Vắng như “chùa bà Đanh”

07:05 | 29/08/2016

2,220 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khoảng dăm bảy năm trở lại đây các trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị tại Hà Nội “bùng nổ” mạnh mẽ nhất.  Trong khi một số TTTM mở ra đã thu hút nhiều khách thì có những nơi thật đìu hiu, quạnh quẽ. Và mặc dù đã đổ tiền “tấn” vào để tân trang, thay đổi cung cách phục vụ… song nhiều nơi vẫn vắng như chùa bà Đanh!  
vang nhu chua ba danh

Cảnh vắng vẻ tại TTTM Tràng Tiền Plaza

Nằm ở trung tâm của quận Hoàn Kiếm, sát với Hồ Gươm, TTTM Tràng Tiền Plaza có một vị trí đắc địa “nhất quả đất”. Thế nhưng dạo quanh TTTM này, người ta sẽ phải ngạc nhiên, thậm chí xót xa cho một trung tâm mua sắm từng rất gắn bó với người dân Hà Nội thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Có mặt tại TTTM Tràng Tiền Plaza vào lúc 20 giờ một ngày cuối tuần, chúng tôi “ngợp” trước vẻ lộng lẫy, tráng lệ của nó. Tiếc rằng lượng khách hàng lại tỷ lệ nghịch với vẻ lộng lẫy đó. Sau chừng nửa giờ ngó nghiêng, tôi thấy lượng khách này thua xa một số siêu thị xa trung tâm hơn như Aeon Mall (Long Biên, Hà Nội) hay Lotte (Ba Đình, HN). Số khách vào đây phần nhiều là người ngoại tỉnh, tranh thủ thăm thú là chính. Một phần nữa là khách ngoại quốc. Cũng có không ít những khách “nhí” đi cùng với bố mẹ ông bà vào đây để làm chỗ vui chơi, tránh nóng còn số khách thực bụng có ý định tiêu tiền ở đây thì cũng chẳng có mấy.

Cũng vì TTTM rất vắng khách nên có thể ngắm được kỹ lưỡng nội thất, cách bài trí các gian hàng. Nếu như cách đây khoảng chục năm, TTTM này vẫn là một trong số những nơi mua sắm thuộc hạng sang của thủ đô thì hiện tại nó còn được nâng lên một đẳng cấp mới dành cho lớp người thượng lưu.

Màu chủ đạo của tòa nhà là màu vàng nhạt. Tất cả những cửa hàng cửa hiệu đều bóng lộn, sạch như lau như li. Dù đã đi tất cả các TTTM lớn bé ở Hà Nội, song tôi vẫn thực sự ấn tượng với cách bài trí ở đây. Có tất cả 6 tầng kinh doanh. Tầng 1-2-3-4 là các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ trang sức, đồ gia dụng… với những thương hiệu đẳng cấp thế giới như Louis Vuitton, Kenzo, Christian Dior, Cartier, Rolex... Tầng 5-6 là khu dành riêng cho ngành hàng ăn uống, ẩm thực

Mặc dù rất bắt mắt nhưng tôi vẫn cảm thấy ít nhiều sự ngại ngần vì giá cả khi mua sắm tại đây. Nom hào nhoáng bóng bẩy, song lại phần lớn khách hàng không hào hứng lắm với việc mua sắm.

Bi đát hơn, TTTM Parkson (Thái Hà) đã phải chịu cảnh hoang lạnh từ mấy năm nay. Đây cũng là một trong những chi nhánh đầu tiên hệ thống TTTM này ở Hà Nội. Sau này, Parkson mở thêm một điểm nữa là TTTM Parkson Landmark 72 tại tòa nhà Keangnam, nhưng đã đóng cửa từ tháng 1-2015. Thời điểm hoàng kim, TTTM này được định vị là điểm đến của những người giàu ở Hà Nội. Khai trương từ tháng 4-2008 tại một địa điểm lý tưởng của thủ đô, TTTM Parkson Thái Hà từng được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm mua sắm lớn và tiện ích. Sau 5 năm đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ trưng bày sản phẩm có thương hiệu vào loại lớn nhất Hà Nội, với nhiều gian hàng từ tầng 1 đến tầng 7, nhưng lượng khách vào Parkson Thái Hà ngày càng thưa vắng.

Theo nhiều nhân viên bán hàng tại đây, việc cả ngày không bán được một sản phẩm là chuyện… “bình thường như cân đường hộp sữa”. Dạo một vòng tại TTTM này chúng tôi cũng có cảm nhận hệt như ở Tràng Tiền Plaza. Các gian hàng bóng lộn, sạch như lau như li, nhưng khách tham quan, mua sắm rất thưa thớt. Giờ mở cửa đón khách hằng ngày từ 9h30 đến 22h. Và mặc dù có thời điểm các gian hàng tổ chức chương trình khuyến mãi giảm giá đến 50% cho hầu hết các mặt hàng song vẫn không mang lại kết quả như mong đợi. Nhiều quầy vắng tanh ngay cả buổi tối - khung giờ khách hàng thường đến mua sắm, có khi là để thư giãn nữa.

vang nhu chua ba danh
Giấy chứng nhận này cũng không giúp được Tràng Tiền Plaza thoát khỏi cơn bĩ cực

Cùng chung tình trạng này, một số TTTM khác như The Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), IPH (Xuân Thủy, Cầu Giấy), Mipec Tower (Tây Sơn, Đống Đa), TTTM Hàng Da… không khí mua sắm khá trầm lắng. Mặc dù các trung tâm thương mại phối hợp với các gian hàng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn song vẫn không mời gọi được khách.

Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên cửa hàng quần áo tại TTTM The Garden chia sẻ: Trung tâm chỉ đông khách vào cuối tuần, những ngày thường vắng lặng chỉ có khoảng dưới 5 khách. Điều này đã dẫn đến doanh thu của trung tâm giảm thấp, chưa đến 100 triệu đồng/tháng.

Sức mua thấp, kinh doanh thua lỗ, nhiều gian hàng phải đóng cửa hoặc chuyển nhượng, không ít tiểu thương lần lượt rời bỏ các TTTM. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các TTTM lớn mà còn xảy ra ngay với cả với mô hình chợ truyền thống sau khi được nâng cấp lên TTTM.

Điển hình như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), chợ Việt Hưng (quận Long Biên)… Chỉ riêng chợ Hàng Da được đầu tư tới 250 tỉ đồng, ở vị trí đắc địa, kết hợp mô hình chợ truyền thống với TTTM hiện đại, nhưng từ khi được nâng cấp, chợ vốn sầm uất lại thưa vắng người mua. Hiện có hơn 400 hộ đang kinh doanh tại đây. Mặc dù TTTM Hàng Da được đổi tên thành Hà Nội Square và miễn phí thuê mặt bằng trong 1 năm nhưng việc kinh doanh vẫn ế ẩm. Nhiều gian hàng đóng cửa hoặc còn trống, một số khác treo biển chuyển nhượng.

Anh Hoàng Văn Minh, chủ cửa hàng bán túi xách ở TTTM Hàng Da nói: “Hầu hết các TTTM việc kinh doanh đi xuống, sức cầu rất kém. Lượng khách hiện tại ở trung tâm thì có thể duy trì ở mức độ vừa phải. Mặc dù hiện nay cửa hàng chưa phải thuê mặt bằng, nhưng bắt đầu từ năm thứ hai sẽ tính 30% giá trị hợp đồng”.

Theo dòng lịch sử Tràng Tiền Plaza tiền thân là Trung TTTM Godard do người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1958, TP Hà Nội quyết định sửa sang lại Godard, đồng thời hợp nhất 49 quầy hàng dưới hình thức công tư hợp doanh. Tháng 9-1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp hay còn gọi là Bách hóa Tràng Tiền.

Tháng 4-1993, dự án phá dỡ Bách hóa Tràng Tiền để xây dựng lại một TTTM mới đã được hình thành và triển khai thực hiện. Và phải đến năm 2002, TTTM Tràng Tiền - Tràng Tiền Plaza mới chính thức đi vào hoạt động sau khi được Tổng Công ty Vinaconex xây dựng trên nền Bách hóa Tổng hợp cũ do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền quản lý.

Sau hơn chục năm khai thác và vận hành, một lần nữa Tràng Tiền Plaza lại phải đóng cửa cải tạo nâng cấp. Lần này, Tràng Tiền Plaza được chuyển giao vốn sở hữu qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Đầu mối này phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tiến hành tái cơ cấu.

Đối tác được chọn hợp tác với SCIC là DFS, một đại gia nổi tiếng với chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, DFS được biết đến với doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn. Cho đến đầu tháng 4-2013, Tràng Tiền Plaza được mở cửa trở lại. Theo thông cáo, tổng mức đầu tư cho 112 gian hàng của Công ty IPP và các thương hiệu khác bao gồm: chi phí thiết kế trang thiết bị, hàng hóa... lên đến trên 150 triệu USD. Năm 2014 một lần nữa việc tái cấu trúc lại phải thực hiện.

Một lãnh đạo của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền thông tin với khách: Tràng Tiền Plaza sẽ có những điều chỉnh để phục vụ được nhiều phân khúc khách hàng trong nước và quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc Tràng Tiền Plaza không chỉ dành cho giới thượng lưu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại Tràng Tiền Plaza thực sự vẫn đang rất “khát” người mua.

Còn Parkson (tên đầy đủ là Parkson Holding Berhad ra đời từ năm 1987, là thành viên của Tập đoàn Lion của Malaysia) có mặt tại Việt Nam từ tháng 6-2005 bằng một TTTM tại TP HCM. Năm 2006, Parkson thứ hai có mặt tại TP Hải Phòng. Năm 2008, Parkson bắt đầu khai trương TTTM đầu tiên tại Đống Đa (Hà Nội). Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm lại có thêm 1 trung tâm mới được khai trương tại Việt Nam (trừ năm 2014).

vang nhu chua ba danh
TTTM Paskson Thái Hà cũng đồng cảnh ngộ

Sau hơn 9 năm kinh doanh tại Việt Nam, Parkson hiện có 9 TTTM, trong đó 6 TTTM tại TP HCM, 2 tại Hà Nội và 1 tại Hải Phòng, với hơn 300 nhãn hàng thuộc phân khúc cao cấp như Coach, Christian Dior, Estée Lauder, Lancôme, Clinique, Shiseido, Gucci, Clarins, Lacoste, Guess, CK Jeans, Esprit, Levis, adidas, Nike... đến các nhãn hiệu lớn trong nước như Vera, Nino Maxx, N&M, An Phuoc…

Quãng thời gian 2005-2010 có thể nói là thời gian “hoàng kim” của Parkson. Sau đó Parkson bắt đầu đi xuống. Đỉnh điểm năm 2014 cả 9 TTTM Parkson Việt Nam đều kinh doanh thua lỗ. Ngày 2-1-2015, Parkson đột ngột cho ngừng hoạt động Trung tâm Parkson Landmark tại Hà Nội sau 3 năm hoạt động (từ tháng 12-2011). Thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội nói rõ: “Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo kế hoạch đề ra và chúng tôi cũng nhận thấy các quầy hàng của Quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn cho đến nay”.

Theo một chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc mở rộng TTTM cần tránh ồ ạt, mà có tính toán, quy hoạch hợp lý, không chỉ về số lượng mà còn cả về phân khúc khách hàng, sản phẩm, phù hợp với sức mua của thị trường.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, bộ mặt hiện nay của Tràng Tiền Plaza đẹp và hoành tráng hơn trước đây, nhưng đi cùng với đó dường như các “thượng đế” không mấy mặn mà. Điều này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tuy Tràng Tiền Plaza được xây dựng mới to đẹp nhưng đối tượng phục vụ là khách hàng cao cấp, người tiêu dùng có điều kiện kinh tế cao. Còn trước đây, Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền quen thuộc với người dân thủ đô, ai muốn mua bán có thể ra vào thoải mái. “Người tiêu dùng cảm thấy bị phân biệt đối xử. Nhất là những người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp, họ không dám bước chân vào TTTM này. Theo tôi, nhà đầu tư không nên phân biệt đối xử với khách hàng là người thu nhập thấp, trung bình... nếu để lâm vào tình trạng “lãnh đạm” với người tiêu dùng phân khúc trung bình và thấp sẽ là thất bại”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Thứ hai, trong lúc nền kinh tế còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động các siêu thị, thì việc xác định lựa chọn đối tượng phục vụ phân khúc cao cấp cạnh tranh với Rex, Parkson, Diamond, Vincom… là hướng đi khó, vì vậy việc Tràng Tiền Plaza vắng khách là điều dễ hiểu.

Việc Tràng Tiền Plaza tuy có điều kiện vị trí thuận lợi nhưng lượng khách hàng đến siêu thị này không đông sẽ ảnh hưởng đến tâm lý “đám đông” của người tiêu dùng. Theo ông Phú, với một siêu thị, việc khách hàng đến không chỉ để mua sản phẩm mà còn tham quan, so sánh giá, mẫu mã và cũng để đánh giá chất lượng phục vụ. Ông Phú phân tích: “Việc xác định phục vụ khách hàng có điều kiện mua hàng còn khách tham quan không được chào đón là sai lầm, vì việc mua và tham quan là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Người ta sẽ không mua, nhưng nếu anh bán hàng tốt giá cao nhưng sản phẩm chất lượng dịch vụ tốt người ta sẽ quảng cáo giới thiệu cho anh”. Còn chúng tôi, sau khi khảo sát các “ngôi chùa Bà Đanh” thấy rằng: Nếu kéo dài tình trạng vắng khách sẽ khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, cũng như những nghi ngại, cùng với sự lây lan tâm lý sẽ khiến khách hàng sớm muộn cũng quay lưng với Tràng Tiền Plaza và các siêu thị khác.

Mở siêu thị, TTTM cần cân đối cung - cầu

TP Hà Nội hiện có khoảng hơn 140 TTTM, siêu thị. Theo các chuyên gia

vang nhu chua ba danh

trong lĩnh vực bán lẻ, nguyên nhân dẫn đến cảnh vắng khách của các trung tâm thương mại xa xỉ đình đám một thời, trước hết là do tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, những trung tâm thương mại chủ yếu kinh doanh hàng hiệu, tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp, thay vì số đông người Việt.

Trong khi đó, thị trường bán lẻ chưa hồi phục, việc ồ ạt mở ra nhiều khu TTTM càng khiến tình hình kinh doanh ế ẩm. Đến quý III/2014, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội chưa có dấu hiệu phục hồi, điều này dẫn đến công suất thuê giảm 8% và giá thuê giảm 10% so với năm 2013.

Vậy mà trong bối cảnh này, Hà Nội lại dự định kêu gọi đầu tư 1.000 siêu thị gồm 23 siêu thị hạng 1, 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng 3 từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các trung tâm hiện nay đang vắng khách phải chấp nhận một thực tế về sức mua của thị trường. Trong vòng 1-2 năm tới vẫn có những khó khăn.

“Các TTTM không nên thành lập mới, cần phải đặc biệt chú ý tới việc tránh sự cạnh tranh trực tiếp về mặt cơ cấu hàng giữa các siêu thị. Còn về việc xây dựng 1.000 siêu thị mới nên coi đó là định hướng quy hoạch, không nên coi đó là chương mang tính chất đầu tư tiền ngân sách. Nên công bố quy hoạch, thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa, trên tinh thần tận dụng cao nhất cơ sở thương mại hiện có, thay vì xây dựng mới và tốn ngân sách, không đáp ứng được cân đối cung cầu của thị trường xét về mặt hệ thống bán lẻ”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định.

Linh Sơn

Năng lượng Mới 552