"Vàng" đang... đổi màu!

16:35 | 12/10/2017

1,367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo các nhà nhân khẩu học, Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” bắt đầu từ năm 2007. Đây là một thời kỳ chỉ có duy nhất một lần trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vào thời kỳ này, nguồn lao động dồi dào tạo ra cơ hội khổng lồ cho sự phát triển của mỗi đất nước.

Cứ ngỡ là thời kỳ “vàng” này cũng kéo dài như nhiều quốc gia khác, thí dụ như Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Australia 73 năm, Mỹ 69 năm... thì đến nay mới khoảng 10 năm, dân số Việt Nam ta đã được các chuyên gia cảnh báo đang bước vào giai đoạn “già hóa”. Và như vậy, một nguồn tài nguyên quý giá đã và đang dần trôi vào quá khứ.

Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” của mỗi quốc gia được hiểu là cứ 2 người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) mới phải “gánh” một người trong độ tuổi phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người trên 64 tuổi).

Nhưng đến nay, dân số của Việt Nam đang già đi nhanh chóng, chỉ trong vòng khoảng 16-18 năm.

Trong một hội nghị bàn về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ông Philip O’Keefe, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới, hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều đó lại đang diễn ra khi Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay”.

Nguyên nhân của thực trạng này là do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng gấp khoảng 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới.

Vì thế, trong tương lai, nguồn cung về lao động của Việt Nam ngày càng giảm sút.

vang dang doi mau

Theo Bộ Y tế, hiện dân số Việt Nam khoảng 93,4 triệu người. Trong hơn 4 thập niên qua, nước ta đã giảm tổng tỷ suất sinh từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 70 của thế kỷ trước xuống còn 2,09 con tại thời điểm 2016.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều khu vực có mức sinh thấp, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện TP HCM có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước, chỉ đạt 1,45 con/phụ nữ, gần tương đương với Singapore (1,5), Hàn Quốc (1,3).

Cuộc sống hiện đại đã khiến nhiều cặp vợ chồng ngại ngay cả sinh đứa con thứ 2. Thậm chí, trong những cuộc trao đổi thẳng thắn trên mạng xã hội, họ đã tổng kết được hẳn 10 khó khăn, mất mát trong hạnh phúc gia đình khi có đứa con thứ 2 ra đời, nào là bạn chẳng còn thời gian cho việc gì nữa, rồi cảm thấy stress vì phải ôm đồm quá nhiều thứ, cảm giác lúc mới yêu nhau đã không còn, người vợ hầu như không còn hứng cho "chuyện ấy" nữa…

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã đặt ra vấn đề Việt Nam cần nới lỏng chính sách 2 con.

Khi đề cập đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng có nhiều trăn trở. Ông phân tích: "Hàn Quốc cũng giảm sinh con, khi họ đạt được mục tiêu 2 con rồi, họ giảm một cách tự nhiên xuống còn 1,7 và bây giờ chỉ còn 1,3. Một phụ nữ sinh dưới 2 con cho một quốc gia khoảng 30 năm thì sẽ không đủ lao động, khủng hoảng lao động. Nhật Bản hiện nay bình quân mỗi phụ nữ cũng chỉ sinh 1,3 con, nên khủng hoảng thiếu lao động. Dự báo trong vòng 50 năm (tính từ năm 2000) dân số Nhật Bản giảm 40 triệu người, từ 120 triệu xuống còn 80 triệu. Như thế sẽ thiếu lao động trầm trọng".

Trong một lần trao đổi với báo chí, GS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số - Gia đình và Trẻ em cho rằng, Việt Nam cần nới lỏng chính sách này bởi nhiều lý do. Thứ nhất, mức sinh phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế nên cho dù có cho phép sinh thêm nhưng người dân vẫn không đẻ nhiều, đơn cử như tại Trung Quốc.

Thứ hai, thế hệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay là những thanh niên được giáo dục về dân số kế hoạch hóa gia đình tốt, với lối sống hiện đại không muốn sinh nhiều con.

Thứ ba, người dân được tuyên truyền nhiều thập niên qua và đã thấy rõ lợi ích của việc sinh ít con.

Thứ tư, việc nới lỏng chính sách sinh con phù hợp với Công ước Cedaw mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có điều khoản các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Nói như vậy để thấy rằng, những bài học của các quốc gia láng giềng sẽ giúp cho Việt Nam tránh được những trả giá không cần thiết để phát triển trong tương lai.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc