VCPMC đang bảo vệ ai?

11:22 | 08/09/2015

3,160 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện tác quyền âm nhạc đang được dư luận quan tâm sau một loạt lùm xùm trong hoạt động biểu diễn âm nhạc, in sao, phát hành các ca khúc Việt. Trong khi vi phạm tác quyền âm nhạc đang trở thành vấn nạn, những tranh chấp về bản quyền đang trở nên phức tạp và chưa có biện pháp thay đổi hữu hiệu; thì hoạt động của VCPMC vốn được coi là nơi bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đang khiến nhiều người cảm thấy nghi ngờ. 

VCPMC là gì?

Ngày 19/4/2002 Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam GS. NSND Trọng Bằng đã ký quyết định số 19/2002/QĐ-NS để thành lập ra Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Theo đó Điều lệ hoạt động của VCPMC cũng được GS.NSND phê duyệt cùng ngày. Trước đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có công văn gửi Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) để xin thành lập ra VCPMC là một tổ chức hoạt động nghề nghiệp tự nguyện dưới sự quản lý của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ban điều hành Trung tâm gồm có nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc.

Theo VCPMC, về lý thuyết, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có thể liên hệ trực tiếp với các cá nhân, đơn vị sử dụng tác phẩm của mình để đàm phán, xem xét cho phép sử dụng và thu tiền bản quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, cá nhân các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không thể nào kiểm soát được hết việc các tác phẩm của mình được sử dụng tại những đâu, vào thời điểm nào, phục vụ cho những mục đích gì, đặc biệt khi tác phẩm được sử dụng ở nước ngoài. Điều này dẫn tới hệ quả tất yếu là quyền lợi chính đáng của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thường bị những người sử dụng thiếu ý thức cố tình xâm phạm hoặc có thực hiện nhưng không nghiêm túc.

vcpmc dang bao ve ai
VCPMC và BTC show Khánh Ly tranh cãi trước đêm nhạc

Để khắc phục tình trạng này, các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả đã ra đời. Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) hiện là tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc duy nhất tại Việt Nam. Thông qua các hợp đồng ủy quyền ký kết với VCPMC, các tác giả thành viên có thể yên tâm dành thời gian và tâm huyết vào công việc sáng tác bởi VCPMC sẽ là người đại diện cho các tác giả làm việc với đơn vị sử dụng tác phẩm, từ khâu đàm phán, ký kết hợp đồng cấp phép cho tới khâu theo dõi việc thực hiện hợp đồng, thu tiền bản quyền và sau đó phân phối tới tận tay các thành viên. VCPMC hiện có 42 hợp đồng với các tổ chức quốc tế, có phạm vi điều chỉnh ở hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo quy định hiện nay của VCPMC, đối với các chương trình ca nhạc có bán vé trong rạp, nhà hát, mức phí được tính 5% x 75% số lượng ghế x bình quân giá vé. Đối với các tụ điểm ca nhạc, sân khấu ngoài trời, mức phí là 5% x 60% số lượng ghế x bình quân giá vé. Cũng theo VCPMC, các trường hợp biểu diễn liveshow trong rạp, nhà hát, tụ điểm ca nhạc nếu giá của tác phẩm/ lần biểu diễn tính theo công thức trên thấp hơn mức giá 300.000 đồng/tác phẩm/lần biểu diễn thì áp dụng theo mức 300.000 đồng/tác phẩm/lần biểu diễn.

Ra đời cách đây 13 năm, VCPMC đã có hơn 3000 nhạc sỹ đăng ký ủy quyền cho Trung tâm này. VCPMC đã thu được hơn 175 tỷ đồng tiền tác quyền và số tiền thu được cũng tăng dần theo từng năm. Riêng năm 2011, VCPMC thu được 41 tỷ đồng, đến năm 2013, tổ chức này đã thu được 54 tỷ đồng.

Những vụ “lùm xùm”

Mục đích ra đời quan trọng là vậy, nhưng VCPMC gây chú ý qua những lùm xùm bắt nguồn từ chính những vấn đề tác quyền. Thời gian trước, dư luận xôn xao vì thông tin nhạc sĩ Phó Đức Phương (Giám đốc VCPMC) “đe dọa” sẽ “nhảy” lên sân khấu liveshow của ca sĩ Khánh Ly ngày 2/8/2014 do BTC và VCPMC không thỏa thuận được số tiền tác quyền cho đêm nhạc. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, nhạc sĩ Phó Đức Phương có hành động “xiết nợ” như vậy. Còn nhớ 2 năm trước, trong chương trình của ca sĩ Tuấn Vũ, ông cũng đến tận sân khấu Nhà hát Lớn (Hà Nội) đòi thu tiền tác quyền.

Không chỉ thu tác quyền kiểu “xiết nợ”, VCPMC nói chung và nhạc sĩ Phó Đức Phương nói riêng còn vướng phải những nghi ngại vì sự “cò kè bớt một thêm hai” tiền tác quyền. Ngay trong chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly, nhạc sĩ Phó Đức Phương và BTC cũng đã “cò kè” để “hạ giá” thu phí tác quyền từ 200 triệu xuống 170 triệu…

quoc ca khong phai la de cho ho kiem tien

Quốc ca không phải là để cho họ kiếm tiền

Tuần qua, câu chuyện văn hóa khiến nhiều người quan tâm nhất chính là thắng lợi đầu tiên của “cuộc chiến đòi quyền lợi” cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK của Trung tâm Quyền tác giả Văn học (VLCC). “Té nước theo mưa”, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) cũng tiến hành thu phí bản quyền một số sản phẩm âm nhạc, nhưng lần này, đối tượng được thu phí lại là… Quốc ca.

kha nh ly co gia y ta c quye n vcpmc thua cuo c

Khánh Ly có giấy tác quyền, VCPMC thua cuộc?

Ca sĩ Khánh Ly vừa công bố giấy thỏa thuận tác quyền do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ký vào năm 2000. Vậy vụ lùm xùm tác quyền vừa qua sẽ xử lý ra sao?

khi thi hanh luat lai tro thanh an va

Khi thi hành luật lại trở thành… “ăn vạ”!

Câu chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thân chinh đi đòi tiền tác quyền trong hai đêm nhạc Khánh Ly vừa qua, khiến nhiều người cho rằng đó như một hành động… “ăn vạ”!

Sau một loạt những lùm xùm trong việc thu – chi tiền bản quyền âm nhạc, hai nhạc sĩ Phú Quang và Quốc Trung cũng lên tiếng “tố” cách làm việc thiếu minh bạch của VCPMC. Nhạc sĩ Phú Quang bức xúc: “Quyền nào cho VCPMC muốn thu bản quyền bao nhiêu thì thu, thậm chí đòi đến 4 triệu đồng/ bài trong khi họ không cần biết nhà tổ chức chương trình kiếm được bao nhiêu sau một lần tổ chức biểu diễn hay đã thua lỗ như thế nào?”. Nhạc sĩ Phú Quang đánh giá trung tâm này đã tùy tiện trong việc thu tiền tác quyền và trả tiền cho tác giả. Ông cho biết có những chương trình trung tâm này thu 2 - 4 triệu đồng/ca khúc tiền tác quyền nhưng tác giả chỉ nhận 300.000 đồng. Sau đó nhạc sĩ Phú Quang đã chấm dứt hợp đồng ủy thác với VCPMC từ tháng 9/2014.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho biết, cứ 3 tháng, anh nhận được một số tiền từ trung tâm, nhiều thì hai chục triệu, ít thì hơn chục triệu, nhưng chưa lần nào nhận được bản kê khai cụ thể: “Tôi là người ủy quyền cho VCPMC nhưng không biết thu như thế nào, không chỉ từ các chương trình biểu diễn mà còn thu âm cho các đĩa nhạc, nhạc chuông, nhạc chờ… Tất nhiên, tôi cũng chia sẻ với khó khăn của VCPMC vì phải mất chi phí thuê địa điểm, nhân viên… nhưng không thể hiểu được cách thức lập lờ của VCPMC”.

Gần đây, VCPMC lại tiếp tục “gây shock” sau khi tuyên bố sẽ thu phí tác quyền ca khúc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Mặc dù Tiến quân ca đã trở thành Quốc ca của Việt Nam trong 70 năm qua và đã được bà Nghiêm Thúy Băng (vợ nhạc sĩ Văn Cao) gửi tặng cho Quốc hội và nhân dân Việt Nam. Tuyên bố này của VCPMC ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận.

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cho biết, lâu nay thay vì thông qua VCPMC, nhà hát đã thực hiện việc trả tiền bản quyền trực tiếp cho các tác giả trong những chương trình của mình. Ông cũng cho hay, biểu giá của VCPMC không dựa trên cơ sở nào, rất bất hợp lý nên cần có thêm trung tâm bản quyền để tránh tình trạng độc quyền. Đồng thời, do không phục cách làm của VCPMC, NSND Trần Bình cùng một số nhạc sĩ, nhà tổ chức biểu diễn đã nuôi ý tưởng thành lập một trung tâm bản quyền khác với mô hình rộng hơn, đó là bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung chứ không chỉ là âm nhạc.

Nhìn chung, các nhạc sĩ luôn là người chịu thiệt trong câu chuyện tác quyền, bởi thống kê thực tế tại Việt Nam hiện nay, có tới 90% các chương trình ca nhạc hiện nay không thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền. Còn VCPMC hiện nay là trung tâmduy nhất đứng ra thu tiền bản quyền tác phẩm – lại đang “xuống giá” trong mắt chính những nhạc sĩ đã ủy quyền cho trung tâm.

Câu chuyện tác quyền âm nhạc còn gây tranh cãi của dư luận trong xã hội và cả những đơn vị liên quan trong thời gian tới. Cách hành xử có phần xô bồ và quá khích của VCPMC như thời gian vừa qua khiến dư luận đặt câu hỏi về tính nghiêm minh của việc thực hiện trách nhiệm bản quyền. Việt Nam đã tham gia Công ước Berne về quyền tác giả, vì thế, việc các đơn vị tổ chức biểu diễn trả tiền bản quyền cho tác giả là chuyện không thể bàn cãi. Thế nhưng, để việc “mua – bán” này rõ ràng, minh bạch thì rất cần những biểu giá, những quy định cụ thể hóa bằng luật, bằng chế tài của những cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý; tránh bị rơi vào tình trạng “cò kè bớt một thêm hai” như thời gian vừa qua.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.