Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam

07:44 | 09/07/2015

2,042 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 8/7/2015, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban - TSKH. Phan Xuân Dũng dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam.

Tiếp đoàn công tác có TS. Phan Ngọc Trung - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, TS. Nguyễn Hoàng Yến - Trưởng Ban Khoa học Công nghệ Tập đoàn, Ban lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam và đại diện các Ban/Trung tâm trực thuộc Viện…

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam

TS. Phan Ngọc Trung , Thành viên HĐTV Tập đoàn giới thiệu với Đoàn công tác sản phẩm Anode hy sinh do Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, chế tạo

Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Anh Đức - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Dầu khí Việt Nam đã báo cáo tình hình hoạt động, định hướng phát triển khoa học công nghệ của Viện Dầu khí Việt Nam. Sau 37 năm xây dựng và phát triển, Viện Dầu khí Việt Nam đã trở thành đơn vị nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh, đồng bộ, về quy mô và tính tổng hợp đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị từng bước được hiện đại hóa, đầu tư đồng bộ, đặc biệt dự án Trung tâm Phân tích Thí nghiệm đang được xây dựng và chuẩn bị đưa vào hoạt động năm 2016. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã cơ bản phá bỏ tư tưởng bao cấp, trì trệ, nâng cao tính năng động, chủ động, giải phóng, phát huy tính sáng tạo và hiệu quả.

Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đã triển khai các nghiên cứu điều tra cơ bản, làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí của các bể trầm tích trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam. Trong lĩnh vực khai thác dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đã hỗ trợ Tập đoàn quản lý khai thác các mỏ dầu ở Việt Nam, Liên bang Nga; hỗ trợ các nhà thầu phân chia sản phẩm, đánh giá mức độ ngập nước, xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình khai thác; xây dựng 3 bản quyền phần mềm phục vụ khai thác thay thế phần mềm của nước ngoài; được cấp 1 bằng sáng chế cho chế phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam
Đoàn công tác nghe giới thiệu về kết quả nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ.

Trong lĩnh vực hóa - chế biến dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về tính chất dầu thô, khí và condensate Việt Nam; lập FS các dự án chế biến dầu khí (Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, UFC, Tổ hợp NH3 mở rộng/NPK Phú Mỹ…); hỗ trợ Tập đoàn nâng cao hiệu quả các nhà máy chế biến dầu khí (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các nhà máy nhiên liệu sinh học, nhà máy xơ sợi Đình Vũ); nghiên cứu, chế tạo sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu: phần mềm quy hoạch lĩnh vực hóa dầu, anod hy sinh, hóa phẩm dầu khí.

Bên cạnh đó, Viện Dầu khí Việt Nam cũng nghiên cứu ứng dụng công nghệ chống ăn mòn cho các công trình dầu khí; quan trắc môi trường vùng nước sâu; áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến trong điều hành hoạt động dầu khí; xây dựng chiến lược quy hoạch ngành/lĩnh vực; đề xuất mô hình quản lý, quản trị cho Tập đoàn và các đơn vị; nghiên cứu dự báo thị trường dầu khí; đầu tư thiết bị, con người để làm chủ các chỉ tiêu phân tích mới, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác nghiên cứu và dịch vụ khoa học công nghệ.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam
TS. Nguyễn Anh Đức, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Dầu khí Việt Nam trình bày định hướng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong giai đoạn 2016-2020

Tuy nhiên, Lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam cũng chỉ ra một số tồn tại: mức độ chuyên sâu chưa đồng đều trong các lĩnh vực; chưa có nhiều giải pháp, sản phẩm có khả năng thương mại hóa; công tác nghiên cứu cơ bản vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chưa triển khai được nhiều chương trình nghiên cứu cơ bản và dài hạn; có sự hụt hẫng trong chuyển giao thế hệ cán bộ chuyên ngành, chưa thu hút được nhiều chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất…

Về định hướng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong giai đoạn 2016 - 2020, TS. Nguyễn Anh Đức cho biết: Viện Dầu khí Việt Nam tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát xây dựng Viện thành Học viện Nghiên cứu khoa học - Đào tạo - Ứng dụng khoa học công nghệ thống nhất, gắn liền công tác nghiên cứu, đào tạo với thực tiễn sản xuất, trở thành bộ phận quan trọng trong hoạt động của Tập đoàn, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của Tập đoàn và Nhà nước về phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, Viện Dầu khí Việt Nam đẩy mạnh xây dựng, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn 5 - 10 năm, nâng cao tỷ lệ các đề tài nghiên cứu từ nguồn kinh phí của các đơn vị sản xuất kinh doanh; gia tăng số lượng bài báo, công trình công bố quốc tế trung bình 10 - 20%/năm; gia tăng số lượng đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ gấp 2 lần so với thực hiện giai đoạn 2010 - 2015. Trong lĩnh vực nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ các công nghệ tiên tiến, cải tiến, sáng tạo một số công nghệ bản quyền, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả đầu tư cho các dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn.

Trong lĩnh vực hóa - chế biến dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam nắm bắt xu hướng thị trường, công nghệ thế giới, lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn để đề xuất các dự án hiệu quả (IRR ≥ 13%); làm chủ các công nghệ hiện có, ứng dụng công nghệ mới để tư vấn vận hành các nhà máy chế biến dầu khí an toàn (LTI ≤ 10-7), ổn định (PAF > 95%), hiệu quả (EII, MEI trong nhóm dẫn đầu khu vực)… Phấn đấu thực hiện công tác lập, tư vấn thẩm định các dự án dầu khí trọng điểm của Tập đoàn ở trong nước và nước ngoài, thực sự đóng vai trò tham mưu chiến lược trong toàn bộ hoạt động dầu khí từ thượng nguồn đến hạ nguồn của Tập đoàn.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam
TSKH Phan Xuân Dũng kết luận buổi làm việc

Để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020, Viện Dầu khí Việt Nam đã đề ra các giải pháp tăng tính chủ động và linh hoạt trong mọi hoạt động. Viện sẽ chủ động hoàn thiện hệ thống quản trị phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và Luật Doanh nghiệp 2015, chủ động đào tạo và phát triển, kết nối đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tăng cường tìm hiểu nhu cầu, quảng bá khả năng cung cấp, mở rộng phạm vi và đối tượng cung cấp dịch vụ (kể cả ra nước ngoài), chủ động xây dựng và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chủ động xây dựng và triển khai hoạt động theo mô hình Học viện: Viện & Trung tâm, Công ty, Trường.

Viện Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có các đề xuất thiết thực đến Ủy ban Khoa học và Công nghệ Môi trường của Quốc hội như: Thúc đẩy Chính phủ ban hành Nghị định/Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công nghệ 2013 trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp 2015 và Luật Đấu thầu 2014 đã có hiệu lực để Tập đoàn có thể sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ đầu tư hình thành tài sản cố định và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động khoa học công nghệ và giao cho Viện sử dụng hoặc điều chuyển một phần Quỹ về cho Viện cũng như giảm thiểu thủ tục sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ ở các doanh nghiệp để tạo lập thị trường khoa học công nghệ. Viện Dầu khí Việt Nam cũng đề xuất Ủy ban đề nghị Chính phủ giao Viện triển khai các chương trình nghiên cứu lớn, dài hạn, quan trọng như: triển khai nghiên cứu toàn diện về tiềm năng biển Việt Nam, nghiên cứu tài nguyên dầu khí phi truyền thống, nâng cao hệ số thu hồi dầu và nghiên cứu sản xuất sạch, hiệu quả hơn.

Tại buổi làm việc, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Môi trường của Quốc hội đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam, đồng thời chia sẻ các khó khăn với Viện khi hệ thống cơ sở hành lang pháp lý chưa phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ dầu khí nói riêng. Các đại biểu cho rằng, quy định hiện nay thiếu cơ chế, chính sách gắn kết giữa khoa học công nghệ với sản xuất kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ gặp nhiều khó khăn.

TS. Phan Ngọc Trung - Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, mô hình hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã tạo ra bước đột phá mới, song có nhiều điểm không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, hạn chế tính tự chủ của đơn vị, không khuyến khích việc triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu có tính chiến lược lâu dài.

Kết luận buổi làm việc, TSKH. Phan Xuân Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đánh giá cao đóng góp to lớn của Viện Dầu khí Việt Nam đối với sự phát triển của ngành Dầu khí nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung. Viện Dầu khí Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác nghiên cứu bao trùm các lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP một cách linh hoạt, sáng tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

TSKH. Phan Xuân Dũng cho rằng cơ chế chính sách quyết định đến sự thành công của một đất nước, của từng tổ chức, trong đó sẽ góp phần thúc đẩy phát huy trí tuệ và đam mê lao động sáng tạo. Trên cơ sở các kiến nghị của Viện Dầu khí Việt Nam, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ đổi mới cơ chế chính sách cho khoa học công nghệ.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội nhấn mạnh cần khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu dầu khí một cách hiệu quả, phục vụ nghiên cứu điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng. TSKH. Phan Xuân Dũng chúc Viện Dầu khí Việt Nam luôn phát huy Trí tuệ Dầu khí Việt Nam.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam
Lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam đón nhận bức tranh lưu niệm từ Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội

Thay mặt Ban lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Đức khẳng định: “Với tiềm năng và sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ/Ngành, Tập đoàn, Viện Dầu khí Việt Nam sẽ kết nối Trí tuệ Dầu khí, tạo sức bật và sự phát triển vượt bậc trong tương lai, chứng tỏ Trí tuệ Dầu khí nói riêng và Trí tuệ Việt Nam nói chung không thua kém bất kỳ đất nước nào trên thế giới. Điều này đã được chứng minh trong quá khứ và sẽ được tiếp tục chứng minh trong tương lai”.

Ngân Hà

Năng lượng Mới

DMCA.com Protection Status