Vì sao châu Âu phản đối dự luật trừng phạt Nga của Mỹ?

13:51 | 02/08/2017

1,202 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dường như chưa bao giờ người ta thấy châu Âu lại giận dữ với Mỹ như vậy…   

Dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga, Iran và Triều Tiên đã được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua, với sự ủng hộ rộng rãi của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Nếu Tổng thống Donald Trump đặt bút ký duyệt văn bản trên, các biện pháp trừng phạt đối với Nga mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama 2 năm trước đã áp dụng sẽ trở thành luật.

Ngay từ trước khi dự luật này được Hạ viện Mỹ phê duyệt, nước Đức - “đầu tàu” châu Âu đã “dắng” trước với đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương rằng, dự luật của Mỹ hàm chứa mối đe dọa với nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu. Nay thì cả Liên minh châu Âu (EU) cũng công khai tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ, nếu Washington ban hành lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga và lệnh trừng phạt này đụng chạm đến quyền lợi của các công ty châu Âu, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của châu lục này.

vi sao chau au phan doi du luat trung phat nga cua my
Nord Stream 2 được nêu tên cụ thể trong dự luật của Mỹ như một mối đe dọa đối với độc lập về năng lượng của châu Âu

Sự bất bình của EU chủ yếu tập trung ở chỗ, dự luật này trao quyền cho Tổng thống Mỹ xử phạt bất kỳ công ty nào cung cấp công nghệ, dịch vụ, đầu tư hoặc có bất kỳ sự hỗ trợ nào cho các dự án đường ống xuất khẩu năng lượng của Nga. Điều này có những hệ lụy nguy hiểm đối với các công ty châu Âu là đối tác của đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Nga tới Đức, bao gồm: Engie của Pháp, Shell của Anh - Hà Lan, OMV của Áo, Uniper và Wintershall của Đức… Ngoài ra, dự luật cũng tạo ra mối đe dọa đối với các công ty châu Âu đang hợp tác ở các dự án đường ống khác của Nga, như Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là dự án nâng cấp hệ thống đường ống cũ chạy qua Ukraine.

Đặc biệt, Nord Stream 2 được nêu tên cụ thể trong dự luật của Mỹ như một mối đe dọa đối với sự độc lập về năng lượng của châu Âu, tác động xấu đến an ninh năng lượng của EU, sự phát triển của thị trường khí đốt ở Trung và Đông Âu, cũng như cải cách năng lượng ở Ukraine. Dự luật khuyến nghị Chính phủ Mỹ nên thúc đẩy những nỗ lực chống lại việc xây dựng đường ống Nord Stream 2. Quan điểm này thực ra rất gần gũi với quan điểm của một số nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, nhưng không phải là quan điểm của đại đa số các nước EU cần nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ qua đường ống.

EU có thể sẽ thuyết phục được Mỹ có một số sửa đổi quan trọng trong dự luật trước khi nó được ban hành, nhưng người châu Âu vẫn có lý do chính đáng để lo lắng về dự luật, kể cả khi nó được sửa đổi. Bởi, có thể thấy, việc dự luật của Mỹ nhắm vào các dự án năng lượng của Nga sang châu Âu là một mũi tên trúng nhiều đích. Một trong những đích đến đó là muốn tăng cường xuất khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ sang châu Âu để thay thế cho khí đốt xuất khẩu qua đường ống của Nga. Đó là vì lợi ích thương mại của Mỹ, chứ không phải lợi ích của châu Âu.

Cũng như Đức, Áo, người châu Âu đang không tin tưởng vào sự đảm bảo của ông Trump rằng: “Mỹ sẽ không bao giờ sử dụng năng lượng để ép buộc các quốc gia khác và cũng không cho phép người khác làm như vậy”. Nhà độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga - Gazprom cần thị trường châu Âu nhiều như châu Âu cần khí đốt của Nga. EU đã trải qua một thời gian đấu tranh lâu dài và đã khiến Nga mềm dẻo hơn trong các giao dịch khí đốt với họ và điều mà EU không cần bây giờ chính là những nỗ lực của Mỹ nhằm áp đặt sản phẩm của riêng mình, đắt hơn, trên thị trường của châu Âu.

vi sao chau au phan doi du luat trung phat nga cua my

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncler ngày 26-7 tuyên bố: “Nếu mối quan tâm của EU không được tính đến đầy đủ, chúng tôi sẵn sàng hành động đúng cách trong vài ngày tới. “Nước Mỹ là trước hết” không thể có nghĩa là lợi ích của châu Âu được đặt sau cùng”.

Theo Reuters, EU đã có kế hoạch tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho các mối quan ngại về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga, nhưng sẵn sàng đệ trình khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu mối quan tâm của họ không được lắng nghe. EU cũng có kế hoạch sử dụng một quy định của EU cho phép khối có thể bảo vệ các công ty của mình chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Hầu hết các biện pháp mà EU có thể thực hiện sẽ đòi hỏi sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên trong khối.

Các kịch bản trả đũa Mỹ của EU

vi sao chau au phan doi du luat trung phat nga cua my
Đại diện thường trực của Nga tại EU ông Vladimir Chizhov

Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya’24, đại diện thường trực của Nga tại EU, ông Vladimir Chizhov hôm 27-7 cho biết, Nga đã làm rõ với Liên minh châu Âu quan điểm của Moskva về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga. Moskva cũng đặc biệt thông báo cho Brussels những hậu quả xuất phát từ dự luật trừng phạt Nga.

Ông Chizhov tuyên bố: “Sự hợp tác trong tương lai giữa chúng tôi và EU sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Brussels với lệnh trừng phạt của Mỹ”.

Theo ông Chizhov, Liên minh châu Âu đang xem xét thực hiện một số biện pháp để đáp trả việc Mỹ mở rộng các biện pháp chế tài chống Nga, như: Tuyên bố rằng sắc luật trên của Mỹ không có hiệu lực trong Liên minh châu Âu; ngừng cho các công ty Mỹ vay vốn từ các ngân hàng châu Âu.

Linh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc