Vì sao Ấn Độ trục xuất 3 nhà báo Trung Quốc?

14:22 | 25/07/2016

1,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 24/7, ba nhà báo Trung Quốc làm việc cho hãng tin Tân Hoa Xã bị yêu cầu rời khỏi Ấn Độ. Những nhà báo này bị trục xuất vì hết hạn visa hay vì bị nghi ngờ hoạt động tình báo?
tin nhap 20160725142104
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ấn Độ Modi (phải)

Theo báo chí chính thống Ấn Độ, ba nhà báo Trung Quốc làm việc cho Tân Hoa Xã tại Ấn Độ phải rời nước này khi thời hạn thị thực nhập cảnh của họ chấp dứt trong vài ngày tới mà không được chính quyền Ấn Độ gia hạn.

Nhà chức trách Ấn Độ nói rằng Tân Hoa xã có thể gửi người khác đến, Ấn Độ không có ác cảm nào với Tân Hoa xã mà đơn giản chỉ vì những nhà báo này đã hết hạn thị thực.

Tuy nhiên, theo Asian Age, nhật báo bằng tiếng Anh của Ấn Độ, quyết định trục xuất 3 nhà báo cấp cao thuộc hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc do "những quan ngại" từ cơ quan tình báo.

Ba nhà báo nói trên gồm: Ông Wu Qiang, trưởng chi nhánh Tân Hoa Xã ở New Delhi, cùng hai đồng nghiệp tại Mumbai là Lu Tang và She Yonggang.

Asian Agae dẫn nguồn tin của cơ quan tình báo Ấn Độ nói rằng, những người này đã sử dụng danh tính của người khác để có thể đi tham quan các cơ sở hạn chế người nước ngoài của Ấn Độ. Ba người này phải rời khỏi Ấn Độ trước ngày 31/7 tới và thị thực của họ sẽ bị nhà chức trách Ấn Độ hủy bỏ.

Cụ thể theo Asian Age, các nhà báo trên đã tiếp xúc với những nhà hoạt động Tây Tạng lưu vong sống ở miền Nam Ấn Độ, và điều này là một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa New Dehli và Bắc Kinh.

Hiện nay quan hệ giữa hai quốc gia đang khá căng thẳng sau khi Trung Quốc từ chối chấp nhận Ấn Độ gia nhập nhóm các nhà cung cấp thiết bị hạt nhân, họp ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc hồi tháng sáu vừa qua.

Ngoài ra còn hai chuyện gây khó khăn trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc nữa là Ấn Độ cho phép chính phủ lưu vong của Tây Tạng đóng trên đất nước mình, trong khi Hoa Lục lại cho rằng Tây Tạng là lãnh thổ thuộc về Trung Quốc và những người Tây Tạng lưu vong, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma là những phần tử ly khai.

Chuyện thứ hai là biên giới tại vùng núi Hymalaya giữa hai nước vẫn chưa được hai bên chấp nhận, sau cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1962 mà quân đội Trung Quốc kiểm soát được một diện tích đất đai khá lớn mà Ấn Độ cho là của mình.

Tuy nhiên hai bên dường như cũng tránh không để xảy ra các vụ va chạm trên đường biên giới hiện nay.

Đây là lần đầu tiên mà Ấn Độ trục xuất nhà báo Trung Quốc theo cách trên. Tân Hoa xã là hãng thông tấn nổi tiếng nhất Trung Quốc, là cơ quan phát ngôn của chính quyền nước này.

Tân Hoa Xã đã xác nhận về thông tin trên, trong khi bộ Ngoại giao Ấn Độ và đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ chưa đưa ra bình luận gì.

Th.Long

AP, AFP, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc