Về bức bình phong "quái thú" chắn lăng vua Ngô Quyền ở Đường Lâm

18:25 | 09/03/2014

10,047 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Tôi thực sự bất ngờ trước sự phản đối gay gắt của người dân làng cổ Đường Lâm. Trước đó tại cuộc họp về dự án tôn tạo lăng Ngô Quyền, tôi đã nêu ý kiến nên xây dựng một bức bình phong để ngăn chặn khí độc và quỷ dữ nhưng không ngờ họ lại thiết kế lạ đến vậy” - GS. Trần Lâm Biền cho biết.

Bình phong được xây mới hoàn toàn bằng xi măng án ngữ trước lăng.

Dự án tu bổ đền và lăng Ngô Quyền mới chỉ đi được 6 tháng, tuy vậy, những biện pháp cải tạo đang vấp phải không ít phản ứng trái chiều xung quanh việc đặt bức bình phong có hình con thú “lạ” chắn trước lăng vua Ngô Quyền (thuộc quần thể di tích làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Theo sử sách, Ngô Quyền là vị vua đã có công “mở nước xưng vương”, mở đầu thời đại mới, độc lập tự chủ cho lịch sử dân tộc. Ông đã lãnh đạo quân dân đất Việt, đánh tan quân Nam Hán, giành chiến thắng trong trận Bạch Đằng năm 938. Quân Nam Hán rơi vào bẫy cọc ở sông Bạch Đằng, nên bị đánh tan. Trong trận chiến oanh liệt này, Hoàng tử Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo bị Ngô Quyền giết chết. Chiến thắng Bạch Đằng đã chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam, mở ra nền độc lập tự chủ cho dân tộc.

Hiện tại trên sông Bạch Đằng, thuộc tỉnh Quảng Ninh vẫn còn lưu lại dấu vết của bãi cọc gỗ vùi thây quân xâm lược. Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 27 (1874) trên một đồi đất cao thuộc làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Được biết, công trình tu bổ đền thờ và lăng Ngô Quyền có tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó vốn công đức từ dòng họ Ngô Việt Nam là 10 tỷ đồng, phần còn lại thuộc vốn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa. Các hạng mục tu bổ, tôn tạo đền thờ gồm: Hậu cung, nghi môn, tiền tế, tả vu, hữu vu, xây dựng lầu hóa sớ. Hạng mục tu bổ, tôn tạo lăng Ngô Quyền gồm: Tu bổ lăng, tôn tạo sân, trụ biểu lan can, xây dựng bình phong.

Dự án do Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng – trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lập báo cáo kỹ thuật và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công. Dự kiến thời gian tu bổ, tôn tạo kéo dài trong 3 năm.

Ý tưởng xây dựng bình phong tại lăng Ngô Quyền được cho rằng xuất phát từ ý kiến tư vấn của của GS. Trần Lâm Biền. Bức bình phong này được xây mới hoàn toàn bằng xi măng chắn hết tầm nhìn của lăng. Đặc biệt hình ảnh trên bức bình phong thể hiện một “quái thú” hổ không ra hổ, báo không ra báo, với vẻ mặt nanh ác và dữ tợn. Do đó đã khiến người dân Đường Lâm không đồng thuận.

GS. Trần Lâm Biền cho biết: “Người thiết kế đã không nắm được ý nghĩa và tầm quan trọng của đức Ngô Quyền nên đã làm ra một bức bình phong rất tùy tiện, xấu và không có giá trị nghệ thuật cũng như giá trị tâm linh”.

Để có thông tin khách quan về sự việc, PV đã có cuộc trao đổi với GS. Trần Lâm Biền, người được cho là “tác giả” của bức bình phong thiếu thẩm mỹ nói trên. Tuy nhiên, GS Biền cũng không đồng ý với bức bình phong mới được xây dựng ở lăng Ngô Quyền. Bởi lẽ những gì thể hiện ở bức bình phong ấy là rất xấu xí, và tùy tiện, không theo tiêu chuẩn nào.

“Vấn đề đặt ra là như thế này, khi tôi biết được có dự án tôn tạo lăng Ngô Quyền, trong một cuộc họp tôi đã nêu ý kiến nên xây dựng một bức bình phong. Xin lưu ý, đó chỉ là tư vấn của tôi, còn việc những người có trách nhiệm nghe hay không là quyền của họ. Tôi cho rằng việc xây bình phong là cần thiết, để ngăn chặn khí độc và quỷ dữ, chứ không nên để lăng chơ vơ, trống trải” - GS. Trần Lâm Biền khẳng định.

Cũng theo GS. Trần Lâm Biền, trong tất cả những ngôi đền và lăng mộ thì bức bình phong giúp việc chống quỷ dữ tác động đến chỗ ngồi của thần. Vừa đề cao kính trọng, lại vừa bảo vệ cho vị thần.

“Tuy nhiên, sau đó thì việc xây ở đâu, xây như thế nào thì chẳng ai hỏi gì tôi cũng như xin ý kiến các nhà chuyên môn. Từ khi góp ý kiến đến nay, tôi cũng chưa có dịp quay lại. Đến nay tôi mới biết họ đã xây bức bình phong. Tôi thấy rằng bức bình phong đó họ đã xây không đúng bố cục. Cần phải xét xem vị thần ở trong lăng như thế nào, mới có thể đặt bức bình phong ở trong hoặc ngoài cửa ra vào. Họ đã không nắm được ý nghĩa và tầm quan trọng của đức Ngô Quyền, nên đã làm ra một bức bình phong rất tùy tiện, xấu và không có giá trị nghệ thuật cũng như giá trị tâm linh” – GS. Trần Lâm Biền khẳng định.

Cũng theo phân tích của GS. Trần Lâm Biền, con Hổ là thần linh cai quản mặt đất, có khả năng trừ tà sát quỷ. Nên hình tượng Hổ ở mặt trước bức bình phong là cần thiết. “Thế nhưng, hình tượng và cách thể hiện ra sao cũng phải theo quy luật, và tiêu chuẩn mới có giá trị. Chứ không phải cứ trang trí bừa thành ra một “quái thú” với dáng vẻ “báo lai chó sói” như vậy. Nếu là “báo lai chó sói” thì cũng là quỷ chứ không phải là thần linh mà có thể đặt vào tấm bình phong ở lăng đức Ngô Quyền – điều này sẽ mang ý nghĩa ngược” - GS. Trần Lâm Biền khẳng định.

GS. Trần Lâm Biền cũng cho rằng hiện tại chúng ta chưa có một di tích lịch sử nào được trùng tu, theo đúng với ý nghĩa khôi phục nguyên trạng. Mà phần lớn chỉ là tôn tạo bảo tồn di tích, việc này phải dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống, dưới góc độ khoa học để làm sao chấp nhận được. Mỗi một đường nét chi tiết đưa vào trong quần thể di tích đều phải đảm bảo ý nghĩa, chứ không thể làm tùy tiện. Vì thế có thể hiểu việc bổ sung thêm thắt các hạng mục, là việc làm thường thấy ở đời sau đối với các di tích đời trước. Tuy nhiên, sẽ rất đáng tiếc và đáng trách nếu như sự việc được tiến hành một cách tùy tiện, ví dụ như việc làm tấm bình phong hiện nay ở lăng Ngô Quyền là điều không thể chấp nhận được.

Trước vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Bức bình phong xuất phát từ lý do vừa là kiến trúc, vừa liên quan đến yếu tố tâm linh, nếu dòng họ có ý kiến, cơ quan chức năng cần có tính toán, xem xét lại. Bởi suy cho cùng, công trình làm xong vừa phục vụ đông đảo nhân dân, vừa tôn vinh được công trạng của cụ Ngô Quyền, vừa tạo ra điểm đến, tạo ra niềm tự hào cho dòng họ Ngô. Trong quá trình làm cần phải có tiếp thu, xem xét ý kiến, kiến nghị của nhân dân và dòng họ.

Về quy trình, dòng họ Ngô nếu họ đã có ý kiến chính thức, phải cử đại diện bằng văn bản, bằng đơn gửi đến cấp có thẩm quyền mà ở đây là UBND thị xã Sơn Tây là chủ quản đầu tư của công trình này. Trên cơ sở đó UBND thị xã Sơn Tây sẽ tiếp nhận đơn, chỉ đạo xem xét cụ thể làm các thủ tục tiếp theo nếu như nhận thấy cần thiết phải thay đổi.

Về góc độ của Sở, chúng tôi đánh giá rất cao những ý kiến phản hồi kịp thời của người dân, thể hiện tinh thần trách nhiệm về các công trình tu bổ trên địa bàn thành phố. Đây cũng là mong muốn của chúng ta, hướng đến một công trình hoàn thiện.

Thảo Phượng