Vì an toàn của trẻ ở chung cư

10:28 | 01/07/2017

1,686 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, tại chung cư New Skyline (phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) một bé trai 5 tuổi đã tử vong do rơi từ tầng 17 xuống đất. Vụ việc như một hồi chuông cảnh tỉnh cho sự lơ là của các bậc cha mẹ tại các chung cư cao tầng.

Hiểm họa rình rập

Bên cạnh những lợi ích có được cho cư dân ở chung cư thì điều lo lắng nhất của người lớn đó là sự mất an toàn của con em mình.

Không ít những vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại các khu chung cư cao tầng. Điển hình như vụ một bé trai 6 tuổi tử vong do ngã từ tầng 11 tòa nhà Rainbow Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xuống khu vực mái hiên tầng 1 ngày 15-7-2016. Hay vụ bé trai 8 tuổi gặp tai nạn tương tự khi chơi ở khu lan can trên tầng 11 vào tối 30-10-2016 tại tòa nhà K6, Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội)… Điều đáng nói là, nguyên nhân phần lớn xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn khi trông giữ trẻ.

vi an toan cua tre o chung cu
Các bậc cha mẹ không được lơ là khi cho trẻ chơi ngoài ban công (ảnh minh hoạ)

Khi nghe các vụ tai nạn của trẻ nhỏ tại các chung cư khác, nhiều người đã phải lắp toàn bộ hệ thống lưới an toàn ở cửa sổ, ban công…

Không chỉ riêng tai nạn ngã từ tầng cao xuống, với bản tính tò mò, hiếu động, thích khám phá còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với trẻ em. Trẻ có thể gặp các chấn thương khi di chuyển bằng thang máy như: kẹt tay, vấp ngã... Khi không có sự giám sát của bố mẹ, các trẻ sẽ không có khả năng xử lý khi gặp sự cố.

Bất cập từ quy chuẩn xây dựng

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, theo quy chuẩn xây dựng nhà cao tầng của Bộ Xây dựng, vấn đề an toàn cho trẻ em rất được quan tâm và chú trọng. Thế nhưng, vẫn có những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Nguyên nhân xảy ra tai nạn ở trẻ em chủ yếu do các vấn đề sau: Về quy chuẩn xây dựng Việt Nam có quy định, nhà cao tầng từ tầng 6 trở lên không được làm ban công mà chỉ làm lô gia; với lan can chiều cao tối thiểu là 1,2m và không được để hở chân; đáng quan ngại là tất cả các chung cư cao tầng, cửa sổ hầu hết không làm chấn song để đảm bảo mỹ quan cho tòa nhà và để tạo thuận lợi cho công tác cứu hỏa.

Những quy chuẩn xây dựng nhà cao tầng này đã bộc lộ nhiều bất cập. Bởi nó chỉ quy định chung chung, chưa cụ thể, chi tiết về kiểu lan can, lô gia... phải như thế nào? Ví dụ: Xây lan can từ gạch đặc rỗng ở dưới, trên có tay vịn và tay vịn bằng inox, thanh thép tròn hoặc vuông rất dễ tạo cho trẻ em thói quen bắc ghế trèo lên. Hay có những chung cư thiết kế lan can bằng thanh đứng, nhưng khe hở quá to khiến trẻ em vẫn chui lọt... Xét về hình thức mỹ quan thì đẹp, nhưng trong thực tế sử dụng thì bất cập do ở các tầng cao không mở cửa gây nóng bức, bí bách, mở cửa thì trẻ con lại chui ra gây nguy hiểm.

Bên cạnh đó, các gia đình ở chung cư chưa có ý thức về sự an toàn cho trẻ nhỏ, ở lô gia thường để đồ đạc hay những hộp, vật dụng như một phòng để đồ vô hình trung tạo cho trẻ con có chỗ chơi và leo trèo. Có những gia đình thường nhốt con ở trong nhà hoặc giao cho người giúp việc trông nên việc đảm bảo an toàn bị hạn chế.

Trách nhiệm chủ đầu tư

Nói đến giải pháp trong thiết kế nhà chung cư cao tầng để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khuyến nghị, về thiết kế ban công, lô gia, người thiết kế phải nghiên cứu nâng chiều cao lên 1,3-1,4m và phải thiết kế lan can an toàn, tránh tạo những điểm tựa, điểm có thể bấu víu để trẻ em không thể leo trèo. Đó là trách nhiệm của người thiết kế.

Tất cả hệ thống cửa sổ ở chung cư cao tầng nên làm hoa sắt. Các kiến trúc sư cần phải nghiên cứu thiết kế hoa sắt như thế nào để vừa an toàn cho trẻ nhỏ mà vẫn đảm bảo mỹ quan và an toàn phòng hỏa (có thể đưa họng cứu hỏa vào chữa cháy hoặc phá bỏ vật cản trong trường hợp khẩn cấp...). Bên cạnh đó, chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà khi xây dựng phải có giám sát chặt chẽ thiết kế. Trước khi bàn giao công trình phải kiểm tra thiết kế có được thi công đúng hay không, an toàn hay không...? Hiện nay, chúng ta chỉ chú trọng về an toàn phòng hỏa, nhưng khoảng 60% các công trình phòng hỏa chỉ theo lý thuyết, vì cư dân không được hướng dẫn cách sử dụng...

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần phải lưu ý những vấn đề kỹ thuật để tạo sự an toàn tuyệt đối cho trẻ em vui chơi tại hành lang các tòa nhà hoặc ở sân chơi chung. Khi sống ở chung cư cao tầng, các bậc cha mẹ phải dạy con mình những kỹ năng cần thiết để có thể giảm thiểu tối đa những tai nạn không đáng có.

Quyết định số 09/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe” và trong Chương 3 của Quy chuẩn này quy định về việc bảo vệ khỏi ngã và va đập.

Cụ thể: mục 3.1.2 về lan can quy định rõ: Phải có lan can hoặc vật chắn đủ khả năng ngăn người đi lại không bị ngã tại các sàn nền có cao độ chênh nhau từ 2 bậc thang (hoặc 380mm nếu không có bậc thang) trở lên và ở các vị trí: Cầu thang bộ, bậc thang, đường dốc, sàn, ban công, lô gia, hành lang và mái có người đi lại; giếng trời, khu vực tầng hầm hoặc các khu vực ngầm tương tự nối với công trình có người đi lại.

Mục 3.4.1.7 quy định về lan can cầu thang nêu rõ: Vế thang, chiếu tới, chiếu nghỉ phải có lan can bảo vệ ở các cạnh hở; đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo các yêu cầu sau: Khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can. Chiều cao tối thiểu của lan can được quy định: Đối với công trình nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng, ở vị trí lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên phải có chiều cao tối thiểu là 1,4m.

Thiên Minh - Mỹ Hạnh