Đóng BHXH cho lao động người nước ngoài

Vẫn chờ hướng dẫn!

10:06 | 09/11/2017

1,126 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ 1-1-2018, lao động người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, thời hạn áp dụng đã cận kề mà cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Nhiều băn khoăn, lo lắng

Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung quy định tại Khoản 2, Điều 2, theo đó từ ngày 1-1-2018 mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc đối với “công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp”. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, đang xây dựng dự thảo Nghị định về đóng BHXH bắt buộc đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam với các chế độ bảo hiểm cơ bản gồm: Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất.

van cho huong dan

Loại hợp đồng theo quy định tham gia BHXH được áp dụng cho lao động nước ngoài từ 1 tháng trở lên. Các chế độ bảo hiểm, mức đóng tương tự như BHXH bắt buộc cho lao động Việt Nam. Ngoài ra, có cân nhắc trong thiết kế từng chế độ cho phù hợp. Bên cạnh đó, mức đóng BHXH áp dụng hằng tháng là 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Chủ doanh nghiệp đóng tối đa bằng 18% tháng lương chi trả cho lao động, gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tiền lương tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật Việt Nam.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị bổ sung một số quy định liên quan đến hồ sơ làm căn cứ thu, giải quyết và chi trả chế độ BHXH như: Hồ sơ công nhận về việc sử dụng lao động tại Việt Nam, hướng dẫn về hình thức chi trả chế độ khi người lao động hưởng tại nước ngoài, quy định cụ thể đại diện theo pháp luật của người đang đóng BHXH.

Mặc dù vậy, quy định bắt buộc đóng bảo hiểm cho lao động người nước ngoài cũng khiến các doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng. Một công ty chuyên về phần mềm tại Hà Nội có sử dụng lao động nước ngoài cho biết, trong trường hợp lao động hết thời gian làm việc tại Việt Nam, nếu người lao động không muốn nhận trợ cấp một lần, mà muốn chuyển về nước để đóng tiếp thì giải quyết chế độ như thế nào? Hay lao động người nước ngoài đang nộp hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… mà giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động hết hạn, phải về nước thì giải quyết thế nào, hồ sơ tuất, thân nhân ở nước ngoài không thể đến Việt Nam khai báo và nhận lãnh trợ cấp, vậy ký đóng dấu tờ khai như thế nào?...

Hàng vạn người chờ nghị định

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, lao động người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến từ 110 quốc gia, trong đó lao động mang quốc tịch Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 30,9%. Trong vòng hơn 10 năm số lao động người nước ngoài ở Việt Nam tăng từ hơn 12.600 người (năm 2004) lên đến hơn 83.500 người (năm 2015). Lao động thuộc diện được cấp phép chiếm tới hơn 93% số lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam.

Số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam liên tục tăng đòi hỏi cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo quyền của người lao động di cư, đặc biệt là quyền được đối xử bình đẳng về an sinh xã hội.

TP HCM là địa phương có đông lao động người nước ngoài làm việc nhất với hơn 20.300 người, chiếm tới 24,3%, tiếp theo là Bình Dương với hơn 12.000 người (chiếm 14,4%), Hà Tĩnh (8,4%), Hà Nội (7,6%), Đồng Nai (7,4%)… Lao động nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam liên tục tăng đòi hỏi cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo quyền của người lao động di cư, đặc biệt là quyền được đối xử bình đẳng về an sinh xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp.

Trao đổi với Phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết: “Nhà nước sẽ có nghị định hướng dẫn việc đóng BHXH cho lao động người nước ngoài tại Việt Nam nhưng hiện nay nghị định hướng dẫn chưa được ban hành. Tôi cũng được biết, hiện nay một số nội dung bắt buộc hay không bắt buộc cũng đang phải xin ý kiến. Việc ban hành các hướng dẫn là Bộ LĐ-TB&XH, chúng tôi chỉ là đơn vị thực hiện”.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, phải thống nhất đối tượng thuộc diện đóng BHXH. Theo Luật BHXH, chỉ có những lao động người nước ngoài ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động thì được quyền tham gia chính sách BHXH. Tuy nhiên, việc tham gia cả 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) hay không, cần phải suy nghĩ. Việc này, Bộ LĐ-TB&XH nên nghiên cứu kỹ và phải lấy ý kiến doanh nghiệp để quyết định và có lộ trình thực hiện cho phù hợp.

Nhà nước hỗ trợ người tham giag BHXH tự nguyện

Từ 1-1-2018, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Phương thức hỗ trợ: Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu; định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ (mẫu D06-TS), gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào Quỹ BHXH.

Xuân Hinh