Vấn nạn... rác

22:36 | 15/07/2017

501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội đang nỗ lực chuyển mình với mong muốn trở thành một thành phố du lịch hấp dẫn, “Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh”. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều chưa đẹp.  

Những “điểm đen” của rác và phóng uế

Một người bạn Hàn Quốc của tôi đến Hà Nội và mong muốn được đi dạo quanh Hồ Gươm, nhưng ngay lập tức anh chồng là một doanh nhân Hàn Quốc làm việc ở Việt Nam đã được 5 năm can ngăn: “Ra đó làm gì, Hồ Gươm khai lắm, người ta “đi” bậy khắp các gốc cây, cột đèn, trụ điện”. Quả thực, tôi quá xấu hổ trong tình huống này, nhưng vẫn cố vớt vát giải thích: “Đó là chuyện xưa rồi, bây giờ Hồ Gươm đã sạch sẽ, thoáng đáng hơn rồi!”…

van nan rac
Giáo dục vệ sinh môi trường cho học sinh

Thực ra không chỉ ở Hồ Gươm, ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, góc phố Yersin cạnh bờ tường Viện Vệ sinh dịch tễ… là nơi bị phóng uế nhiều nhất, luôn bốc mùi khai ám ảnh. Trong những câu chuyện kể, tôi ấn tượng với câu chuyện của anh bạn làm giáo viên. Chuyện là nhà anh ở phố Đội Cấn có một khúc rẽ hơi khuất, chỉ vì khuất nên nơi đây trở thành chỗ để người đi đường bí tiểu rẽ vào “giải quyết”. Lúc đầu, mấy nhà gần đó cùng làm biển “Cấm phóng uế” treo lên nhưng chẳng ăn thua. Có một cụ trong tổ hưu trí nêu sáng kiến, dùng giải pháp tâm linh may ra chữa được bệnh đái bậy. Khu phố dọn sạch sẽ khu vực nhạy cảm rồi đặt một bát hương to ở đó, dán thêm một lá bùa lớn với những chữ nho bên trên. Cụ còn chăm nom để luôn có nén nhang nghi ngút khói bay ở đó. Kỳ lạ thay, kể từ đó không thấy ai dám “tiểu đường” ở chỗ đó nữa. Vậy là “vấn nạn” hàng chục năm trời được giải quyết dứt điểm.

Phụ thuộc ý thức người dân

Trong 3 năm trở lại đây, các quận trong thành phố thường phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Hà Nội tổ chức nhiều đợt hành động để làm sạch môi trường, nâng cao ý thức người dân trong việc làm đẹp Hà Nội. Một trong những hoạt động lớn gây ấn tượng là những “Lễ ra quân phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, triển khai các nhiệm vụ đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường” trên địa bàn một số quận. Hoặc chương trình “Ngày thứ Bảy xanh”, “Thứ Bảy không ngủ nướng”… thực hiện ở từng phường, khu phố để vận động người dân cùng nhau làm vệ sinh ngõ phố, dọn sạch những bãi rác làm xấu khu phố nhiều năm, loại bỏ những khu vực bị phóng uế bừa bãi… Việc thu gom rác theo giờ được thực hiện cũng góp phần tích cực, nhiều con phố, tuyến đường ngày càng gọn gàng và ngăn nắp hơn. Người dân chú ý mang rác đi đổ khi có xe thu gom, chứ không bạ lúc nào cũng mang rác lẳng ra đường như trước kia.

van nan rac
Thu gom rác bừa bãi là việc làm hằng ngày của mọi người

Một số khu vực đã thực hiện cơ giới hóa trong việc dọn sạch đường phố bằng xe quét đường, xe rác chạy theo giờ để gom rác từ các thùng rác công cộng… khiến cho đường phố gọn gàng, sạch sẽ hơn nhiều. Nhiều khu vực công cộng, nhất là khu vực nhiều khách du lịch thăm quan, các thùng rác có nắp đậy kín đã được sử dụng nhằm giảm bớt những ổ rác thải ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, có thể thấy ý thức một số người dân còn chưa cao, nhiều khi thùng rác chưa đầy nhưng họ vẫn tiện tay vứt rác bên ngoài thùng, khiến đội ngũ thu dọn rác phải làm việc vất vả hơn.

Thời gian gần đây, phố xá Hà Nội đã dần sạch hơn. Những điểm nóng phóng uế bừa bãi về cơ bản không còn. Tuy nhiên, đó đây vẫn còn điểm rác bị xả bừa bãi, khiến người dân sống xung quanh vô cùng bức xúc và khách du lịch thì chỉ biết lắc đầu. Đơn cử điểm rác dưới cây ATM 35 phố Hàng Mắm (quận Hoàn Kiến) vốn nhức nhối nhiều năm nay, ngay giữa khu phố khách du lịch đi lại nườm nượp. Bà Bích Hạnh, chủ cửa hàng vàng tại 33 Hàng Mắm chia sẻ: “Điểm rác phát sinh ở số 35 Hàng Mắm cần có giải pháp thật mạnh mới có thể xóa bỏ. Hằng ngày người ta đổ rác ngay xuống lòng đường, càng về chiều rác càng ùn lên và bốc mùi nồng nặc. Đến tối thì ngập ngụa rác. Thậm chí người đi đường thấy rác sẵn rồi nên cũng tiện tay ném rác vào vì tưởng đây là điểm thu gom rác”.

Nhà báo Lê Thấu, nguyên Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống: “Dân ta lâu nay quan điểm, chỉ cần sạch nhà mình, mặc kệ phố bẩn, không phải việc của ta, vì thế mà cứ xả rác bừa bãi ra nơi công cộng. Nhưng cách nghĩ như vậy chỉ thể hiện trình độ dân trí thấp. Để thay đổi ý thức của mỗi người dân về văn hóa nơi công cộng, cần cả một quá trình kiên trì và một chương trình giáo dục có đầu tư bài bản từ nhà trường tới khu phố.

Ông Phạm Xuân Hà, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Việt tại Czech: “Cần cứng rắn hơn chứ không chỉ tuyên truyền, giáo dục suông. Nếu như chúng ta ra luật xử phạt nặng hành vi xả rác nơi công cộng, ví dụ mức phạt lên tới cả tháng lương cho một lần vi phạm thì chắc chắn không ai dại gì mà xả rác bừa bãi nữa”.

Thùy Hương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc