Vấn nạn dạy thêm, học thêm: Thầy cô, phụ huynh chỉ là... phần ngọn!

16:18 | 06/11/2012

2,054 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau khi Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm được ban hành, thì một lần nữa vấn đề này lại “nóng” hơn bao giờ hết với nhiều ý kiến khác trái chiều nhau.

Có ý kiến cho rằng tổ chức dạy thêm, học thêm là do giáo viên muốn cải thiện đời sống. Hoặc đây là vấn đề xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh do “không có người trông trẻ”. Ý kiến khác lại cho rằng vì không dạy được con nên cha mẹ buộc con mình phải học thêm...  Tuy nhiên, đâu là căn nguyên chính của vấn đề đã, đang và sẽ luôn nan giải này?

Chị Nguyễn Mai Anh, năm nay có con học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận Ba Đình. Bắt đầu từ lớp 3 thì chị Mai Anh cho con mình đi học thêm do chính cô giáo chủ nhiệm con chị dạy với lịch học 2 buổi/tuần, trong đó 1 buổi học tiếng Việt, 1 buổi học toán. Để dẫn đến quyết định cho con đi học thêm này, đối với chị Mai Anh là một quá trình trải qua từ cảm nhận đến... đấu tranh.

Bởi nghe người ta lên án quá nhiều chuyện dạy thêm học thêm, thậm chí có người lớn tiếng chỉ trích những phụ huynh cho con đi học thêm là vì: lười nhác, không dạy con, ỷ lại cho giáo viên; là muốn có người “trông trẻ” v.v... Nên chị không muốn bị “tiếng” này trong khi chị có thừa thời gian để dạy con học.

Nhưng suốt từ năm lớp 1 đến lớp 2, sau không biết bao nhiêu lần hướng dẫn con học, chị đã nhận ra rằng: với lượng kiến thức mới từng ngày như thế này thì một người không có chuyên môn sư phạm như chị sẽ không dạy nổi con.

Đặc biệt là với môn toán. Chị còn nhớ mãi dạng toán “hơn và kém” (toán có lời văn) được dạy ở học kỳ II của lớp 1, loay hoay mãi mà chị không tìm ra phương pháp giảng dạy để con hiểu thấu đáo.

Vì con chị cứ dập khuôn cách làm: “Hơn thì làm tính cộng mà kém thì làm tính trừ”, mặc dù trong thực tế thì không phải như vậy mà cần phải biết phân tích, hiểu rõ đề bài.

Cụ thể như: “Anh có 5 cái kẹo. Anh nhiều hơn em 2 cái. Hỏi em có bao nhiêu cái kẹo?”. Nếu theo cách làm máy móc của con chị thì cứ đọc thấy “hơn” là thực hiện phép tính cộng lập tức.

Trong khi bài này phải làm phép tính trừ. Nhưng để giảng cho con hiểu, chị không biết làm cách nào. Cuối cùng hỏi cô giáo, cô mới hướng dẫn chị quan trọng nhất phải dạy con cách nhận biết trong bất cứ bài toán nào dạng này: câu hỏi yêu cầu tìm người có ít hay nhiều hơn. Từ đó sẽ biết cách thực hiện. Vậy ở lớp giáo viên có giảng “bí quyết” làm bài trên không?

Khi chị Mai Anh hỏi điều này,  giáo viên đã trả lời là: “Có. Nhưng với lượng kiến thức nhiều nên có thể học sinh đã không nhớ”. Và quả thực chị Mai Anh cũng thấy vậy.  Bởi hướng dẫn con học bao nhiêu lần ở nhà, có những lúc ôn lại cho con kiến thức cũ, chị cũng không nhớ nổi kiến thức ấy được thực hiện như thế nào (thực hiện theo cách của tiểu học).

Tương tự, cháu Vũ Minh Hiếu, học sinh của một trường THCS ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tâm sự rằng: “Nếu không đi học thêm thì ngay cả kiến thức cơ bản có khi cũng không học hết được. Vì không những nhiều kiến thức mà kiến thức còn khó nữa”.

Vấn nạn học thêm, dạy thêm một phần do chương trình học quá nặng.

 

Hiếu kể, mỗi tuần, cùng với toán, Văn là môn học gần như ngày nào cũng có tiết, thậm chí có ngày 2 tiết. Nhưng khó nhất trong môn văn là những bài giảng văn với tầng ý nghĩa rất sâu.

Đặc biệt là Thơ Đường, nhiều từ Hán, các em không hiểu, ý tưởng, ý nghĩa tác giả gửi gắm qua bài thơ, càng khó hiểu nữa. Mà 1 tiết 45 phút, trong đó mất 10-15 phút kiểm tra bài cũ nên thời gian còn lại không đủ để học hết một cách đúng nghĩa những bài đó.

Bởi vậy, Hiếu chia sẻ: “Phải học thêm không còn các nào khác”. Ngay cả giáo viên dạy văn của Hiếu cũng cho biết: Chương trình giảng dạy môn văn cũng rất vô lý,  khi đáng lẽ càng lên bậc học cao, văn học càng phải khó thì đằng này ngược lại càng lên cao càng dễ(?!). Sở dĩ có chuyện này là vì văn học được chia theo tiến trình về thời gian chứ không theo nội dung.

Tìm hiểu qua các bậc phụ huynh, học sinh không những ở trường công mà cả ở trường dân lập trên địa bàn Hà Nội, thì phải 80% mọi người đều đồng quan điểm: những nguyên nhân để dẫn đến học thêm, dạy thêm như: “tìm người trông trẻ”, “ỷ lại giáo viên”, hay: “giáo viên buộc phải học thêm” chỉ là phụ mà căn nguyên chính vẫn là chương trình quá nặng.

Ngay cả một trưởng phòng giáo dục ở TP.Hồ Chí Minh cũng đã phát biểu: “Với chương trình hiện tại, tôi cũng phải cho con đi học thêm”. Hay nhiều giáo viên ở các trường, bản thân họ cũng thừa nhận:  phải cho con đi học thêm nếu không thì không học được.

Và xin nhấn mạnh “học được” ở đây mới chỉ là kiến thức cơ bản. Còn kiến thức nâng cao, học sinh phải tìm thầy ở bậc ĐH, CĐ, các trường chuyên mới dạy được.

Vì đúc kết của các học sinh thi đỗ ĐH: “Nếu nắm chắc kiến thức cơ bản thì khi thi ĐH chỉ đạt 5 điểm. Còn để đỗ ĐH phải học nâng cao rất nhiều”. Chính vì vậy, mà việc học thêm, dạy thêm ngày càng tràn lan hơn.  Mà tham vọng đỗ ĐH để làm “thầy” chứ không làm “thợ” gần như đang “thống trị” trong tâm trí của mọi người Việt Nam.

Cho nên, để không còn tình trạng dạy thêm học thêm hoặc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách đúng mực, không gì khác là phải cải tổ từ “gốc” là xây dựng chương trình, sách giáo khoa phù hợp, xây dựng chế độ, chính sách tiền lương phù hợp với giáo viên...

 

Xuân Bách 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.