Về bản tổng kết của Phan Huy Lê trên Xưa & Nay số 472 (Kỳ 2)

07:00 | 01/08/2016

|
Loại ý kiến như thế này chúng tôi đã từng đọc, từng thấy, nhưng là do những người khác viết

Đến như Phan Huy Lê, Giáo sư, Sử gia, Nhà giáo Nhân dân, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay, Thông tín viên (Correspondant) của Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres) của Pháp, mà cũng viết như thế này thì, thú thật, chúng tôi không khỏi nổi da gà khi đọc đến. Nhưng tiếp nối ý tưởng vĩ đại trên đây, Phan Huy Lê còn viết:

“Tôi nghĩ rằng với nhận thức mới, với cái nhìn công minh hơn đối với những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ, thì tại thủ đô Hà Nội không thể không có một tượng đài, nhưng không phải chỉ vinh danh Alexandre de Rhodes mà là tượng đài ghi công tất cả những người đã có công sáng tạo ra chữ Quốc ngữ […] Tôi nghĩ rằng Hội thảo này do Bình Định tổ chức, nhưng với tư cách Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chúng tôi sẽ đặt lại vấn đề này với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và với lãnh đao thành phố Hà Nội”.

Dám hỏi ông Phan Huy Lê - và đề nghị ông trả lời công khai, sòng phẳng, với tư cách của một sử gia trung thực:

- Chữ quốc ngữ đã được mấy ông cố đạo phương Tây và một số cộng sự viên người Đại Việt sáng tạo ra nhằm mục đích gì?

Ấy là chúng tôi hỏi ông - và đề nghị ông không tránh né - chứ thực ra thì một nhà nghiên cứu ở TP HCM là Lê Nguyễn cũng đã nói rõ rồi:

“[…] Vinh danh và dựng tượng cho một người là việc làm có liên quan mật thiết đến phạm trù đạo đức, nó đòi hỏi người được dựng tượng (nếu là Rhodes) phải từng có những hành động cao cả nhắm vào lợi ích thiết thực cho một đối tượng nào đó (ở đây là nhân dân Việt Nam). Về điều này, có thể khẳng định mà không sợ nhầm lẫn là trong số hàng trăm thương nhân và giáo sĩ phương Tây đến Đại Việt (Việt Nam) vào các thế kỷ XVII-XVIII-XIX, không có một ai, kể cả Alexandre de Rhodes, nhắm vào mục đích làm những điều tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam. Họ đến chỉ để thỏa mãn nhu cầu thu lợi nhuận tối đa hay rao giảng giáo lý Thiên Chúa, thu nạp càng nhiều tín đồ càng tốt; tất cả những việc làm của họ, dù là vô tình có lợi cho dân tộc Việt Nam, cũng chỉ nhắm trước hết vào việc làm lợi cho họ. Điều này được chính Rhodes thừa nhận trong việc soạn quyển tự điển Việt-Bồ-La, thứ nhất là giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt, để có thể truyền giáo và thứ hai là làm theo ý muốn của một số vị Hồng y ở La Mã, thêm chữ Latinh vào để người Việt Nam có thể học thêm La ngữ” (Đỗ Quang Chính-Sđd-trang 84-85). Hẳn nhiên học tiếng La tinh là chỉ để học đạo tốt hơn mà thôi”.

Rồi Lê Nguyễn kết luận:

“Chữ quốc ngữ là một công trình tập thể, nó đã biến thể từ phương tiện truyền đạo của riêng giới giáo sĩ (thế kỷ XVII), đến công cụ của thực dân Pháp dùng để tách rời giới nho sĩ yêu nước ra khỏi môi trường Nho giáo cố hữu của họ (giữa thế kỷ XIX), để rồi “gậy ông đập lưng ông”, nó đã được các sĩ phu yêu nước của chúng ta đầu thế kỷ XX (phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục) tận dụng làm công cụ tuyên truyền chủ nghĩa ái quốc, kêu gọi nhân dân giành lại độc lập đã mất. Tạo ra và phổ biến chữ quốc ngữ, các ông cố đạo và thực dân Pháp chẳng thương tưởng gì dân ta, chỉ có ông cha ta, nhờ lòng yêu nước và sự khôn ngoan mà biến công cụ của giặc thành lợi khí của mình, đó là một cơ may lịch sử, không nhờ ở lòng tốt của một ông Rhodes nào cả”.

(“Có nên dựng tượng cho Alexandre de Rhodes không?”, theo nhavantphcm.com.vn)

Lê Nguyễn, một nhà nghiên cứu lịch sử “ngoài ngành” đã nói như thế, còn về phần mình thì ông Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sẽ nói như thế nào, thưa ông?

A.C

Năng lượng Mới 543