Văn hóa trong kỷ nguyên hội nhập

11:00 | 26/01/2014

27,951,500 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai khái niệm bảo vệ bản sắc văn hóa và xuất khẩu văn hóa gần như tồn tại song song trong nền văn hóa toàn cầu. Châu Á cũng như nhiều nước khác (trong đó có cả châu Âu) đang nhìn vấn đề này với sự quan tâm đặc biệt. Làm gì để bảo vệ văn hóa là câu hỏi không chỉ dành cho giới chủ quản văn hóa mà còn được xem trọng từ những nhà hoạch định chính sách. Vài nước châu Á đang làm rất tốt việc bảo vệ văn hóa trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài.

Từ “transculturation”

Văn hóa không tĩnh. Nó phát triển theo phong tục và thói quen. Theo Từ điển Webster (Third New International Dictionary), văn hóa là “toàn bộ mô hình thể hiện hành vi con người và sản phẩm văn hóa thể hiện ở ngôn ngữ, hành động và vật dụng, tùy thuộc vào khả năng con người trong học hỏi và truyền tải kiến thức cho các thế hệ tiếp nối”.

Theo định nghĩa này, “khả năng học hỏi và truyền tải kiến thức cho các thế hệ tiếp nối” là một phần quan trọng trong chiều dài phát triển văn hóa. Trong khi đó, thế giới đang sống trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập văn hóa (tạm dịch từ thuật từ “transculturation” do nhà văn hóa học lừng danh người Cuba Fernando Ortiz đặt vào năm 1947 để miêu tả hiện tượng hội nhập văn hóa).

Quảng cáo món kim chi truyền thống trong phim Hàn Quốc

Trong phạm vi “transculturation”, có sự tồn tại của đa văn hóa (multiculturalism), sự kết hôn giữa các màu da (interracial marriage) và cả sự hội tụ dân tộc học (ethnoconvergence). Một cách đơn giản, toàn cầu đã tạo ra khái niệm “transculturation” và yếu tố ngôn ngữ  - như trong định nghĩa Webster - phần nào đó đã giúp khái niệm trên trở thành phổ quát, trong trường hợp này là tiếng Anh. Tuy nhiên, tồn tại song song xu hướng “transculturation” là sự thận trọng trong tiếp nhận cũng như nỗ lực duy trì bản thể văn hóa riêng. Điều này chẳng có gì lạ.

Trong lịch sử văn minh con người, chủ nghĩa bành trướng đế quốc bằng công cụ văn hóa (cultural imperialism) từng hiện diện. Sự biến mất của ngôn ngữ và văn hóa Etruscan do ảnh hưởng đế quốc La Mã là một ví dụ. Khó có thể hết những trường hợp tương tự trong suốt chiều dài lịch sử con người. Tổng quát, việc thống trị và đô hộ dân tộc khác không bằng quân sự mà bằng văn hóa là điều từng xảy ra và thật ra cũng đang xảy ra đối với không ít người - khi nhắc đến sự phổ biến toàn cầu của văn hóa Mỹ.

Do đó, bất chấp trào lưu “transculturation” như thế nào, việc duy trì bản thể văn hóa (cultural identity) bất cứ lúc nào cũng là điều cần xem trọng, đặc biệt khi khoa học - kỹ thuật (cụ thể là Internet) đã đẩy nhanh tốc độ lan truyền luồng văn hóa mạnh hơn và đưa nó thâm nhập vào dòng văn hóa yếu hơn. Sẽ là không thừa khi nhắc lại rằng có rất nhiều nước, từ Tây sang Đông, đã và tiếp tục áp dụng nhiều chính sách bảo vệ văn hóa bản địa. Một trong những chiến thuật được đánh giá hiệu quả là chính sách hạn ngạch (quota) nhằm hạn chế lượng nhập khẩu sản phẩm điện ảnh - ca nhạc nước ngoài.

Đến bản thể văn hóa (cultural identity)

Hàn Quốc thật sự là bài học về chính sách bảo vệ văn hóa nội địa trong xu hướng hội nhập. Nếu không kể Nhật, Hàn Quốc là nước châu Á hiện đứng đầu về xây dựng văn hóa dân tộc (và thậm chí xuất khẩu). Nếu nhìn sang Pháp, người ta có thể thấy Hàn Quốc không rườm lời trong cuộc chiến bảo vệ văn hóa nhưng đã họ có một chính sách tầm xa và kiên trì thực hiện một cách bài bản thật đáng phục. Nói cách khác, Hàn Quốc đã xây dựng nội lực riêng, biến luồng văn hóa yếu hơn của mình đủ mạnh để đẩy lùi sự thâm nhập của luồng văn hóa mạnh hơn, ở đây là văn hóa Mỹ, cho dù đó là dòng văn hóa có khi được xem là tượng trưng cho xu hướng hội nhập toàn cầu.

Quốc gia thành công nữa không chỉ trong cuộc chiến bảo vệ văn hóa bản địa mà còn thừa bản lĩnh để xuất khẩu văn hóa không thể không kể là Nhật. Trong thực tế, Nhật là đàn anh Hàn Quốc trong công nghiệp xuất khẩu văn hóa, tăng liên tục 15 năm qua, với đủ sản phẩm, từ điện ảnh, phần mềm, ca nhạc, đến video game. Chỉ riêng truyện tranh Nhật đã là ngành công nghiệp trị giá 19 tỉ USD (60% phim hoạt họa truyền hình thế giới được sản xuất tại Nhật), trong tổng trị giá công nghiệp văn hóa 106 tỉ USD (chiếm 2% GDP, gấp đôi công nghiệp thép và bằng 1/2 công nghiệp xe hơi Nhật!). Nhật cũng làm cực tốt chiến lược liên kết đối tác nước ngoài.

Như Hàn Quốc, xuất khẩu văn hóa là chủ trương cấp chính phủ. Năm 1991, Bộ Ngoại giao Nhật cùng Bộ Viễn thông - Bưu điện (MPT) đã thành lập Trung tâm Truyền thông Nhật Bản (JAMCO) nhằm tài trợ việc xuất khẩu chương trình truyền hình Nhật đến các nước đang phát triển. Năm 1997, MPT còn thành lập một ủy ban chuyên giám sát - báo cáo việc xuất khẩu chương trình truyền hình Nhật; và năm 2001, một cơ quan nghiên cứu cũng được thành lập để theo dõi các thách thức cũng như tiềm năng trong xu hướng văn hóa khu vực lẫn thế giới nhằm hoạch định bài bản hơn chiến lược xuất khẩu sản phẩm văn hóa.

Một cách tổng quát, xuất khẩu văn hóa là chiến lược cấp quốc gia của Nhật, nằm trong khái niệm gọi là “sức mạnh mềm” (“soft power”, thuật từ do Giáo sư Joseph S. Nye thuộc Đại học Harvard đặt vào năm 1990 để nói đến các phương cách phi truyền thống mà một quốc gia sử dụng nhằm tạo ảnh hưởng). Ngoài Nhật và Hàn Quốc, nước thứ ba rất thành công trong kỹ thuật thương mại hóa sản phẩm văn hóa là Ấn Độ.

Tính thực chất của vấn đề mới đem lại thành công 

Trong cuộc chiến bảo vệ văn hóa bằng nội lực, châu Âu hẳn phải nể phục châu Á. 1/3 phim sản xuất tại châu Âu đã không vượt qua nổi biên giới khu vực. Cơn lốc diễn viên châu Âu “trốn” sang Mỹ tiếp tục đe dọa điện ảnh khu vực này. Một trong những nguyên nhân đầu tiên là điện ảnh châu Âu có khuynh hướng phản kháng thái độ thương mại hóa. Nguyên nhân thứ hai là hệ thống phân phối điện ảnh châu Âu hoạt động không hiệu quả (điều này có lẽ châu Âu cần “tham khảo” kỹ thuật bán phim kèm sản phẩm tiêu dùng mà Hàn Quốc hiện là bậc thầy).

Một số ý kiến - chẳng hạn Konrad Pechen, Giám đốc Hiệp hội điện ảnh Rhine-Westphalia nêu thêm rằng, giới sản xuất châu Âu còn có thói quen khoái làm phim cốt chỉ tranh giải tại các liên hoan như Cannes hoặc Venice, bất chấp xu hướng thưởng thức của đa số công chúng. Tệ hơn nữa, nhiều khu phức hợp xinê châu Âu hiện nằm trong tay người Mỹ. Do đó, chẳng trách được tại sao châu Âu chỉ ngập phim Hollywood.

Thời văn hóa hội nhập, nhiều khái niệm mới đã nảy sinh, từ intercultural conviviality (thưởng thức văn hóa liên thông) đến infotainment (information và entertainment - thông tin và giải trí) và những khái niệm này ra đời từ thực tế xu hướng toàn cầu (cùng vài yếu tố chẳng hạn hiện tượng đô thị hóa và sự phát triển công nghệ thông tin). Song song hội nhập, việc duy trì bản sắc văn hóa nội địa cũng như ngăn cản sự thâm nhập văn hóa ngoại lai ngày càng được nhấn mạnh, không chỉ trong các hội thảo khu vực mà còn nhiều lần được bàn luận trên phạm vi diễn đàn thuộc Liên Hiệp Quốc.

Và tất cả đều đi đến kết luận chung rằng, sẽ chẳng phương pháp nào tốt hơn trong việc xây tường thành bảo vệ văn hóa bằng cách củng cố sức mạnh văn hóa bản địa (giành phần thắng trên sân nhà là điều tiên quyết - như bài học rút ra từ cuộc chiến chống văn hóa Mỹ tại châu Âu). Sức mạnh này chỉ có thể có khi công nghiệp văn hóa nói chung được nhìn nhận ở cấp độ chính sách quốc gia và được chuyên nghiệp ở mọi khâu, từ sản xuất đến phát hành, từ đào tạo đến quản lý, từ đầu tư đến sử dụng tài năng.

Và điều đầu tiên là tạo ra một môi trường đủ thoáng và rộng để ít nhất cũng có được sự cạnh tranh giữa các đối thủ trên sân nhà cũng như sự hợp lực (trong chính sách tư nhân hóa) giữa các hãng trong nước (chính sự liên kết giữa các hãng phim nội địa đã giúp Hàn Quốc tiến nhanh trong việc áp đảo Hollywood trên sân nhà), nhằm cuối cùng cung cấp thị trường sản phẩm tốt nhất và đủ bản lĩnh đối chọi sản phẩm văn hóa nước ngoài.

Mạnh Kim