Văn hóa cà phê vòng quanh thế giới

06:50 | 08/08/2012

2,081 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ những hạt cà phê nhỏ bé màu nâu cánh gián, người ta đã pha chế ra một thức uống mê hoặc cả thế giới. Thưởng thức cà phê theo phong cách riêng của mỗi vùng, miền, quốc gia cũng là đến gần hơn với văn hóa của nơi đó.

Một số nước như Jamaica, Colombia, Kenya thì thích uống nóng. Một số khác vùng Phi Châu thì thích uống cà phê thêm một chút bạc hà cho có vị the; người Ả Rập thì thích trộn lẫn chocory với cà phê tạo ra mùi vị quái lạ. Người Ý uống cà phê Espresso với đường, người Đức và Thuỵ Sĩ - với sôcôla nóng, người Mêhicô - với nước chanh, người Bỉ - với sôcôla. Người Moroccans uống cà phê với hạt tiêu, người Êtiôpia thì với muối. Những người uống cà phê ở vùng Trung Đông thường cho thêm hạt bạch đậu khấu và hạt tiêu. Những người Áo lại thích uống cà phê với kem. Tuy nhiên người Pháp và người Ý mới là người đi tiên phong khi đưa cà phê lên một vị trí mới, đó là uống cà phê pha thêm với sữa và các sản phẩm thực phẩm như: kẹo cà phê, bánh cà phê… 

Văn hóa cà phê của nước Ý

Người Ý yêu cà phê hơn mọi thứ! Bạn có thể lấy đi của họ chiếc điện thoại di động, chiếc bánh Pizza, nhưng không thể lấy ly cà phê của người Ý! Không bao giờ...

Ở Ý, có nhiều quán cà phê đến nỗi những người dân thường cũng biết làm thế nào để có ly Espresso hoàn hảo. Không cần phải đến những quán cà phê hạng sang, chỉ cần ghé một quán cà phê bài trí đơn sơ, du khách cũng được thưởng thức những món cà phê nóng rất ngon pha máy (máy pha cà phê có mặt ở hầu hết các quán cà phê). Một chuyên gia nghiên cứu cà phê Ý đã nói: "Không có nước Ý, không có Starbucks. Không có cà phê, nước Ý chẳng thể phát triển được".

Tuy nhiên, cà phê ngon nhất không phải được trồng ở Ý mà là được rang và ướp hương tại Ý! Hạt cà phê ngon là điều kiện cần để có cà phê ngon. Chỉ có những bậc thầy về rang cà phê mới tạo ra hạt cà phê ngon nhất.

Người Ý chỉ vừa uống cà phê vừa ăn bữa sáng, không uống cà phê khi ăn trưa, tối. Người Ý chỉ uống cà phê sau bữa ăn vì axit trong cà phê không làm hại dạ dày như khi đói, vừa tốt cho tiêu hóa. Nếu bạn muốn uống Espresso, chỉ cần nói "caffe". Espresso được dùng với ly sứ nhỏ, dày, không dùng với ly dùng 1 lần, loại lớn như Starbucks. Espresso hàm nghĩa "uống nhanh". Nếu uống ngay tại bar (trong khi đứng), bạn sẽ phải trả ít tiền hơn khi nhâm nhi cà phê tại bàn (khoảng 4 lần). Đừng bao giờ kêu 1 ly Cappuccino sau 11h (loại thức uống nổi tiếng mà người Ý chỉ dùng trong buổi sáng).

Văn hóa cà phê ở Mỹ

Nước Mỹ là quốc gia trẻ và đầy sức sống, con người ở đây ưa sống tự do, tất cả đều theo sở thích, văn hóa cà phê cũng không ngoài lệ. Người Mỹ sử dụng cà phê hoàn toàn theo ý thích, không sành điệu như người châu Âu, cũng không cầu kì như người Arab, uống để mà uống, uống thoải mái, vì vậy Mỹ là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, dù ở nhà, trường học, công sở hay chốn công cộng và bất cứ ở đâu, lúc nào, người ta đều có thể ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của cà phê. Có câu chuyện rằng, khi một trục trặc chết người xảy ra với con tàu Apollo 13 lúc đang bay, chỉ huy mặt đất từng động viên tinh thần của phi hành đoàn bằng câu: “Hãy cố lên, li cà phê nóng hổi và thơm lừng đang chờ các bạn!”.

Cà phê ở Thổ Nhĩ Kỳ

Không thể biết chính xác người Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu dùng cà phê và có cách pha chế đặc trưng của mình từ khi nào nhưng theo những nhà làm sử của nước này thì ghi nhận rằng: Cà phê đã được đưa vào Istabul từ khoảng những năm 1519 -155 theo sau những người lái buôn Syrian.

Cà phê phát triển và trở nên phổ biến thực sự khi quán cà phê đầu tiên của thế giới được mở tại Istabul vào năm 1575. Tại đây, cà phê được coi như “một loại sữa của những người chơi cờ và những người làm việc đầu óc”.

Cà phê được chuẩn bị trong một cái bình nhỏ; nước, cà phê, đường được hòa trộn và đun sôi lên tới một nhiệt độ nhất định, cà phê được rót ra mời khách….. Phương thức chuẩn bị cà phê theo hình thức này được xem là có nguồn gốc từ Damacus và được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ của Đế chế.

Muốn tận hưởng được một ly cà phê ngon, pha chế đúng theo cách của người Thổ Nhĩ Kỳ, bạn cần phải hết sức chậm rãi và thư thái. Đây không phải là một loại cà phê mà bạn vừa có thể đi, vừa thưởng thức giống như việc dùng cà phê ở các nước Phương Tây bởi: cà phê được chuẩn bị và phục vụ hết sức cầu kỳ ngay khi trên bếp và cà phê còn nóng, trong những tách khá nhỏ gọn, và buộc bạn phải ngồi xuống, hớp từng ngụm thì mới có thể cảm nhận được từng làn hương thơm quyến rũ của cà phê, vị rất đặc trưng từ cách pha chế hết sức đặc biệt này. Thông qua cách thưởng thức, Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đào luyện cho bạn sự kiên nhẫn. Nhưng nó sẽ rất giá trị cho sự chờ đợi của bạn. Chính khoảng thời gian này sẽ làm cho đầu óc của bạn được thư thái, tỉnh táo chuẩn bị cho việc thưởng thức.

Người Thổ cũng như người Ả Rập khi xưa có thói quen xay mịn cà phê rang, nấu lên uống cả bột cà phê; bộ ấm pha cà phê của họ khá lớn, bằng đồng, được thiết kế khá tinh xảo với những hoa văn đẹp trên thân ấm.

Cà phê theo phong cách Pháp

Quán cà phê xuất hiện tại Pháp từ thế kỷ 17. Ban đầu các trang thiết bị dùng trong quán của người Pháp là những dụng cụ của phương Đông được “địa phương hóa”: ví dụ như thiết bị rang không chỉ là những cái chảo mà được thay đổi thành dạng hình trụ, làm bằng thiếc hay đồng thau, không dùng ngọn lửa để làm nóng mà dùng hơi nước hay khí gas. Đơn vị nổi danh nhất của nước Pháp trong việc sản xuất các trang thiết bị cà phê là hãng Peugoet (1840). Các dụng cụ dạng truyền thống vẫn được sử dụng trong các hộ gia đình mãi đến những năm 1920. Thậm chí những cối xay cà phê dùng tay, làm bằng gỗ vẫn có thể được tìm thấy tại các ngôi nhà riêng trong những năm 1960, với ngăn kéo hình hộp.

Thành ngữ Pháp có câu “cà phê nấu sôi là cà phê đã hỏng: café bouillu, café foutu” và thực tế cho thấy họ đã biết pha chế theo cách thức khéo hơn: thay vì nấu bột cà phê trong nước sôi thì họ chỉ ngâm chất bột, do đó bảo quản được hương vị. Cách pha chế này có thể được coi là “cuộc cách mạng nhung” trong ngành cà phê Pháp từ năm 1710, với sự xuất hiện của bình và túi lọc. Bột cà phê được cho vào túi, sau đó nước sôi được tưới lên. Đến gần 100 năm sau, Jean Bapstite de Belloy đã cống hiến một phát minh quan trọng hơn: phin cà phê. Nước sôi được rót từ trên chảy xuống, giọt cà phê chảy nhỏ giọt xuống tách ở dưới cùng. Nguyên bản dụng cụ pha chế kiểu nhỏ giọt này làm bằng thiếc, sau đó được biến tấu thành nguyên liệu sành sứ. Phương pháp này được gọi là De Belloy: dụng cụ pha phin bằng sứ, có lỗ rất nhỏ để nước sôi chảy qua cà phê bột. Ngày nay các dụng cụ này vẫn còn được sử dụng.

Trong thập kỷ 60, ở Pháp có khoảng 200.000 quán cà phê. Nhưng 50 năm sau, đất nước này chỉ còn khoảng 40.000 quán và theo thống kê của ngành công nghiệp cà phê thì cứ mỗi ngày ở xứ sở của những chú gà trống Gauolois lại có hai quán cà phê đóng cửa.

Ngày nay Pháp có khoảng 70 ngàn quán cà phê phục vụ 5 triệu người khách mỗi ngày. Số lượng này đang có xu hướng giảm, khi mà thói quen sử dụng thức ăn nhanh phát triển hơn và người ta thích ngồi tại nhà thay vì ghé vào quán cà phê để gọi một ly cà phê đen. Dân Pháp bây giờ thích mua cà phê và các dụng cụ, rồi tự tạo cho mình không gian quán ngay tại nhà riêng.

Văn hóa cà phê Nhật Bản

Không chỉ nổi tiếng với trà đạo, ngày nay, nước Nhật được biết tới như một “xã hội cà phê”. Các quán cà phê ở Nhật Bản không chỉ là một nơi lý tưởng để mọi người thưởng thức cà phê mà còn là nơi có thể nghỉ ngơi, thư giãn, tán gẫu với ai đó hay đọc một cái gì đó. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển của cuộc sống và thị hiếu của khách hàng, mỗi quán cà phê ở Nhật Bản đã tự tìm cho mình những hướng đi riêng…

Cà phê âm nhạc là một hình thức đặc biệt hấp dẫn và thu hút. Có những quán cà phê chuyên phục vụ một loại nhạc đặc biệt nào đó, có thể là nhạc cổ điển, nhạc jazz hoặc nhạc rock. Trước đây, khi các phương tiện nghe nhìn còn quá đắt, người ta thường thích tụ tập ở những quán cà phê quen thuộc, thưởng thức loại nhạc mà mình ưa thích và nhâm nhi một tách cà phê ngon.

Một loại hình cửa hàng cà phê khác đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản là cà phê truyện tranh. Nắm bắt được thị hiếu ưa thích đọc truyện tranh của người Nhật, các cửa hàng này đã tập hợp một số lượng truyện tranh lớn phục vụ khách hàng đọc ngay tại chỗ. Đối với giới trẻ, đến các quán cà phê truyện tranh là một lựa chọn rất kinh tế vì ở đây họ được đọc truyện theo sở thích với chi phí thấp thay vì phải bỏ tiền ra mua. Đối với giới kinh doanh và các nhân viên công ty, đây là một nơi "ẩn náu" tuyệt diệu cho họ sau những ngày làm việc căng thẳng, họ có thể tạm "chạy trốn" khỏi công việc để nghỉ ngơi và thư giãn hoàn toàn…

Hiện nay, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, ở Nhật Bản xuất hiện loại hình các quán cà phê tổ hợp (complex cà phê) với nhiều hình thức dịch vụ phong phú nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Cà phê ở Áo

Ở thủ đô Viên của Áo, uống cà phê lại được nâng lên tầm nghệ thuật, một truyền thống văn hóa vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Ngày nay, các quán cà phê ở Viên được ví như phòng khách công cộng, nơi rất nhiều người đến để uống cà phê, ăn bánh và đọc báo. Chỉ cần gọi một tách cà phê, bạn có thể ngồi hàng giờ làm những thứ mình thích mà không ai làm phiền.

Điểm khác biệt lớn trong các quán cà phê ở Viên là nhân viên phục vụ đều phải qua một khóa đào tạo bài bản và không có chuyện sinh viên đi làm thêm tại đây. Cà phê được mang đến cho khách bao giờ cũng có thêm một cốc nước lọc, trên có một cái thìa con đặt ngang úp xuống. Hương vị cà phê cũng như không khí ở những quán cà phê làm cho khách phương xa đến đây khó có thể quên được. Loại cà phê "đặc sản" ở Viên là "Einspanner", một tách cà phê lớn, có kem sữa và rắc đường mịn như bột ở trên.

Văn hóa cà phê tại Việt Nam

Cà phê có nguồn gốc từ phương Tây, theo chân người Pháp vào Việt Nam từ thời thuộc địa. Ban đầu thức uống này chỉ dành riêng cho giới quý tộc, các quan chức Pháp hay tầng lớp trí thức nơi thành thị.

Cà phê dần dần trở thành thức uống phổ biến trong cuộc sống của người dân, đặc biệt là người Hà Nội. Nhưng người Hà Nội có phong cách thưởng thức khác với người châu Âu, cà phê với người Hà Nội như một thứ văn hóa: nhâm nhi và suy tưởng.

Gọi một ly đen đá nhìn những giọt cà phê tí tách rơi, rồi vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa đọc báo, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn hay ngồi làm việc, và còn để suy ngẫm về cuộc sống, về con người. Có lẽ chính vì gu thưởng thức khác lạ như vậy mà những quán cà phê Hà Nội mang một nét đặc biệt: nhỏ, không gian yên tĩnh, bàn ghế đã phai màu thời gian.

Những quán cà phê Hà Nội nằm len lỏi trong những dãy phố cổ, quán cà phê vỉa hè thật nhỏ nhưng không kém phần lãng mạn, nhẹ nhàng và trầm lắng. Có những tình huống mà chỉ có những quán cà phê ở Hà Nội mới có, chủ quán hỏi khách muốn uống gì rồi mất hút, mang cà phê ra cho khách và lại mất hút, đến thanh toán mà chủ quán dường như cũng chẳng muốn xuất hiện để thu tiền.

Cứ thế, bình thản đến lạnh lùng, cái cảm giác đó khiến người ta nghĩ đến sự lười biếng, hoặc một sự phục vụ không hoàn hảo trong nền kinh tế thị trường - khi mà “khách hàng luôn được coi là thượng đế”. Nhưng lâu dần thành quen, và khi đã quen, đã cảm thấy thân thuộc thì mọi sự khó chịu cũng sẽ trở nên bình thường.

Cà phê Sài thành có một văn hóa rất riêng, thoạt nhìn thì thấy bát nháo, xô bồ nhưng thực ra rất đa phong cách, có thể dung nạp rất nhiều “tín đồ” cà phê của các nền văn hóa khác nhau. Người Bắc vào Sài Gòn vài lần sẽ không thể hiểu nổi tại sao cái thứ nước đen đen, phảng phất mùi cà phê và ngọt như “chè đỗ đen” lại được dân Sài Gòn chuộng đến thế. Tối ngày sáng đêm, bất kể lúc nào dân Sài Gòn cũng có thể uống cà phê. Từ quán cà phê bệt vỉa hè tới những quán sang trọng giá một ly bằng một ngày lương của lao động công nhật, cứ mở cửa là có khách.

Ở Sài Gòn, đâu đâu cũng có sự hiện diện của quán cà phê, từ góc hẻm nhỏ đến những đại lộ. Không ai có thể thống kê chính xác có bao nhiêu quán cà phê tại Sài Gòn vì biểu đồ cà phê ở đây chi chít và biến đổi liên tục như một bầu trời sao. Sự tiện dụng của các quán cà phê  ở Sài Gòn phổ biến tới mức xuất hiện hầu hết trong cuộc sống đời thường của người dân nơi đây. Đãi khách, bàn công việc, gặp gỡ bạn bè, muốn yên tĩnh chiêm nghiệm bản thân - cuộc đời, muốn thư giãn… đều được thực hiện ở quán cà phê.

Đó có thể là một quán cà phê cầu kỳ sang trọng với máy lạnh, vật dụng trang trí đắt tiền. Hay có khi quán cà phê chỉ là một rổ nhựa chứa vài cái ly cũ kỹ nơi góc cột điện với dăm chiếc ghế thấp dành cho khách ngồi. Mới hôm qua thôi, trên con đường đi làm quen thuộc, bạn còn nhận thấy một quán cà phê đông người thì có thể sáng nay nó đã biến đi không tăm hơi, một sự biến mất để lại chút gì tiếc nuối trong bạn. Và biết đâu khi vừa mở cửa, trước nhà bạn lại là một quán cà phê không mời mà tới! Tại sao cà phê Sài Gòn lại có một sức sống mãnh liệt như thế?

L.Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan