Vì đâu biển Đông dậy sóng?

08:35 | 05/06/2011

733 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề gây nhức nhối nhất tuần qua, làm phẫn nộ không chỉ ở Việt Nam mà còn trong dư luận quốc tế, đó là việc tàu đánh cá của Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải, phá hoại phương tiện hàng hải và nổ súng uy hiếp ngư dân Việt Nam. Dầu mỏ đang được cho là nguyên nhân của tất cả những hành động này...

Trung Quốc đang cố tình đi ngược lại 16 chữ vàng trong quan hệ với Việt Nam.

Lật lại toàn bộ những hành động của Trung Quốc những ngày gần đây cho thấy phía Trung Quốc đã cố tình tung ra những tàu hải giám có sức mạnh ngang ngửa với tàu hải quân hiện đại để chống phá, uy hiếp và đe dọa tính mạng của người dân Việt Nam trên chính lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 1/6, 3 tàu quân sự của Trung Quốc đã dùng súng uy hiếp tàu cá PY 92305 TS của ngư dân tỉnh Phú Yên trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Không lâu trước đó, ngày 26/5, 3 tàu hải giám của Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi tàu Bình Minh đang khảo sát địa chấn trong vùng nước mà Việt Nam có chủ quyền. Việc này khiến Việt Nam phải phản ứng gay gắt.

Dầu mỏ đang là lý do khiến Trung Quốc làm biển Đông dậy sóng

Trong 3 tàu hải giám Trung Quốc (số hiệu 84, 17 và 72) xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, phá hoại hải trình khoa học, cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thì hải giám 84, mới hạ thủy hồi cuối năm ngoái và gia nhập lực lượng hải giám được khoảng 20 ngày; còn chiếc mang số 17 cũng vừa hạ thủy vào đầu tháng 4 vừa qua. Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đã tung ra Biển Đông những phương tiện hàng hải hiện đại và không chỉ xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam mà còn đe dọa con đường hàng hải quốc tế trong khu vực và thế giới.

Ngay sau hàng loạt các sự việc nói trên xảy ra, ngày 2/6,đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối việc lực lượng hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhấn mạnh hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.

Xâm phạm lãnh hải Việt Nam rành rành nhưng phía Trung Quốc lại viện dẫn luận điệu "đường lưỡi bò” để tự cho mình cái quyền đi vào lãnh thổ Việt Nam mà không cần xin phép

Đáng nói là hàng loạt các hành động ngang ngược và đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong lãnh thổ Việt Nam, trong vùng biển Đông của khu vực Đông Nam Á khiến cho “Biển Đông thực sự dậy sóng”, của phía Trung Quốc lại diễn ra ngay trước thời điểm Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-la 10) với sự tham dự của các đại diện đến từ 28 quốc gia trên thế giới.

Là nơi quy tụ đại diện của 28 quốc gia, “Đối thoại Shangri-la” được coi là diễn đàn an ninh quan trọng nhất của châu Á – Thái Bình Dương. Đối thoại Shangri-la lần thứ 10 diễn ra trong bối cảnh bầu không khí ở Đông Nam Á đang nóng với các tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng.

Chính vì vậy, trong ngày mai 5/6, Đối thoại Shangri- la 10 sẽ thảo luận về sự hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc, phản ứng trước những mối đe dọa an ninh đường biển, xây dựng lòng tin chiến lược và làm sao tránh xung đột tồi tệ nhất.

Đến thời điểm này, không chỉ có Việt Nam đang phải ra sức bảo vệ chủ quyền về mặt lãnh thổ và lãnh hải đối với Trung Quốc mà trong hai tháng qua, Philippines cũng nhiều lần phản đối các hành động của Trung Quốc trong vùng nước mà Manila nói là thuộc chủ quyền của họ.

Hôm 2/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III còn tuyên bố Manila sẽ nộp đơn phản đối lên Liên Hợp Quốc (LHQ) về một loạt vụ xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh hải quốc gia Đông Nam Á này. Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Aquino cho rằng từ hôm 25/2, Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Philippines trên Biển Đông ít nhất 6 hoặc 7 lần, trong đó có việc đặt các trụ thép và phao gần bãi ngầm Amy Douglas hồi tháng trước.

Vì sao Trung Quốc vẫn cố tình ngang ngược xâm phạm vào lãnh hải Việt Nam dù Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kiên quyết phản đối?.

"Lý do dầu mỏ” đang được nhiều nhà khoa học tính toán đến. Hành động thực tế của phía Trung Quốc cũng buộc chúng ta phải nghĩ đến vấn đề dầu.

Thiếu tá Nguyễn Quang Huy, thuyền trưởng tàu Trường Sa 20, một trong 8 tàu bảo vệ tàu Bình Minh 02 cho biết, hai ngày sau khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02, ngày 28/5 một máy bay do thám của Trung Quốc đã lượn nhiều vòng ở khu vực tàu Bình Minh 02 đang khảo sát, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 64 hải lý về phía Đông.

"Đội lốt” phi quân sự nhưng các tàu Hải giám, tuần ngư của Trung Quốc được trang bị vũ khí tối tân không kém các tàu quân sự hiện đại

Còn ông Nguyễn Hồng Quân, Thuyền trưởng tàu VT7739 đã trực tiếp xua đuổi ba tàu hải giám Trung Quốc hôm 26/5 cho biết: Liên tục hai ngày sau, xuất hiện tốp tàu cá Trung Quốc gồm 5 chiếc chạy xung quanh vùng hoạt động của tàu Bình Minh 02. Các tàu bảo vệ phải liên tục cảnh báo, xua đuổi để bảo đảm cho tàu Bình Minh 02 hoạt động an toàn.

Bằng luận điệu "đường lưỡi bò” hay còn gọi "chữ U” và "đường 9 đoạn” không được thế giới công nhận để yêu sách về chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc đang cố tình đánh tráo khái niệm để lừa dối dư luận trong nước và quốc tế khi biến vùng biển chủ quyền của Việt Nam thành vùng biển tranh chấp. Nhưng, có một sự thật khác không thể chối cãi là vị trí 3 tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên của Việt Nam 120 hải lý; trong khi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 500 hải lý. Tương tự, tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở vùng biển có tọa độ 8 độ 56 phút vĩ Bắc, 112 độ 45 phút kinh Đông, cách đảo Đá Đông (thuộc quần đảo Trường Sa) chỉ khoảng 5 hải lý về phía Đông. Cả hai điểm này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vùng nước này cũng không thuộc vùng chồng lấn với bất cứ vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa nào của bất cứ quốc gia nào.

Từ năm 1945, khi Việt Nam tuyên bố độc lập chủ quyền, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã là một phần không thể tách rời của Việt Nam. Việc cố tình đi ngược lại chân lý, đi ngược lại với luật pháp quốc tế của Trung Quốc chứng tỏ rằng Trung Quốc đang đi ngược lại với con đường của xã hội văn minh, hiện đại, đi ngược lại chính những gì Trung Quốc đang muốn thể hiện là một nước lớn, tôn trọng chủ quyền của nước khác, theo cái kiểu "láng giềng hữu nghĩ, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc