếp cận với âm nhạc ở nhiều góc khác nhau.

- Một festival muốn tồn tại được dài lâu, theo anh nó cần yếu tố tiên quyết là gì?

- Đó là, phải tồn tại được bằng bán vé.

- Việc này ở Việt Nam có khả quan không, theo anh?

- Nếu muốn tổ chức được một festival âm nhạc chuyên nghiệp thì giá vé nằm trong một chiếc lược hết sức quan trọng. Ý thức về việc mua vé ở Việt Nam so với các festival âm nhạc thế giới còn quá xa nhau. Chẳng hạn festival âm nhạc ở Ðan Mạch họ bán giá vé rất cao, nhýng ngýời không có nhiều tiền vẫn có thể tham gia vào chýõng trình, bằng cách đổi ngày công lao động tình nguyện. Chẳng hạn một festival âm nhạc ở Đan Mạch phục vụ cho 100 ngàn khán giả, họ có tới 25 ngàn tình nguyện viên, ban tổ chức chỉ có 6 người. 25.000 khán giả đó không được trả lương, họ được trả công bằng vé. Như vậy trong 100 người chỉ có 75 người phải mua vé, 25 người còn lại lấy vé bằng công sức lao động. Họ làm tất cả mọi việc để lấy vé vào xem chương trình. Cách tổ chức đó rất hay, và quy mô chương trình ngày càng lớn. Nó cũng là cách bù lỗ rất hữu hiệu.

Năm nay Monsoon cũng bắt đầu có tình nguyện viên, nhưng các tình nguyện viên còn chưa nhiều, vì họ chưa ý thức được việc đó, và cũng một phần chúng ta chưa làm cho họ hào hứng với tấm vé họ có thể đổi được bằng ngày công lao động.

- Anh rành rẽ về nhiều chuyện, nhưng tại sao giờ anh lại chọn cách đứng lùi lại phía sau?

- Thực ra, cái thời để đứng ra phía trước, đối với tôi đã qua lâu rồi. Bây giờ nếu làm được gì cho các bạn vui vẻ, vẫn duy trì ngôn ngữ để có thể kết nối và hiểu giới trẻ thì tôi cho rằng, mình có lùi lại nhưng mình không tụt hậu. Tôi còn nhớ đã gặp cô bé Tóc Tiên lúc 14 tuổi, khi mẹ đưa đi quay, giờ thì Tóc Tiên đã thành ca sĩ tỏa sáng, gặp nhau Tiên vẫn nói: Chú Nam. Ngày hôm nay mình vẫn làm việc được với Tóc Tiên, nghĩa là mình vẫn giữ được tư duy không bị xa với bạn trẻ. Vì thế chọn đứng đâu không nói lên nhiều về chuyện bạn đang là ai.

- Anh đã làm thế nào để giữ được cho mình không tụt hậu?

- Điều đầu tiên là mình không được làm cho mình chán mình, trước khi người khác chán mình. Điều thứ hai là, mình luôn luôn lấy được cảm hứng. Cảm hứng ấy mình có được qua những chuyến đi, những thông tin mình thu nạp, và phần rất quan trọng đến từ hai đứa con của mình. Nếu mình muốn suy nghĩ kiểu trẻ thì cứ hỏi con mình. Hiện một bạn đang 23, một bạn 18 và đều đang học ở Cannada.

- Rõ ràng, về công nghệ như anh nói, Hà Nội thiếu đủ thứ, nhưng tại sao các show độc, lạ lớn đều diễn ra ở thủ đô?

- Theo tôi, tính thương mại của Sài Gòn lớn nên nhà đầu tư phía Sài Gòn thường nhìn vào tính thương mại trước mắt, ít chấp nhận rủi ro cho nên, những dự án dài hơi khó xảy ra ở Sài Gòn. Còn Hà Nội thì đúng là mảnh đất của những thứ sáng tạo và mới mẻ. Ví dụ như nhà đầu tư vở Ionah là một người đam mê sân khấu kỳ lạ, anh ấy đã đi xem không thiếu một show nào trên thế giới. Sự đam mê kỳ lạ của anh ấy giúp cho chúng tôi được cổ vũ rất nhiều trong quá trình thực hiện. Những đam mê ấy luôn rất cần, vì mọi công việc của sáng tạo đều bắt đầu từ những sự “điên rồ” một cách đáng trân trọng như thế.

- Anh đã tạo ra được cả một nhà hát, đứng tên những show diễn lớn nhất ở Việt Nam, đến nay anh còn ước mơ nào anh sắp thực hiện?

- Tôi được may mắn là mọi ước mơ của mình đều có người trả tiền cho làm. Người làm nghệ thuật có sự sung sướng là, mình có ước mơ và có người trả tiền cho mình làm, vì vậy chẳng tội gì mình không ước mơ. Cho dù, có những ước mơ mình bán nó mà mình không được tiền, nhưng nó vẫn thành hiện thực. vậy mới hạnh phúc.

Và điều vui nhất là, tôi đã đào tạo được một đội ngũ kế cận để càng ngày ước mơ của mình càng lan tỏa. Chẳng hạn mình vẫn ngồi một chỗ mà những dự án mang tên mình vẫn chạy được như chung kết Hoa hậu Hoàn vũ, Tuần lễ thời trang Việt Nam…

Thanh Huyền (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.