Vì mục tiêu sản xuất 36 triệu tấn than

10:38 | 24/02/2017

533 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo doanh thu, việc làm và thu nhập cho người lao động trong năm 2017.

Tăng doanh thu 6%

Năm 2017, TKV đặt chỉ tiêu khai thác 36 triệu tấn than, đồng thời giảm lượng tồn kho về dưới 8 triệu tấn, nỗ lực tiết giảm các khoản chi phí nhằm đạt doanh thu tăng 6% so với năm 2016, lợi nhuận đạt khoảng 1.000 tỉ đồng gắn với nâng cao quản trị tài nguyên và bảo đảm an toàn lao động.

Để đạt được mục tiêu này, theo Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, trước hết để có được một bộ máy tinh gọn nhưng hoạt động hiệu quả từ cơ quan quản lý điều hành Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, Tập đoàn đang tiếp tục xây dựng, triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Trong năm nay, TKV tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện của Tập đoàn để tăng năng suất lao động, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng cao mức độ an toàn.

vi muc tieu san xuat 36 trieu tan than
Cán bộ, công nhân Công ty Than Thống Nhất

Ngoài việc triển khai các giải pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn lao động là mục tiêu số một thì vấn đề giữ gìn uy tín của lãnh đạo các đơn vị thành viên và Tập đoàn, nhất là trong môi trường truyền thông số như hiện nay cũng phải được đặc biệt quan tâm, kinh doanh đảm bảo an toàn về vốn. Đồng thời đổi mới là trọng tâm nhất. Trong đó, trọng tâm là đổi mới về công nghệ: cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác hầm lò, lộ thiên; tự động hóa trong khâu sàng tuyển chế biến; thông minh hóa, tin học hóa trong điều hành. Thêm nữa là đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế khoán, đổi mới về cơ chế chính sách cho đồng bộ, trong đó cơ chế phải quan tâm đầu tiên là các cơ chế, chính sách để chăm lo ngày càng tốt hơn đến đời sống của người lao động, nhất là lực lượng thợ lò.

Bên cạnh đó, TKV sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế quản lý, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là công tác quản lý tài nguyên, quản trị chi phí, quản trị đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất than (đặc biệt là các dự án than hầm lò) để thực hiện tốt quy hoạch phát triển ngành đã được Chính phủ phê duyệt và đảm bảo tiến độ các dự án than, điện, khoáng sản, luyện kim, hóa chất, cơ khí quan trọng...

Lạc quan về thị trường tiêu thụ

Năm 2016 TKV gặp khó về mọi mặt, từ việc khắc phục hậu quả thiên tai tới việc thị trường tiêu thụ bị sụt giảm, giá các loại khoáng sản xuống thấp, sắp xếp lại lao động để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, điều kiện khai thác gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 đã có những lạc quan.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2017 nhu cầu tiêu thụ than đá toàn cầu sẽ “đuổi kịp” nhu cầu tiêu thụ dầu, với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 4,32 tỉ tấn than và 4,4 tỉ tấn dầu. Nguyên nhân chủ yếu của sự thay đổi này là thị trường dầu mỏ đang ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro và biến động, trong khi đó, than đá là một mặt hàng “an toàn” hơn nhiều.

Một tín hiệu đáng mừng là, nhu cầu từ hai quốc gia đang đặt mục tiêu phát triển công nghiệp nặng lên hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ đang không ngừng tăng lên. Giá than của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2016 liên tục đạt đỉnh mới: Giá than cốc thời điểm thấp nhất đầu năm 2016 là 558 NDT/tấn, đến tháng 10-2016 lên đến 1.765 NDT/tấn (khoảng 261USD), tăng hơn 200%. Năm 2017, giá than tại thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng cao do nhu cầu sử dụng than cung ứng cho phát điện vào mùa đông, cũng như khởi động các lò sưởi nhiệt tăng cao. Thêm vào đó, chỉ số công nghiệp của Trung Quốc cũng đang ấm trở lại, kéo theo nhu cầu sử dụng than cho ngành này cũng tăng lên.

Đây thực sự là một tín hiệu mừng cho ngành than Việt Nam sau những khó khăn trong thời gian qua. Thị trường trong nước cũng đang có những chuyển biến tích cực, hàng loạt những dự án nhiệt điện đã hoàn thành và bắt đầu đưa vào hoạt động, hứa hẹn là những “điểm nóng” tiêu thụ than, đem lại doanh thu lớn. Chính thị trường nội địa đã đóng vai trò “cứu tinh” cho ngành khai thác trong thời điểm giá than thế giới giảm mạnh. Nhìn chung, trong thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó tổng giám đốc TKV cho biết: Để giảm lượng than tồn kho, vừa qua Chính phủ đã chính thức cho phép Tập đoàn tăng sản lượng xuất khẩu đối với các loại than chất lượng cao, mà hiện tại thị trường nội địa chưa có nhu cầu hoặc có nhu cầu rất thấp theo giai đoạn 2017-2020. Tập đoàn sẽ căn cứ vào tình hình sản xuất, tỷ lệ cung - cầu để cân đối xuất khẩu. Riêng năm 2017, để giảm áp lực tồn kho, TKV sẽ xuất khẩu 2 triệu tấn than đá có nhiệt lượng cao tại khu vực Vàng Danh, Nam Mẫu. Bên cạnh ký kết hợp đồng tiêu thụ với đối tác nước ngoài, thị trường tiêu thụ trong nước đã có dấu hiệu tốt trở lại.

Trên thực tế, ngay trong tháng 1-2017, các công việc đã được triển khai tích cực. Tập đoàn tiếp tục hoàn thành việc ký hợp đồng mua bán than năm 2017 với các khách hàng mua than ở thị trường trong và ngoài nước, các hợp đồng bảo hiểm và vận tải than. Đẩy mạnh công tác bán hàng để tăng tối đa khối lượng hàng bán. Chuẩn bị trao đổi hợp đồng dài hạn xuất khẩu than ký kết với các khách hàng thép Nhật Bản…

Nguyễn Kiên