Vẫn nhiễm độc chì vì thuốc cam

10:09 | 16/07/2017

748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều trẻ em phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện ngộ độc chì. Nguyên nhân là do sử dụng thuốc cam.

Hậu quả từ thuốc

3 tuần đầu tháng 6 vừa qua, Khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận 8 trường hợp trẻ ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Trong đó, nhiều trường hợp bị rối loạn nặng về thần kinh và tiêu hóa. Gần đây nhất là trường hợp của cháu Nguyễn Văn H (7 tháng tuổi, ở Ninh Bình) có biểu hiện nôn tháo, co giật, li bì... được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 19-6. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhiễm chì nặng và đang được điều trị tích cực bằng thở máy, dùng thuốc thải chì.

van nhiem doc chi vi thuoc cam
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Theo người thân cháu H trước đó cháu bị ho và sốt nhiều ngày. Sau khi thăm khám tại bệnh viện ở Ninh Bình và được bác sĩ kê đơn điều trị. Thế nhưng, bố mẹ cháu sợ thuốc Tây khó uống nên tự ý mua thuốc cam về chữa trị cho cháu.

Tương tự bệnh nhi trên, ngày 16-6, bé Nguyễn L (4 tháng tuổi, ở Hà Nội) cũng nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, ho nhiều... Người nhà cho biết, khoảng 1 tuần trước đó cháu bị nấm miệng nên mẹ cháu đã mua thuốc cam về tưa lưỡi cho cháu. Theo kết quả xét nghiệm máu cho thấy, bé bị ngộ độc chì nặng.

Trên đây chỉ là những trường hợp điển hình trong hàng ngàn bệnh nhi bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam. Điều đáng lo ngại là dù liên tục được cảnh báo, nhưng số bệnh nhi nhập viện do ngộ độc chì vì sử dụng thuốc cam vẫn gia tăng.

Thuốc cam nhiễm chì

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Cách đây vài năm đã có nhiều lời cảnh báo đối với loại thuốc cam không rõ nguồn gốc bị nhiễm chì. Sau một thời gian tạm lắng thì gần đây lại xuất hiện nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu với các biểu hiện nhiễm độc chì do sử dụng thuốc cam.

van nhiem doc chi vi thuoc cam

Lý giải về nguyên nhân khiến thuốc cam bị nhiễm chì, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, rác thải kim loại chưa xử lý đã đổ ra môi trường khiến đất đai và nguồn nước bị ô nhiễm, nên việc trồng các cây thuốc ở đó cũng bị nhiễm độc, trong đó có kim loại chì. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, bảo quản các loại dược liệu cũng có khả năng bị nhiễm chì, bởi các dụng cụ để thực hiện không đảm bảo.

Chì là một kim loại nặng, khi đã hấp thu vào người sẽ rất khó thải ra ngoài. Khi đã vào trong cơ thể, nó sẽ ngấm vào trong máu và các cơ quan như gan, thận... Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện rất đa dạng từ cấp tính đến mạn tính, tác động đến hệ thần kinh và tiêu hóa của trẻ. Các dấu hiệu điển hình ở mức độ nhẹ như mệt mỏi, thiếu máu, chán ăn, chậm lớn, da xanh xao... Các biểu hiện nặng hơn là về lâu dài, khi chì thấm vào não sẽ gây nên các triệu chứng về thần kinh như hôn mê, co giật, liệt cơ... ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần, khiến trẻ suy giảm trí tuệ, rối loạn tư duy.

Tuy nhiên, cũng có những biểu hiện không rõ ràng và dễ gây lầm tưởng với cách chứng bệnh khác như chỉ nôn chớ, ra mồ hôi trộm, ngủ giật mình, sốt co giật… khiến nhiều cha mẹ không phát hiện sớm, dẫn đến độc chì tích lũy trong cơ thể. Về lâu dài, việc loại bỏ chì ra khỏi cơ thể sẽ rất khó khăn và phải mất nhiều thời gian điều trị.

Theo khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi các bậc phụ huynh có ý định sử dụng thuốc cam cho con thì cần phải mua ở những cơ sở có uy tín và đảm bảo chất lượng. Hoặc có thể dùng các loại thuốc khác theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để thay thế thuốc cam. Khi thấy trẻ nhỏ có các biểu hiện của nhiễm độc chì thì cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị sớm, tránh những ảnh hưởng về lâu dài.

Thiên Minh - Chu Phương