Ứng xử với các hiệp định thương mại

07:00 | 08/06/2015

545 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không gian chính sách, nguồn thông tin, tư vấn pháp luật, hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh… để bắt kịp các hiệp định thương mại là vấn đề lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Báo Năng lượng Mới xin trích lược ý kiến của đại diện các ngành hàng, nhà đầu tư, đại diện các cơ quan nghiên cứu xung quanh môi trường sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trước ngưỡng cửa của “cơ chế thị trường”.

Năng lượng Mới số 428

Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang:

Không gian chính sách bị giới hạn bởi các cam kết thương mại

Chính sách hỗ trợ được thể hiện chủ yếu ở những cam kết của Việt Nam khi Việt Nam gia nhập WTO và 9 hiệp định thương mại tự do. Theo quan sát của VCCI, không gian chính sách phần liên quan đến công cụ bảo hộ các sản xuất nội địa bằng thuế quan đã bị hạn chế đáng kể, không còn nhiều và nếu còn cũng chỉ với một số ngành nhạy cảm. Tất nhiên, một số mặt còn có sự ràng buộc về mặt thời gian, ví như về thuế quan, chúng ta có cắt giảm, có cam kết loại bỏ nhưng phải có lộ trình chứ không phải ngay lập tức. Còn trong tổng thể, việc sử dụng các biện pháp thuế quan, hay thậm chí là phi thuế quan như các loại giấy phép nhập khẩu không còn nhiều. Bây giờ ngành nào xin hỗ trợ bằng thuế là rất khó.

Ứng xử với các hiệp định thương mại

Tuy nhiên, không gian chính sách ở những lĩnh vực khác vẫn còn dư để sử dụng các biện pháp về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; hay những biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ là vẫn còn. Thậm chí, chúng tôi nghĩ còn rất rộng. Xét trên góc độ đầu tư, chúng ta còn khá là nhiều. Như khi chúng ta gia nhập WTO thì có nhiều biện pháp không được thực hiện nữa như ưu đãi cho các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp bây giờ không được sử dụng. Về mặt trợ cấp, với việc gia nhập WTO và bắt buộc phải áp dụng hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO, cùng với hiệp định về nông nghiệp, phần liên quan đến trợ cấp thì phần không gian sử dụng những biện pháp tính bằng tiền đã bị co hẹp lại.

Mặc dù vậy vẫn còn có những biện pháp trợ cấp được phép như: trợ cấp liên quan đào tạo, lao động, nghiên cứu trong nông nghiệp. Vấn đề ở chỗ, những chính sách hỗ trợ mà chúng ta đã dùng, đã tận dụng trong không gian còn lại ấy dường như chưa hiệu quả, hoặc không hiệu quả. Có những biện pháp hỗ trợ hầu như chỉ trên danh nghĩa. Thậm chí, có trường hợp, Nhà nước không làm gì là đã hỗ trợ doanh nghiệp, tức là không đặt ra những điều kiện kinh doanh vô lý, không làm khó doanh nghiệp là đã hỗ trợ doanh nghiệp. Lo ngại hơn, nhiều khi chúng ta không ưu đãi cho doanh nghiệp nội phát triển mà lại đang hỗ trợ ngược, tức là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhiều hơn doanh nghiệp trong nước.

Chuyên gia kinh tế (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) Nguyễn Anh Dương:

Công nghiệp điện tử cần được hỗ trợ

Chúng ta bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào năm 1987 với Luật Đầu tư nước ngoài, sau đó gia nhập ASEAN và gần đây là một loạt các hiệp định thương mại song phương. Chính những động thái này đã giúp Việt Nam gia nhập ngày càng sâu rộng hơn trong khu vực cũng như trên thế giới, dần mở cửa thị trường với các luật chơi chung, tạo điều kiện, động lực cho quá trình cải cách trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thành tựu rõ nét nhất là lĩnh vực xuất khẩu khi thị trường không ngừng được mở rộng, nhất là khi chúng ta ký hiệp định song phương với Hoa Kỳ vào năm 2000 và gia nhập WTO năm 2007. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do là cuộc chơi có đi có lại, chúng ta mong muốn thị trường nước ngoài thì các doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn thị trường Việt Nam. Vì vậy, vấn đề ở đây là chúng ta cần phải nhìn nhận, đánh giá điều này như thế nào!?

Ứng xử với các hiệp định thương mại

Như ngành điện tử. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và đóng góp rất quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2012 - 2014. Lúc đó, kim ngạch xuất khẩu điện tử đã tăng từ 22 tỉ USD lên trên 30 tỉ USD. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu là do đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài, sự liên kết của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài lớn như Samsung, Canon... còn rất hạn chế. Điều này dẫn tới một thực tế là cái lợi của chúng ta thu về còn hạn chế, xuất khẩu lớn nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Chính phủ cũng đã có rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử, và mới đây nhất trong “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp” được Thủ tướng phê duyệt, ngành điện tử được chỉ rõ là ngành quan trọng, cần tập trung phát triển. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định 1290 (tháng 8-2014) xác định, trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, công nghiệp điện tử là ngành ưu tiên và đưa ra một loạt các định hướng cụ thể để phát triển ngành này. Các hình thức để hỗ trợ cho ngành này hiện mới chủ yếu là công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực. Trong khi đó, công tác hỗ trợ về mặt tài chính lại tương đối hạn chế, mà theo Luật Đầu tư (mới), đây là ngành được ưu đãi đầu tư nhưng việc hỗ trợ đầu tư vẫn còn phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, cam kết cụ thể và bối cảnh cụ thể. Bên cạnh đó, các hàng rào kỹ thuật mà chúng ta đưa ra có thể ảnh hưởng đến cán cân xuất nhập khẩu ngành điện tử còn tương đối ít.

Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam:

Thông tin là vấn đề cốt tử!

Thời gian qua từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay - PV), VASEP nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng và nhanh như hiện tại, ngành chế biến thủy sản rất cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa. Chúng tôi cần thông tin, cần hiểu chính xác những điều khoản chúng ta đàm phán, chúng ta cam kết khi đặt bút ký vào các hiệp định thương mại tự do.

Ứng xử với các hiệp định thương mại

VASEP chúng tôi có 2 suy nghĩ, thế này! Thứ nhất, chế biến thủy sản là ngành rất sát người nông dân, người nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản. Tỷ lệ tư nhân tham gia thị trường của ngành chúng tôi rất cao, tới trên 90%. Bởi vậy sức cạnh tranh, tính chuyên nghiệp là vấn đề cốt lõi, là quan tâm số 1. Hiện tại giá thành sản xuất của chúng ta khá cao, cho nên những rủi ro xuất phát từ thị trường thì khó khăn là quá rõ, thể hiện qua chuyện bỏ ao, bỏ bè... tất cả đã được truyền thông mổ xẻ kỹ càng. Cho nên, những vấn đề thuế, sở hữu trí tuệ, nhân lực… có “căng” thật đấy, nhưng những tồn tại của chúng ta mới là điều quan trọng nhất. Tất cả thay đổi trong thời gian tới đây không nhằm mục tiêu củng cố năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của từng khối doanh nghiệp hay rộng hơn là từng ngành hàng thì đừng nói gì đến chuyện cạnh tranh.

Chúng tôi nhìn qua chính sách, đề án nghiên cứu của các cơ quan chức năng, các đơn vị nghiên cứu, trường, viện mà mỏi mắt chưa thấy biện pháp nào giúp đỡ các doanh nghiệp trong câu chuyện giảm giá thành. Có những doanh nghiệp nhập tôm về cổng nhà máy, mà giá còn rẻ hơn cả mua trong nước. Sao vậy? Vì chúng ta không có thông tin, không biết vì sao họ làm được như vậy!?

Thứ hai, đừng nên giữ suy nghĩ hàng hóa của chúng ta phải cấu thành từ 100% nguồn nội địa. Ngành của chúng tôi là điển hình. Câu chuyện là có rất nhiều người hỏi VASEP vì sao chúng ta phong phú thủy, hải sản thế này mà tại sao các thành viên của hiệp hội lại đi… nhập khẩu tới 80% nguyên liệu? Thực tế trong 10 năm qua, VASEP đã và đang nhập khẩu một phần để… xuất khẩu như thế. Hiện tại, khá nhiều văn bản dưới luật đang trở thành lực cản với ngành chế biến thủy sản. Các cơ quan hữu quan hãy hiểu, thông cảm cho chúng tôi rằng, nguyên liệu tôm cá để chế biến phải được coi là tài nguyên. Không có tài nguyên, không có nguyên liệu thì chúng ta không là gì cả. Nhập khẩu bao bì, chất bảo quản, gia vị để gia tăng giá trị cho hàng hóa. Vì vậy, đừng bao giờ mọi người căng thẳng khi thấy các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu tôm, cá để chế biến sâu các sản phẩm xuất khẩu, để từ đó “soi” quá kỹ sản phẩm nhập khẩu. Nhập khẩu nguyên liệu để gia công (trước đây) và sản xuất (hiện nay) để thành hàng hóa made in Vietnam có giá trị gia tăng để xuất khẩu. Nhập 5USD nguyên liệu về, bổ sung 5USD nguồn nguyên liệu tại chỗ để xuất khẩu thu về cho đất nước 15USD. Tất cả mọi quốc gia tham gia sâu rộng vào thị trường tự do đều như vậy cả!”.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan:

Cần xây dựng chính sách khuyến thương

“Ngành bán lẻ của chúng tôi gần như chưa được hỗ trợ gì cả. Chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm đã có từ rất lâu, nhưng chưa hề có chính sách khuyến thương. Vì sao chúng ta chỉ khuyến khích sản xuất, sản xuất và sản xuất… mà không nghĩ đến đầu ra, đến khâu sau cho hàng hóa, sản phẩm? Nâng cao đầu ra cho hàng hóa của các ngành hàng là vấn đề mấu chốt khi Việt Nam tham gia các FTA một cách đầy đủ.

Ứng xử với các hiệp định thương mại

Trong cơ chế thị trường, ai nắm phân phối, bán lẻ thì người đó sẽ chi phối sản xuất. Có nghĩa là ngành bán lẻ bán hàng tốt thì mọi ngành hàng của nền kinh tế đều mạnh, từ công nghiệp đến nông, ngư nghiệp… đều phát triển.

Hiện nay, tình trạng nông sản được mùa rớt giá đã quá rõ rồi. Các ngành không có quy hoạch hoặc làm qua loa, sơ sài dẫn đến tình trạng người dân sản xuất vượt quá xa so với nhu cầu nội địa, xuất khẩu thì không có thị trường. Một mặt, Hiệp hội rất xót xa khi chứng kiến người nông dân một nắng hai sương mới làm ra cân hành, quả dưa, quả vải nhưng cuối cùng lại bán như cho, thậm chí phải vứt bỏ. Ở giải pháp tình thế, chúng ta phải chung tay giúp đỡ bà con. Nhưng thưa các anh, các chị chúng ta đang đi ngược, rất ngược lại quy luật của thị trường. Hiệp hội đã gửi kiến nghị phải giải quyết tình thế. Nhu cầu của thị trường chỉ 10, nhưng bà con sản xuất tới 15, 17… dẫn đến tình trạng thừa mứa. 

Với ngành bán lẻ, mặt bằng là quan trọng nhất. Giá của mặt bằng bán lẻ nếu chiếm đến 20% trở lên, tức là doanh nghiệp không có lời lãi gì và hoạt động hoàn toàn không hiệu quả. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt dường như rất khó khăn bởi không thể nào đủ nguồn lực để trả cho mặt bằng bán lẻ giá cao như vậy. Chúng ta đã có sự cố gắng, tuy nhiên, phải khẳng định rằng, các doanh nghiệp Việt luôn gặp khó khăn trong vấn đề giá mặt bằng bán lẻ. Ngoài ra, vấn đề nhân lực cũng là một yếu tố thách thức đối với các doanh nghiệp Việt khi mở cửa thị trường bán lẻ. Câu chuyện về nhân lực sẽ vẫn là một câu chuyện rất dài và phức tạp.

Một vấn đề lớn nữa, là ngân sách để phục vụ các đề án, đề tài nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng hiện đại… đều được phân về các trường, viện, cơ quan nghiên cứu cả. Tôi cho rằng những nghiên cứu đó, ít hoặc không có hơi thở cuộc sống và không có nhiều tác dụng với các doanh nghiệp bán lẻ. 

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Văn Sưa:

Doanh nghiệp thép gặp khó

Thời gian vừa qua, hiệp hội chúng tôi đưa ra đề nghị một số mặt hàng cần có lộ trình cắt giảm thuế chứ không phải về 0% ngay lập tức. VSA rất ủng hộ chủ trương ký kết các FTA mà chúng ta đang theo đuổi, nhưng phải trên cơ sở lợi ích cân bằng của các bên. Ngành thép Việt Nam mới được hình thành chưa lâu, năng lực còn rất yếu không thể cạnh tranh được với ngành thép của nhiều nước như Nga, Trung Quốc nên nếu áp thuế nhập khẩu 0% ngay là quá đột ngột, có nguy cơ dẫn tới phá sản nhiều doanh nghiệp.

Ứng xử với các hiệp định thương mại

Các doanh nghiệp thép Việt hiện còn non trẻ, quy mô nhỏ nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với những nước có ngành thép lâu đời như Nga, Trung Quốc. Dù số mặt hàng cần bảo hộ không nhiều, nhưng đây đều là những mặt hàng chính các doanh nghiệp thép trong nước đang sản xuất, với 4 nhóm chính: Thép xây dựng, thép tấm cán nguội, thép ống hàn và kẽm mạ màu. Những mặt hàng này chiếm gần toàn bộ sản lượng các nhà máy trong nước, không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, một số còn xuất khẩu.

Như Hiệp định TPP với 12 nước tham gia, có GDP lên tới gần 27.500 tỉ USD, chiếm 38,55% GDP thế giới. Khối này có mức tăng trưởng 3,3%, kim ngạch thương mại hàng hóa chiếm tới 30% tổng trao đổi thương mại toàn cầu, hiện đang bước vào giai đoạn cuối của đàm phán cũng như cam kết của Việt Nam trong WTO về dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sắp phải thực hiện. Đây là một sân chơi công bằng và minh bạch cho các ngành và các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho cả ngành thép Việt Nam”.

Bà Nguyễn Nga - Việt kiều Pháp:

Phải biết cửa nào mở trước,cửa nào mở sau

Tôi rất ấn tượng với hình ảnh so sánh rằng, nền kinh tế giống như một ngôi nhà nhưng chúng ta lại đang muốn xây nó với rất nhiều cửa mở. Nếu chúng ta không biết cửa nào nên mở trước, cửa nào nên mở sau và chúng ta mở cửa đồng loạt hết một lúc, hoặc mở những cửa chưa có then cài thì lúc đó, chúng ta sẽ không thể sống được trong ngôi nhà ấy. Không chỉ ngành công nghiệp điện tử, chế biến thực phẩm, ngành thép, thủy sản... mà tất cả các ngành đều cần Nhà nước đầu tư vào tri thức, tức đầu tư vào giáo dục, chất xám và công nghệ. Đồng thời, có sự kết nối giữa nhà khoa học, nhà sản xuất và nhà nước theo hình tam giác rất là chặt chẽ thì chúng ta mới đi lên được. Mình mở cửa không có nghĩa là chỉ nghĩ đến vấn đề hàng rào thuế, hải quan mà chúng ta mở cửa là phải đi hẳn sang phía đối tác và để đối tác sang hẳn bên chúng ta. Như thế, thị trường mà chúng ta nhắm tới họ sẽ phải lo tất cả những điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường đó và nó cũng có quyền lợi hợp tác với chúng ta để làm những việc này.

Ứng xử với các hiệp định thương mại

Một điểm nữa, Nhà nước cần phải có một ban để hỗ trợ trong tất cả các thương thảo cũng như hỗ trợ về luật pháp luật quốc tế bởi hầu hết các doanh nghiệp chưa được đào tạo, chuẩn bị về những vấn đề này. Trên vấn đề đó, Nhà nước sẽ có một chính sách để định hướng đầu tư chủ yếu vào đâu, đâu sẽ là mũi nhọn đầu tư của Việt Nam để tập trung đầu tư vào đấy và quan tâm phát triển lực lượng tri thức. Chỉ có như thế, chúng ta mới không bị tụt hậu, mới không mãi mãi làm người lắp ráp, công nhân. Bây giờ, nếu không cẩn thận thì ngay cả nông nghiệp - một trong những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chúng ta sẽ trở thành người đi làm công, làm thuê cho tất cả các nước khác vào thuê đất, thuê lao động... của nước ta.

Việt Nam đã tham gia một loạt các hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương, nhưng qua tìm hiểu, tôi thấy rằng, sự chuẩn bị của các doanh nghiệp là hầu như chưa có. Trong nhiều buổi hội thảo về những cơ hội, thách thức từ các hiệp định, mọi người tỏ rõ sự hoang mang. Chúng ta chưa có sự chuẩn bị nhưng lại đang xây một ngôi nhà có rất nhiều cửa thì phải tìm ra được một chiến lược, một cách sử dụng tối ưu.

Với riêng các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng, bên cạnh sự hỗ trợ, điều chỉnh của Nhà nước, các doanh nghiệp cần phải tự đi tìm con đường riêng cho mình. Và nếu có kiến nghị gì cần Nhà nước hỗ trợ thì cần phải mạnh dạn đề xuất. Chúng ta muốn bán sản phẩm sang một thị trường thì cần phải tìm lấy một đối tác để họ giúp chúng ta từ các tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, đóng gói sao cho phù hợp với thị trường đó. Làm như vậy không phải hai người bán hàng cho nhau kiểm tra cho nhau mà là cơ hội tìm đối tác giúp chúng ta tạo ra sản phẩm và sản phẩm ấy cũng đang cần cho thị trường của chính họ.

Lê Tùng - Thanh Ngọc