Ung thư không đợi… tuổi

07:00 | 24/11/2014

1,779 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều người nghĩ ung thư là bệnh thường mắc phải khi tuổi đã cao, cơ thể có sự lão hóa. Thế nhưng ở Việt Nam những năm trở lại đây, căn bệnh bị coi là một trong “tứ chứng nan y” này lại đang ở mức đáng báo động khi ngày càng nhiều trẻ em mắc phải.

Năng lượng Mới số 376

Không trừ trẻ nhỏ

Những cái đầu chỉ còn vài sợi tóc, những bàn tay nhỏ xíu chằng chịt dây dợ với kim truyền hóa chất, thỉnh thoảng có tiếng khóc nấc lên rồi lịm đi… là hình ảnh bi thương mà ai đã đến Khoa Nhi ung bướu, Bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều đều không thể cầm lòng. Theo TS.BS Trần Văn Công, Trưởng khoa Nhi ung bướu thì hiện số giường bệnh của khoa là 50 giường bệnh.

Trước đây khi ở Bệnh viện K cơ sở 2 Tam Hiệp thì tần suất giường bệnh luôn hoạt động với công suất 200-300% nên việc các bệnh nhi phải nằm ghép giường 3-4 bệnh nhi/giường là thường xuyên. Từ ngày Bệnh viện K Trung ương mở thêm cơ sở 3 Tân Triều nhằm giảm quá tải bệnh nhi thì tình hình được cải thiện hơn nhưng việc phải nằm ghép nhiều khi cũng không tránh khỏi. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với Khoa Ung bướu của Bệnh viện Nhi Trung ương. Con số phát hiện và theo dõi bệnh nhi bị ung thư tại bệnh viện ở thời điểm hiện tại là 1.300 bệnh nhi.

Những năm gần đây ung thư ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng đến mức báo động. Điều này là nỗi lo chung khi mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã đưa ra thống kê, trên thế giới đang có khoảng 250.000 trẻ em bị mắc bệnh ung thư. Trong khi đó tại các nước đang phát triển, ung thư là căn bệnh gây tử vong đứng thứ 2 ở trẻ em. Còn tại Việt Nam, mỗi năm cũng có tới 4.200 trường hợp ung thư nhi mắc mới.

Những trường hợp ung thư nhi này tăng khá nhanh ở hai thành phố lớn là thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ung thư ở trẻ thường gặp nhiều nhất là các bệnh về máu, u não, còn lại là u nguyên bào thần kinh, u thận, u xương, u phần mềm... Tỷ lệ gây tử vong cao nhất là ung thư máu (chiếm tới 30%), trong đó thường gặp là bệnh bạch cầu cấp dòng lympho và bạch cầu cấp dòng tủy.

Ngoài ra u nguyên bào thần kinh cũng là dạng ung thư phổ biến trong nhóm u đặc biệt thường gặp trong năm đầu đời của trẻ, bởi chủ yếu bệnh là do mắc bẩm sinh. Theo Th.S Vũ Đình Quang, Khoa Di truyền và Sinh học Phân tử, Bệnh viện Nhi Trung Ương thì U nguyên bào thần kinh là do xảy ra đột biến xảy ra trong quá trình mang thai nên khi sinh ra trẻ đã mang mầm bệnh, ở bệnh này thì có tới 98% khối u tìm thấy ở trẻ dưới 6 tuổi. Với các trường hợp bị bẩm sinh mà phát hiện muộn thì khả năng chữa trị khỏi là rất thấp. Vậy nên, với các trường hợp trẻ còn nhỏ mà lại có triệu chứng đau lưng, đau xương... thêm vào đó là bụng to không bình thường thì phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay, bởi đây là dấu hiệu cơ bản để nhận biết căn bệnh u nguyên bào thần kinh.

Phát hiện sớm có thể chữa khỏi

Thông thường ung thư bị coi là một “bản án tử hình” đối với những người mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên ở đối tượng là trẻ em thì khả năng chữa khỏi bệnh khá cao. Bởi trẻ em có những đặc điểm tâm sinh lý khác người lớn, các cơ quan trong cơ thể trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển… nên việc điều trị bệnh cũng khả quan hơn. Cụ thể các tế bào ung thư ở trẻ em xuất phát từ những tế bào non, khi hình thành trong cơ thể thì tăng sinh rất mạnh, đẩy diễn biến bệnh trở nên nhanh hơn.

Điều này đem đến hai khả năng, thứ nhất có thể gây tử vong nhanh với bệnh nhân khi tế bào ung thư phát triển mạnh (bình thường đối với cơ thể trẻ thì các tế bào ác tính có thể phát triển nhanh gấp 2 lần). Nhưng ngược lại khả năng tái tạo đối với các tế bào non trong cơ thể lại cao, khi đưa thuốc vào cơ thể sẽ có tác dụng nhanh hơn so với người cao tuổi nên tỷ lệ cứu sống bệnh nhi cũng cao hơn.

Điều này đã được PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định: “Trước nay, ung thư là vẫn bị xem là một căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong rất lớn ở người mắc bệnh. Nhưng đối với những trường hợp ung thư ở trẻ em thì khả năng chữa trị được bệnh là rất lớn. Theo thống kê thì có tới 40% trường hợp mắc bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm”.

Bệnh nhi đang điều trị ung thư tại Bệnh viện K

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) với con số 250.000 trẻ em mắc mới bệnh ung thư mỗi năm thì có tới 50.000 trẻ được chẩn đoán có tỷ lệ sống sót là 80% và 200.000 trẻ còn lại có khoảng 25% cơ hội sống sót. Vì vậy, việc khám sàng lọc và phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ.

Trong suốt hơn 15 năm điều trị căn bệnh hiểm nghèo này cho các bệnh nhi, bác sĩ Trần Văn Công, Bệnh viện K khẳng định: “Tỷ lệ kéo dài sự sống hoặc chữa khỏi bệnh ung thư cho trẻ là rất cao. Tất nhiên việc điều trị này còn tùy thuộc vào từng bệnh cụ thể và tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhi. Trung bình trên 70% bệnh nhi được chữa trị kịp thời sẽ kéo dài được sự sống. Cụ thể là đối với các bệnh như bạch cầu lym mô cấp thì tỷ lệ kéo dài sự sống lên đến 83,1%; bệnh Hodgkin là 95,1%; u hệ thống thần kinh trung ương là 65,4%; u nguyên bào võng mạc là 95,3%; u nguyên bào thận là 83,6%... Như vậy là việc chữa trị bệnh ung thư và kéo dài sự sống ở trẻ em mắc bệnh này là rất khả quan”.

Tuy nhiên, thực trạng điều trị bệnh ung thư nhi ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Bởi theo các tổ chức tìm hiểu về quá trình điều trị bệnh ung thư nhi ở Việt Nam cho thấy một vấn đề lớn hiện nay là cơ sở điều trị ung thư cho trẻ còn thiếu. Ngay như tuyến Trung ương mới có 4 bệnh viện đủ khả năng điều trị ung thư nhi. Đây đang bị coi là rào cản khiến bệnh nhi gặp khó khăn khi tiếp cận với các cơ sở y tế để điều trị bệnh. Điều này đã đem đến một thực tế là số trẻ mắc ung thư được chẩn đoán vẫn còn sót nên khi trẻ được đưa đến nhập viện để điều trị thì đã muộn, mà khi bệnh đã nặng thì tỷ lệ thành công trong điều trị bệnh lại không cao.

Trong khi đó, một thực tế phũ phàng là bệnh ung thư ở Việt Nam đang tăng rất nhanh. Con số thống kê mới đây rằng: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 trường hợp mới mắc và 70.000 trường hợp tử vong do ung thư khiến bất cứ ai cũng phải rùng mình. Và sự thật ung thư không chỉ đang là mối lo ngại lớn của ngành y mà đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vậy nên, bên cạnh việc truy tìm những yếu tố gây bệnh để khắc phục tình trạng mắc ung thư trong tương lai thì việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đầy đủ để người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ sớm có điều kiện tiếp cận tầm soát và phát hiện bệnh sớm cũng đang là một vấn đề cấp thiết.

“Dấu hiệu nhận biết ung thư sớm ở trẻ: Xuất hiện khối u hoặc sưng nề bất thường ở vùng ổ bụng; có triệu chứng sốt cao, kéo dài mà không rõ nguyên nhân; trẻ mệt mỏi, xanh xao, sút cân nhanh; dễ xuất hiện các vết bầm tím và chảy máu; mắt có vết trắng ở đồng tử; một khớp gối hay vai đâu hay xưng to; đau kéo dài hay đau đầu kèm theo nôn; thay đổi đột ngột khả năng thăng bằng hay có sự thay đổi đột ngột về hành vi; đầu bị sưng nề… Khi thấy những triệu chứng này các phụ huynh cần đưa ngay trẻ đi khám tầm soát ung thư để có biện pháp điều trị kịp thời và tốt nhất cho trẻ” - TS.BS Trần Văn Công, Bệnh viện K.


Huyền Anh

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.