Venezuela kêu gọi tìm cách tăng giá dầu lên 60 USD/thùng

15:31 | 05/08/2016

465 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Venezuela kêu gọi triệu tập một cuộc họp để các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ ngồi lại cùng nhau bàn về việc tăng giá dầu, theo Reuters ngày 5/8.
tin nhap 20160805151250
Một cơ sở thăm dò dầu khí ở Venezuela

Reuters cho biết, ngày hôm nay, 5/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ra lời kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và cả các nước không thuộc OPEC, do Nga đứng đầu, tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bàn về việc tăng dần và tiến tới ổn định giá dầu trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị thế giới nói chung và Venezuela nói riêng đang rơi vào khủng hoảng như hiện nay.

"Hôm nay, Bộ trưởng Bộ dầu mỏ Venezuela Eulogio del Pino đã hội đàm với Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo. Chúng tôi cố gắng hết sức để sớm tổ chức một cuộc họp với các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ thuộc OPEC và ngoài OPEC, do Nga đứng đầu" – Tổng thống Maduro cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia. Một trong những mục tiêu chính của cuộc họp này, theo ông, là "tìm biện pháp nâng giá dầu từ 40+ USD một thùng lên 50-60 USD và có thể giữ ổn định ở mức đó".

Trong cuộc họp tại Doha ngày 17/4, các nước sản xuất dầu mỏ đã không thỏa thuận được với nhau về việc đóng băng khai thác, đặc biệt là do sự bất đồng ý kiến trong nội bộ tổ chức OPEC. Trong cuộc họp tiếp theo ở Vienna ngày 2/6, các nước thành viên OPEC cũng lại không thể thống nhất ý kiến về việc thay đổi chính sách cartel của mình và cũng không thể đưa ra hạn ngạch mới trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ.

Trong tháng 9 tới đây, các nước thành viên OPEC sẽ lại gặp nhau tại Algerie trong một hội nghị bất thường.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã tuyên bố rằng Nga cần phải tiếp tục hợp tác với OPEC, mặc dù hội nghị Doha không đạt được thỏa thuận chung.

Tình hình ở Venezuela trong những tháng gần đây đã trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh khan hiếm hàng hóa thiết yếu cho đời sống, thiếu hụt lương thực thực phẩm, lạm phát phi mã và giảm thu ngân sách do giá dầu sụt giảm, cũng như cuộc khủng hoảng thể chế giữa các ngành hành pháp và lập pháp của chính phủ sau khi phe đối lập bắt đầu kiểm soát các hoạt động của Quốc hội.

Thiện Tâm

RIA