Ung thư: Tử vong cao vì điều trị muộn

07:08 | 15/11/2017

629 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị Quốc tế “Kiểm soát ung thư: Thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K đã khiến dư luận giật mình khi thông báo con số: Mỗi năm có 126.000 trường hợp mắc mới ung thư và hơn 94.000 người tử vong vì ung thư - cao gấp 9 lần số người chết do tai nạn giao thông. 

Gánh nặng với nước nghèo

Đây thực sự là con số đáng ngại và dự báo tiếp tục tăng nữa do ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra, an toàn thực phẩm chưa thấy dấu hiệu thôi “báo động đỏ”, đồng thời ý thức của người dân trong phòng, chữa bệnh chưa cao, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Phân tích về nguyên nhân này, PGS Trần Văn Thuấn cho hay sở dĩ tỷ lệ tử vong ở người mắc ung thư cao là do 70% người bệnh đi khám và phát hiện, điều trị muộn. Trong khi với ung thư, phát hiện càng sớm, điều trị càng đỡ phức tạp, phát hiện muộn không những điều trị kéo dài mà còn hiệu quả không cao, tốn kém. “Đó chính là lý do khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở nước ta thấp, không cao bằng các nước phát triển”. PGS Thuấn nói. Ông còn ví dụ: Một số ung thư như gan, tỷ lệ khám và điều trị muộn lên tới 87,8%, ung thư phổi ở mức 84,3%...

ung thu tu vong cao vi dieu tri muon
Điều trị cho bệnh nhân ung thư

Trong những năm qua, tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ở nước ta chỉ đạt khoảng 40%, thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển đạt tới 70-80%. Nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ điều trị thành công ung thư vú, ung thư cổ tử cung lên tới 95%, giai đoạn 2 tỷ lệ khoảng 70-75 %, giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi đạt 65% nhưng để đến giai đoạn 4 thì chỉ đạt được 5% tỷ lệ thành công. “Vì vậy, nếu chúng ta phát hiện sớm bệnh thì tỷ lệ điều trị thành công sẽ ngang với các quốc gia phát triển”, PGS Thuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam. Ở Việt Nam, gánh nặng ung thư đang gia tăng trên cả nước và khiến cả xã hội quan tâm, lo lắng.

Phải tầm soát để phát hiện sớm

Để cải thiện tình hình này, PGS.TS Trần Văn Thuấn cho rằng nhằm phát hiện ung thư sớm dẫn đến việc hiệu quả điều trị tốt, bệnh nhân nên có thói quen đi kiểm tra, sàng lọc thường xuyên khoảng 1 năm/lần. Nhưng trước hoàn cảnh ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay… tốt nhất nên 6 tháng kiểm tra một lần.

Tổng chi phí 6 loại ung thư phổ biến: vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung, dạ dày đã lên tới 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% GDP năm 2012.

Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ việc nâng cao ý thức, tăng cường tầm soát bệnh, PGS.TS Trần Văn Thuấn cho rằng, thời gian tới bảo hiểm y tế nên chi trả phí tầm soát một số loại ung thư như: vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa… Vì hiện nay, việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả, trong khi đây là căn bệnh gia tăng rất nhanh, gây tử vong nhiều và trở thành gánh nặng không những cho gia đình người bệnh mà cả xã hội. Như năm 2012, kết quả điều tra cho thấy, mỗi bệnh nhân ung thư phải chi trả 200 triệu đồng cho điều trị trực tiếp và gián tiếp; khoảng 1/3 bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc sau 1 năm phát hiện bệnh. Và tổng chi phí 6 loại ung thư phổ biến: vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung, dạ dày đã lên tới 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% GDP năm 2012. Vì vậy, ông Thuấn hy vọng: “Nếu thực hiện được điều này đồng loạt trên toàn quốc, sẽ giúp nâng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm, nâng tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ở nước ta lên con số lạc quan hơn”.

Giám đốc Bệnh viện K cũng cho hay, thời gian tới ngoài việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, bệnh viện sẽ thành lập Trung tâm chăm sóc giảm nhẹ nhằm mở rộng về quy mô cũng như hiệu quả, chất lượng của công tác chăm sóc giảm nhẹ. Đồng thời, bệnh viện sẽ đào tạo cho các cơ sở tuyến dưới cũng như tiến hành áp dụng mô hình chăm sóc giảm nhẹ tại nhà và cộng đồng, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống ung thư và một số bệnh mãn tính khác giai đoạn 2015-2025. Trong đó, đặt mục tiêu 40% người bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm, giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do ung thư so với năm 2015. Bên cạnh đó, giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành, giảm 10% tỷ lệ uống rượu bia ở mức có hại… Vì thuốc lá là nguyên nhân của 30% các loại ung thư ở người như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, tụy... Rượu, bia gây nhiều loại ung thư như ung thư miệng, họng, thanh quản, vú... Tỷ lệ mắc ung thư gan ở nam giới cao thứ ba sau ung thư phổi và dạ dày, nguyên nhân chính là do xơ gan vì sử dụng rượu bia quá mức.

Nguyễn Duy