Tội phạm ma túy ở Philippines

Vào tù hay nhà tang lễ?

07:10 | 17/06/2018

547 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bất chấp việc vấp phải những luồng dư luận dữ dội từ nhiều phía, chiến dịch chống ma túy trên quy mô lớn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn tiếp tục diễn ra từ năm 2016 đến nay, dưới sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng cảnh sát.

Cương lĩnh tranh cử Tổng thống

Tính đến nay, chiến dịch chống ma túy trên quy mô lớn do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động đã khiến khoảng hàng nghìn người thiệt mạng. Điều đáng nói, nhiều luồng ý kiến xác nhận các vụ hành hình nghi phạm ma túy được tiến hành không thông qua xét xử có thể diễn ra ngay trên đường phố hoặc bất cứ nơi nào mà cảnh sát Philippines bắt gặp. Nhưng, chính quyền Duterte bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lực lượng cảnh sát thi hành công vụ dưới mọi hình thức.

vao tu hay nha tang le
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với quyết tâm chống ma túy

Trong quá trình tranh cử Tổng thống Philippines, ông Duterte lấy việc xóa bỏ tội phạm làm cương lĩnh, với cam kết tiêu diệt 100.000 tội phạm ma túy trên khắp đất nước. Chính điều này giúp ông có tới 38% số phiếu trong cuộc đua giữa 5 ứng viên.

Nhìn chung, luật lệ và trật tự chỉ là số ít những “căn bệnh kinh niên” của đảo quốc Philippines. Các vấn nạn khác của quốc gia Đông Nam Á bao gồm: Nghèo đói, tham nhũng và lạm dụng quyền dân sự... Song việc ông Duterte tập trung riêng vào vấn đề ma túy đã tạo ra hiệu ứng tâm lý rất mạnh. Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn các con số của Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng methamphetamine (ma túy đá) ở Philippines cho thấy, đảo quốc này có tỷ lệ lạm dụng methamphetamine cao bậc nhất khu vực, với 2,1% dân số trong độ tuổi 16-64 sử dụng. Bản thân ông Duterte từng thề sẽ giết cả con đẻ nếu ông phát hiện chúng sử dụng ma túy.

Mặc dù chiến dịch chống ma túy ở Philippines bị quốc tế chỉ trích, nhưng gần 90% người dân khi được hỏi đều ủng hộ quan điểm cứng rắn của Tổng thống Duterte nhằm trấn áp loại tội phạm nguy hiểm này.

Trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố khi tranh cử và tích cực triển khai kể từ khi lên nhậm chức từ tháng 6-2016. Các biện pháp cứng rắn của ông đã vấp phải nhiều chỉ trích từ phương Tây, bao gồm cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, gần 90% người dân Philippines ủng hộ chiến dịch này.

Tháng 9-2017, một cuộc khảo sát của hãng thăm dò Pulse Asia thực hiện với trên 1.200 dân Philippines cho kết quả: 88% ủng hộ chiến dịch chống tội phạm ma túy do Tổng thống Duterte phát động. Chỉ có 2% người bày tỏ ý kiến phản đối và 9% người được hỏi không có ý kiến.

Trước đó, khảo sát của Pulse Asia hồi tháng 6-2017 cũng cho thấy, 73% người được hỏi cho rằng có xảy ra các vụ giết người không qua xét xử trong chiến dịch, tăng nhẹ so với con số 67% của một thăm dò tương tự hồi tháng 6-2016.

Chiến dịch chống ma túy của ông Duterte được tiến hành từ giữa năm 2016 đến nay khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Con số này khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo lắng và các tổ chức hoạt động nhân quyền thì cho rằng, cảnh sát Philippines đã lạm quyền và xuống tay với nghi phạm không qua xét xử. Song, cảnh sát Philippines đã bác bỏ cáo buộc. Họ khẳng định, tất cả những đối tượng bị kiểm tra đều là thành viên trong một đường dây buôn bán ma túy lớn, được trang bị vũ khí và chống trả dữ dội.

vao tu hay nha tang le
Cảnh sát quốc gia Philippines và tang chứng từ chiến dịch bài trừ ma túy

Người phát ngôn của Tổng thống Duterte, ông Ernesto Abella khẳng định, chính quyền Manila hài lòng với kết quả cuộc khảo sát. Tỷ lệ ủng hộ cao đã cho thấy, người dân đánh giá tốt đối với nỗ lực của chính quyền nhằm giảm tỷ lệ tội phạm, cũng như làm cho đời sống của họ được an toàn hơn.

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Ramon Casiple lại cho rằng, tỷ lệ ủng hộ cao chủ yếu đến từ nhóm người cảm thấy tội phạm đang bị trấn áp, nhưng với những người ít nhiều liên quan đến chiến dịch này thì kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Casiple: “Các cộng đồng được cho là có tội phạm bị tiêu diệt, thường là các vùng đô thị nghèo”.

Sau đó, Tổng thống Duterte cũng đã yêu cầu cảnh sát rút khỏi chiến dịch và chuyển toàn bộ hoạt động chống ma túy sang Cơ quan chống ma túy Philippines (PDEA), sau khi lực lượng cảnh sát bị dư luận chỉ trích về cách thức tiến hành chiến dịch.

Ông Duterte nhấn mạnh, vì lực lượng PDEA nhỏ hơn rất nhiều so với lực lượng cảnh sát, cho nên sẽ có ít tội phạm bị tiêu diệt hơn sau cuộc chuyển giao này.

Vào tù nếu muốn… sống lâu hơn?

Xu hướng “cứng rắn” của Tổng thống Duterte trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy quy mô lớn ngày càng được thể hiện rõ nét. Ông từng đe dọa thiết quân luật nếu bên tư pháp cản trở chiến dịch chống ma túy do ông phát động. Tháng 9-2016, nhân một vụ khủng bố ở Davao, ông Duterte đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, qua đó trao cho quân đội các quyền cảnh sát.

Một nhà vận động nhân quyền giấu tên ở Philippines bày tỏ quan ngại: “Chiến dịch này có thể hủy hoại dân chủ và chế độ pháp quyền. Tư tưởng có thể giải quyết mọi việc bằng giết chóc sẽ chỉ có tác dụng gây hại về mặt dài hạn”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhắn nhủ các nghi phạm sử dụng ma túy ở tỉnh Cebu rằng, việc bị giam giữ trong tù sẽ tốt hơn cho sức khỏe của họ. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, lời đe dọa mới nhất từ Tổng thống Duterte dành cho các tội phạm ma túy đã được phát sóng trên truyền hình hôm 22-5-2018 vừa qua.

vao tu hay nha tang le

Mặc dù không chỉ đích danh cá nhân nào, song ông Duterte cũng nhắc tới những người trở nên giàu có từ việc buôn bán ma túy trái phép tại tỉnh Cebu: “Nếu tôi là một trong số các bạn ở Cebu, tôi sẽ lựa chọn ở trong tù. Bạn muốn sống lâu hơn ư? Hãy ở trong tù!”.

“Bạn nên tự hiểu nguyên nhân khiến bản thân bị bắt giữ. Đừng ra khỏi trại giam, sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn!”, ông Duterte nhấn mạnh.

Theo giới chức Philippines, đã có hơn 4.000 nghi phạm ma túy, chủ yếu là người nghèo, đã bị giết trong các vụ đụng độ với cảnh sát do họ cố tình chống trả. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, con số công bố là quá ít so với thực tế. Trong nhiều trường hợp, cảnh sát đã vội vàng nổ súng dù chưa tiếp cận được nghi phạm.

Thực tế, cả nước Philippines hiện chỉ có 44 trung tâm cai nghiện. Bởi vậy, với chiến dịch chống ma túy đang diễn ra, giới chức Philippines ở vào trạng thái chưa được chuẩn bị kỹ càng. Các nhà tù cũng luôn chỉ chực… vỡ tung ra.

Ông Duterte đắc cử Tổng thống vào năm 2016 nhờ vào cương lĩnh tranh cử dân túy: “Xử lý ngay”. Khi đó ông cam kết sẽ quét sạch tội phạm, đưa những kẻ buôn ma túy vào nhà tang lễ chứ không phải nhà tù.

Thành phố Quezon ở miền bắc Manila với dân số 3 triệu người là một trong những… tâm chấn của cuộc chiến chống ma túy. Aldrin Cuna, người đứng đầu thành phố, cho biết, hàng chục người đã bị triệt hạ và 7.000 người nghiện đã đầu hàng. Ông Cuna nói: “Chúng tôi đã phải đương đầu với số lượng người nghiện tăng vọt và buộc phải tìm cách bố trí chỗ ở cho họ”.

Theo ông Cuna, thành phố có ngân sách để xây dựng các trung tâm mới, nhưng không thể chỉ bảo xây là xong... Ông hy vọng, 6 trung tâm mới sẽ hoàn thành trong vòng 6 tháng tới 1 năm sau.

Chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte từng bị một cựu nhân viên tình báo ở Manila cáo buộc sử dụng các biện pháp “giết người kiểu luật rừng”. Một viên cảnh sát giấu tên tiết lộ, họ thường đặt súng vào tay nạn nhân bị giết nhằm tạo ra hiện trường giả. Sĩ quan cảnh sát này nói với Reuters: “Chúng tôi buộc phải tạo ra bằng chứng giả để hợp pháp hóa chiến dịch này, vì chính phủ đã yêu cầu như vậy. Chúng tôi phải tự bảo vệ bản thân mình”.

Song, điều đáng buồn là cảnh sát chỉ nhắm tới những đối tượng sử dụng ma túy nhỏ lẻ, không có điều kiện kinh tế. Trong khi đó, những tên trùm ma túy được cho là vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Tháng trước, cựu cảnh sát Arturo Lascanas từng khẳng định, trong suốt hơn một thập niên, ông được trả tới 100USD cho mỗi lần thanh trừng tội phạm, trong đó có những nghi phạm sử dụng và buôn bán ma túy. Đầu những năm 2000, số tiền này lên tới 200USD. Ông không lưu giữ bất cứ bằng chứng nào về khoản tiền thưởng nói trên.

Tổng thống Duterte vẫn chưa lên tiếng về thông tin này. Tuy nhiên, những thi thể đẫm máu trên đường phố, hay giọt nước mắt đau đớn của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng… sẽ luôn là vết sẹo trong tâm trí nhiều người Philippines.

Hôm 20-4 vừa qua, tân Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) Oscar Albayalde đã tuyên bố, sẽ tiếp tục cuộc chiến ma túy của Tổng thống Duterte, thách thức việc can thiệp nội bộ từ Nghị viện châu Âu. Ông Albayalde nói: “Làm sao để duy trì cuộc chiến chống ma túy? Để duy trì nó, chúng tôi sẽ không thay đổi gì cả. Tại sao chúng tôi phải chấm dứt một chương trình đang rất hiệu quả chứ?”.

Những tuyên bố của ông Albayalde được đưa ra trong bối cảnh Philippines vừa bác bỏ một nghị quyết của Nghị viện châu Âu chỉ trích cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.

Cũng trong ngày 20-4, trang Rappler đưa tin, cảnh sát Philippines công bố thêm 13 nghi phạm ma túy nữa bị giết trong một cuộc truy quét dẫn tới bắt giữ 58 người.

Sẵn sàng đối mặt với dư luận

Tin mới nhất từ AFP tháng 3-2018 cho hay, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines John Bulalacao xác nhận 102 nghi phạm ma túy đã bị tiêu diệt kể từ khi lực lượng này nối lại chiến dịch chống ma túy theo lời kêu gọi của Tổng thống Rodrigo Duterte vào tháng 12-2017.

vao tu hay nha tang le
Các tù nhân ngồi chen chúc trong một phòng giam, trong lúc cảnh sát khám xét một nhà tù ở Philippines

Trước sức ép của dư luận, vào tháng 10-2017, Tổng thống Duterte tuyên bố PDEA sẽ thay lực lượng cảnh sát tiến hành hoạt động chống ma túy. Tuy nhiên, ông Duterte sau đó lại cho rằng, 2.000 nhân viên của PDEA sẽ không thể triển khai hiệu quả hoạt động chống tội phạm nên đã yêu cầu cảnh sát tái khởi động chiến dịch mà không có bất cứ cải cách lớn nào ở lực lượng này.

Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đang mở cuộc điều tra sơ bộ sau khi nhận được đơn kiện của luật sư Jude Josue Sabio, cáo buộc Tổng thống Duterte và các quan chức cấp cao Philippines phạm tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến chống ma túy.

Về phần mình, người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết, ông gần như chắc chắn sẽ không bị ICC buộc tội và cho rằng quyết định điều tra là sự lãng phí thời gian cũng như nguồn lực của ICC.

Chính phủ Philippines tuyên bố chào đón các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tới nước này điều tra về các cáo buộc. Tuy nhiên, ông Duterte đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội không hợp tác với báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc. “Nếu họ hỏi các anh về những sai phạm, đừng trả lời. Và nếu họ hỏi tại sao thì hãy nói rằng vì chúng tôi có tổng tư lệnh”, ông Duterte phát biểu hôm 1-3-2018.

Thái độ “không lung lay” của ông Duterte trước dư luận về cuộc chiến chống ma túy tỏ ra khá trái ngược với một phát ngôn hồi tháng 9-2017, khi ông còn lên tiếng mời tổ chức giám sát nhân quyền của Liên Hiệp Quốc thành lập văn phòng tại nước này nhằm theo dõi cuộc chiến chống ma túy, theo tờ Straits Times.

Tổng thống Duterte cho biết: “Cá nhân tôi thông qua một kênh chính thức sẽ mời cơ quan nhân quyền mở văn phòng tại Philippines”. Ông Duterte ngầm chỉ tới Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR).

“Tôi sẽ nói với các chỉ huy đồn cảnh sát không hành động mà không có sự tham gia của đại diện cơ quan nhân quyền và mỗi người phải mang camera ghi hình lại quá trình để bảo đảm mọi việc đều minh bạch”, ông Duterte cho biết thêm.

Bình luận trên có thể coi là sự thay đổi lớn của ông Duterte, từ chỗ không đánh giá cao vai trò của Liên Hiệp Quốc khi từng dọa sẽ rút Philippines khỏi tổ chức này vì bị các chuyên gia nhân quyền bày tỏ quan ngại về số lượng người chết trong cuộc chiến chống ma túy ngày càng gia tăng. Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc chưa lên tiếng bình luận về động thái của ông Duterte, dù trước đó cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc phản ứng vô cùng dữ dội với cuộc chiến chống ma túy ở quốc gia Đông Nam Á này.

Được biết, động thái của ông Duterte diễn ra trong bối cảnh PNP vấp phải làn sóng chỉ trích liên quan đến cái chết của 2 thiếu niên. Trong khi PNP khẳng định việc bắn chết những thiếu niên này do lý do tự vệ thì các nhà hoạt động nhân quyền và đảng đối lập không cho là như vậy.

Hạ viện Philippines cũng đã gây bất ngờ khi thông qua đạo luật cấp ngân sách hoạt động trong năm 2018 chỉ có… 20USD cho Ủy ban Nhân quyền Philippines (CHR), cơ quan chuyên theo dõi và điều tra hoạt động của cuộc chiến chống ma túy.

Trong một diễn biến liên quan hồi tháng 3-2018, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein cho rằng “Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cần phải đi kiểm tra tâm thần”, sau một loạt công kích của ông Duterte nhằm vào nhân viên cơ quan Liên Hiệp Quốc, Hãng AFP cho hay.

Các nhóm nhân quyền cho rằng con số người chết vì chiến dịch chống tội phạm ma túy do Tổng thống Duterte khởi xướng trên thực tế cao hơn con số mà cảnh sát Philippines công bố, đồng thời gọi đây là tội ác chống lại loài người.

Mai Lâm