Vẫn lại chuyện “kính thưa”

07:00 | 19/02/2017

3,364 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm cũ đã qua, năm mới đến, có nhiều hội nghị, sự kiện khiến danh xưng "Kính thưa" được sử dụng nhiều hơn.

Dịp đầu năm 2017, nhiều địa phương kỷ niệm 20 năm "Ngày tái lập tỉnh" 1997-2017, cho nên có nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương được mời về dự lễ, chỉ riêng việc giới thiệu đại biểu một cách rất chi tiết, đầy đủ ở không ít nơi và sự "Kính thưa" đã mất khá nhiều thời gian trước khi đi vào nội dung chính. Tại sao "thủ tục thưa gửi" lại nặng nề như vậy?

Chúng ta bước vào xây dựng xã hội mới từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, có đến 80-90% số dân sống trong "lũy tre làng", phần lớn cán bộ, công chức cũng "bước ra" từ đó, cho nên cách đối nhân, xử thế, nhìn lên, nhìn xuống ở nhiều nơi vẫn mang nặng tính lễ giáo phong kiến. Cho đến nay, chuyện thưa gửi trong các hội nghị, họp hành, lễ hội, kỷ niệm, khánh tiết... vẫn rất hình thức, nặng nề. Nhiều khi gây rắc rối vì càng giới thiệu chi tiết, đầy đủ lại thành ra… thiếu. Trong không ít cuộc hội nghị nội dung nghèo nàn, nghi lễ nặng nề, trong diễn văn khai mạc có đến cả chục lần "kính thưa" các vị đại biểu, không sót một người nào. Có vị lãnh đạo ở một cơ quan Trung ương phàn nàn: "Mình đến phát ngượng khi đến dự một cuộc họp ở tỉnh nọ mà được giới thiệu đi giới thiệu lại không thiếu một chức danh nào, từ cấp nhỏ nhất đến cấp lớn nhất".

van lai chuyen kinh thua

Có những vị lãnh đạo khi được giới thiệu lại sai cả từ chức danh đến họ, tên, học hàm, học vị… Có những lãnh đạo không biết vô tình hay cố ý lại được giới thiệu chức danh cao hơn chức danh hiện tại. Thậm chí có lãnh đạo cấp vụ ở cơ quan Trung ương, chỉ là phó văn phòng kiêm chân giúp việc cho đồng chí thủ trưởng cơ quan, nhưng lại được giới thiệu là "trợ lý". Vì sợ "mất lòng" cấp trên, tâm lý chung của cấp dưới thường là giới thiệu theo kiểu "thà thừa còn hơn thiếu". Do vậy, không ít trường hợp, người đại diện ban tổ chức giới thiệu cả những cán bộ… chưa có mặt.

Không ít trường hợp vì sĩ diện, vì muốn "oai", có cán bộ đã bỏ ra về vì không thấy giới thiệu mình. Có trường hợp, cán bộ trong ban tổ chức hay cơ quan, đơn vị chủ trì lại phải chạy vội từ dưới lên đặt trước mặt người đang đăng đàn một miếng giấy nhỏ hoặc ghé sát tai người kia nói gì đó. Ngay sau đó người đăng đàn lại: "Xin lỗi", vì lý do kỹ thuật chúng tôi trân trọng giới đồng chí A, đồng chí B cũng có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay. Cũng có khi cái chức danh cán bộ lãnh đạo nào đó không phù hợp với thực chất phẩm chất, năng lực, trình độ anh ta đang giữ, mà người chủ trì không biết điều "tế nhị" đó, vẫn giới thiệu đầy đủ, tạo ra sự ồn ào trong hội trường.

Việc "kính thưa" nhiều khi cũng xảy ra tình trạng lộn xộn hoặc "tiền hậu bất nhất" trong xưng hô. Có trường hợp trong một hội nghị của một tổ chức Đảng, nhưng người có trách nhiệm lại xưng hô: Kính thưa các vị (nhẽ ra là phải đồng chí). Còn trong một số hội nghị, hội thảo có cả đầy đủ các thành phần xã hội, tôn giáo, tri thức, dân tộc... người lên phát biểu trước sau vẫn "kính thưa các đồng chí". Không ít hội nghị, mít-tinh có đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự, nhiều cán bộ lãnh đạo, đại biểu khi đăng đàn vẫn "kính thưa bà con nhân dân" (nhẽ ra phải là "đồng bào" như Bác Hồ thường dùng).

Trong lần khánh thành sân bay ở một địa phương nọ, khi đó có cả Thủ tướng Chính phủ và một số bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tới dự, người của ban tổ chức khi giới thiệu đã: "Kính thưa các vị quan chức; kính thưa ông thủ tướng A, kính thưa ông bộ trưởng B, bộ trưởng C, chủ tịch D...". Đến lượt một cán bộ khác đăng đàn thì lại: "kính thưa đồng chí thủ tướng A; kính thưa các vị bộ trưởng, quan chức lãnh đạo tỉnh...". Rõ ràng là tiền hậu bất nhất khi xưng hô với cùng một người. Hơn nữa dùng từ "quan chức" đối với cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nước ta là thiếu cân nhắc, "quan" chỉ được dùng cho "quan lại" thời phong kiến.

Từ ngày 29-10-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP Quy định về tổ chức ngày lễ kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghi lễ đối ngoại và tiếp đón khách nước ngoài. Trong Chương VII, Điều 27 đã quy định rõ về trình tự tiến hành lễ kỷ niệm bao gồm: tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng. Khi trình bày diễn văn hoặc báo cáo, chỉ kính thưa họ tên và chức danh người lãnh đạo có chức danh cao nhất ở Trung ương hoặc bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị đến dự.

Như vậy, có thể nói chuyện "kính thưa" tưởng chừng là chuyện nhỏ, nhưng trong thực tế, đối với một số cán bộ lãnh đạo thì nó lại là một vấn đề không nhỏ chút nào. Nó phản ánh biểu hiện xu nịnh cấp trên của một số lãnh đạo cấp dưới và hiện tượng thích tỏ ra là nhân vật "đang lên", thích được trọng vọng của một số cán bộ lãnh đạo. Để giải quyết cái khó của việc "kính thưa" thì có nhiều cách khác nhau, trong đó những người đứng đầu cấp trên phải nêu gương, không háo danh, tránh hình thức. Tất cả các cán bộ nhớ và thực hiện đúng như Nghị định của Chính phủ nói trên thì cái khó sẽ được vượt qua. Quy định của Trung ương về việc không chăng khẩu hiệu "Nhiệt liệt chào mừng... về thăm và làm việc..." đã được thực hiện rất tốt. Đó là một thí dụ cụ thể về sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo trong việc xóa đi bệnh hình thức không đáng có tồn tại ở nước ta trong một thời gian dài. Vì như Bác Hồ đã nói, vào Đảng không phải để "làm quan phát tài"; "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân".

Vũ Lân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc