Thực thi chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

Vẫn còn nhiều bất cập

07:00 | 12/03/2017

612 lượt xem
|
Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn bộc lộ nhiều bất cập, kể cả chủ quan và khách quan, nhất là trong việc thực thi chính sách, pháp luật về ATTP…

Hiệu quả quản lý chưa cao

Tại hội thảo đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá, ATTP là vấn đề được Quốc hội và cử tri quan tâm. Thực thi chính sách, pháp luật về ATTP là hướng đến mục tiêu bảo đảm cho phát triển sản xuất, phát triển kinh tế; bảo đảm cho sức khỏe, thể chất và tầm vóc người Việt Nam; bảo đảm cho môi trường sống trong lành, thu hút đầu tư, khách du lịch. Thế nhưng thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực đã đạt được trong công tác quản lý, vẫn còn những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về ATTP, thời gian qua Đoàn đã làm việc, khảo sát thực tế tại 19/21 tỉnh, thành phố theo kế hoạch, đồng thời giám sát tình hình thực thi pháp luật về ATTP. Qua đó, những con số thống kê cho thấy, liên tục từ năm 2011 đến tháng 10-2016, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Trung bình có 168 vụ/năm với 5.066 người mắc và 27 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm. Cũng 5 năm qua, cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3,3 triệu cơ sở, phát hiện hơn 670.000 cơ sở vi phạm và mới có hơn 136.000 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, chiếm khoảng 20%. Khởi tố hình sự được 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định vệ sinh ATTP.

van con nhieu bat cap
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến (bìa phải) cùng đoàn giám sát đi kiểm tra bếp ăn tại Công ty TNHH Pounchen Việt Nam,

Trước thực tế kiểm tra như vậy nhưng theo đánh giá của Đoàn giám sát của Quốc hội, việc kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật; kháng sinh cho chăn nuôi, thủy sản, hormon tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi (khoảng 110 nghìn tấn/năm) chưa chặt chẽ. Việc giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến ở các địa phương, nguyên liệu đầu vào chưa quản lý hiệu quả, công tác quản lý thị trường phân phối sản phẩm thực phẩm còn rất nhiều bất cập, việc xử lý vi phạm pháp luật còn chưa nghiêm, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe… Đánh giá chung về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, việc kiểm soát ATTP hiện mới chỉ ở mức trung bình và chủ yếu chỉ ở các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ… Do đó nguy cơ mất ATTP vẫn còn rất cao.

Các bộ, ngành quản lý… một nhóm hàng

Chỉ ra nguyên nhân hiệu quả kiểm tra, quản lý ATTP vẫn ở mức như vậy, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến, vấn đề đầu tiên chính là nằm ở chỗ có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng lại thiếu hướng dẫn thực hiện như: Hướng dẫn quản lý thực phẩm quy mô nhỏ, lẻ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ban hành chưa kịp thời; phân công nhiệm vụ trong một số lĩnh vực còn chồng chéo. Trong triển khai hoạt động của doanh nghiệp (DN) còn những cản trở về thủ tục hành chính, chưa khuyến khích DN tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị…

Một DN đồng quan điểm khi cho rằng, có tình trạng chồng chéo giữa các bộ, ngành quản lý cùng một nhóm hàng. Bên cạnh đó, các văn bản có phạm vi áp dụng chưa phù hợp với tình hình thực hiện của DN và điều kiện của từng loại hình kinh doanh, sản xuất chưa cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn, các văn bản về ô nhiễm sinh học và hóa học hay các chỉ tiêu vi sinh đối với các nhóm sản phẩm sống, chưa qua xử lý nhiệt…

Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011-2016 cùng ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho rằng, ở nhiều địa phương, mặc dù tổ chức kiểm tra nhiều nhưng xử lý đạt thấp, kỷ luật không nghiêm. Việc thực hiện pháp luật về ATTP ở nhiều địa phương còn hình thức, dẫn đến hiện tượng “nhờn luật” hay biểu hiện nể nang, né tránh.

Ở một góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tỏ ra trăn trở với việc chưa có quy định cụ thể về truy xuất nguồn gốc. Ông Cường nhấn mạnh, không truy xuất được nguồn gốc thì không thể quản lý, xử phạt vi phạm. Bên cạnh đó, việc phân công nhiệm vụ quản lý cho 3 Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương hiện nay gây khó cho DN. Ông Cường cho rằng, cần thiết phải thành lập một cơ quan chuyên trách về kiểm tra, quản lý về ATTP. Đây cũng là mô hình mà TP Hồ Chí Minh và nhiều nước trên thế giới hiện nay đang áp dụng.

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011-2016 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, nguyên nhân của những tồn tại trong công tác bảo đảm ATTP là do việc triển khai trong thời gian còn ngắn so với nhiều nước. Tình trạng manh mún, nhỏ lẻ từ sản xuất, chế biến đến phân phối, tiêu thụ với gần nửa triệu cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, hàng nghìn chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm... Bên cạnh đó, DN, người sản xuất kinh doanh cố tình làm sai, bất chấp tất cả vì lợi nhuận, xử lý chưa nghiêm. Hệ thống giám sát có tiến bộ nhưng hiệu quả cảnh báo nguy cơ còn thấp, nguồn lực con người và kinh phí đều yếu.

Nhận định về một số bất cập khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến đánh giá, thực tế đội ngũ cán bộ quản lý ATTP không chuyên sâu về trình độ. Trong khi đó, kinh phí bị cắt giảm nên rất khó trong bảo đảm thực thi pháp luật về ATTP. Chưa kể trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương rất rõ nhưng xuống đến địa phương thì khi xảy ra vi phạm ATTP, ngộ độc thực phẩm, không biết trách nhiệm thuộc về ai...

Để giải quyết vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề ra 2 giải pháp trước hết phải sửa đổi hệ thống pháp luật về ATTP và pháp luật về hình sự. Về tổ chức thực hiện cần xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất theo hướng xanh, sạch, bền vững, thân thiện với môi trường. Mặc dù đây là mô hình khó, phức tạp, thậm chí có thể xảy ra xung đột nhưng vẫn phải quyết tâm thực hiện bằng được.

Tại phiên họp trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011-2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATTP không chỉ liên quan đến sức khỏe của người dân mà còn liên quan đến phát triển kinh tế, như xuất khẩu nông sản, du lịch... Chính vì vậy, thời gian tới cần tổ chức quản lý ATTP theo nguy cơ, rủi ro, quản lý dọc theo chuỗi. Theo đó, cần có hệ thống đánh giá rủi ro bên cạnh hoạt động của các phòng thí nghiệm còn phải có phương tiện lưu động xét nghiệm nhanh để cung cấp bằng chứng xác đáng. Cần tận dụng tối đa hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm đã đầu tư; không chỉ đưa vào sử dụng các phòng thí nghiệm của Nhà nước mà còn cả của tổ chức, DN. Vì vậy, cần tạo cơ chế, thủ tục để công nhận các kết quả xét nghiệm độc lập... Đồng thời, công tác truyền thông bên cạnh tuyên truyền về các vi phạm cũng cần chủ động hướng đến tuyên truyền sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu dùng sạch...

Trần Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank